Bệnh nhân dùng statin có nên bổ sung Coenzyme Q10 để giảm nguy cơ mắc bệnh cơ do statin hay không?

Tác dụng phụ thường gặp nhất của statin là bệnh cơ. Nguy cơ mắc bệnh về cơ gặp ở tất cả thuốc thuộc nhóm statin và phụ thuộc vào liều. Nếu nồng độ CK (creatine kinase) tăng cao rõ rệt (gấp 5 lần so với cận trên của khoảng giới hạn bình thường), bệnh nhân không nên bắt đầu hoặc tiếp tục điều trị bằng statin. Cơ chế gây bệnh cơ của statin hiện chưa rõ nhưng có thể do rối loạn chức năng ti thể do giảm nồng độ coenzyme Q10 trong cơ (9). CoQ10, tức ubiquinon, là một chất chống oxy hóa tan trong dầu có ở tất cả các tế bào. CoA-Q10 đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phosphoryl hóa oxy hóa ở ti thể, chống lại stress oxy hóa do các gốc tự do và phục hồi các chất chống oxy hóa khác. Statin ngăn cản sự tổng hợp coenzyme Q10, mà ti thể liên quan đến chức năng cơ, từ đó có giả thuyết cho rằng sự thiếu hụt CoQ10 do statin góp phần gây ra bệnh cơ liên quan đến statin (12). Dựa vào suy luận trên, liệu có bằng chứng lâm sàng nào chứng minh bệnh nhân sử dụng statin nên bổ sung CoQ10 để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cơ hay không?

 

 

Đặt vấn đề

Các chất ức chế 3-hydroxy-3-methyl-glutaryl-coenzym A (HMG-CoA) thường được gọi là statin được dùng để giảm lipid máu và dự phòng các biến cố tim mạch (1).

Tác dụng phụ thường gặp nhất của statin là bệnh cơ. Nguy cơ mắc bệnh về cơ gặp ở tất cả thuốc thuộc nhóm statin và phụ thuộc vào liều. Nếu nồng độ CK (creatine kinase) tăng cao rõ rệt (gấp 5 lần so với cận trên của khoảng giới hạn bình thường), bệnh nhân không nên bắt đầu hoặc tiếp tục điều trị bằng statin (1).

Statin ức chế cạnh tranh HMG-CoA reductase, giảm tổng hợp mevalonat, một chất liên quan đến sự tổng hợp cholesterol (9). Cơ chế gây bệnh cơ của statin hiện chưa rõ nhưng có thể do rối loạn chức năng ti thể do giảm nồng độ coenzyme Q10 trong cơ (9). CoQ10, tức ubiquinon, là một chất chống oxy hóa tan trong dầu có ở tất cả các tế bào. CoA-Q10 đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phosphoryl hóa oxy hóa ở ti thể, chống lại stress oxy hóa do các gốc tự do và phục hồi các chất chống oxy hóa khác. Statin ngăn cản sự tổng hợp coenzyme Q10, mà ti thể liên quan đến chức năng cơ, từ đó có giả thuyết cho rằng sự thiếu hụt CoQ10 do statin góp phần gây ra bệnh cơ liên quan đến statin (12).

Dựa vào suy luận trên, liệu có bằng chứng lâm sàng nào chứng minh bệnh nhân sử dụng statin nên bổ sung CoQ10 để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cơ hay không?

Tổng hợp dữ liệu hiện có về vấn đề này

 

Tác động của statin lên nồng độ CoQ10

Một phân tích gộp 12 thử nghiệm phân nhóm ngẫu nhiên có kiểm soát (RCT) đã tìm kiếm tác động của statins lên nồng độ CoQ10, trên tổng cộng 1776 người, với những chỉ định điều trị statin khác nhau (10). Kết quả, nhóm điều trị statin trong thời gian 14 ngày đến 26 tuần có nồng độ CoQ10 giảm rõ rệt so với nhóm giả dược (p=0,001). Mức độ giảm CoQ10 không liên quan đến thời gian điều trị bằng statin cũng như mức độ sử dụng thuốc. Phân tích dưới nhóm cho thấy không có sự khác biệt nào giữa tác dụng của các statin thân dầu và các statin thân nước (p=0,320). Mặc dù nồng độ CoQ10 ở nhóm statin thấp hơn đáng kể so với nhóm giả dược, vẫn không đánh giá được mức độ ảnh hưởng của statin do không rõ đơn vị đánh giá. Thêm vào đó, báo cáo nghiên cứu không trình bày loại statin được sử dụng, liều dùng, số lần dùng hay chỉ định.

 

Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, 49 bệnh nhân ở Nhật Bản có tăng cholesterol máu được sử dụng atorvastatin 10mg/ ngày trong 16 tuần. Một nửa trong số đó (n=24) bổ sung CoQ10 100mg/ngày, số còn lại (n=25) dùng giả dược. Kết quả, nồng độ CoQ10 của nhóm giả dược giảm 42% (trung vị) so với dữ liệu trước can thiệp (p < 0,0001) trong khi nhóm bổ sung CoQ10 tăng 127% (p<0,001). Ở tuần cuối nghiên cứu (tuần thứ 12), không có sự khác biệt giữa hai nhóm trong nồng độ cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C, triglycerid hay nồng độ apolipoprotein A1. Sự thay đổi nồng độ CoQ10 trong huyết tương không liên quan đến sự thay đổi nồng độ CK (15). Kết quả từ các nghiên cứu trên ủng hộ giả thiết statin gây ảnh hưởng đến sự tổng hợp CoQ10, làm giảm nồng độ CoQ10 và bổ sung CoQ10 có thể giúp làm tăng nồng độ CoQ10 trong máu. Tuy nhiên chúng vẫn chưa giải quyết được câu hỏi liệu sử dụng kéo dài CoQ10 cùng statins có giúp tránh/ giảm thiểu các triệu chứng về cơ hay bổ sung CoQ10 có cải thiện việc tuân thủ điều trị statins hay không?

 

Tác động của coenzyme Q10 lên các triệu chứng cơ

Hiện nay tác động của việc bổ sung CoQ10 trong việc cải thiện các triệu chứng cơ liên quan đến sử dụng statin chưa được chứng thực đầy đủ. Một vài nghiên cứu đã được tiến hành để kiểm chứng lợi ích của việc bổ sung Co10 trong cải thiện triệu chứng cơ, tuy nhiên kết quả vẫn còn nhiều mâu thuẫn.

 

Một phân tích gộp được tiến hành để đánh giá tác động của CoQ10 lên bệnh cơ liên quan đến statin, bao gồm 12 RCT trên 575 bệnh nhân (294 bệnh nhân sử dụng CoQ10 và 281 dùng giả dược). Quá trình thử nghiệm kéo dài từ 30 ngày đến 3 tháng. Tất cả các nghiên cứu lựa chọn các bệnh nhân điều trị với statin và có báo cáo về triệu chứng cơ bất kể loại statin và liều dùng, cũng không nêu rõ liều dùng CoQ10 (16). Kết quả, sử dụng CoQ10 cùng với statin cải thiện các triệu chứng đau cơ (p<0,001), yếu cơ (p=0,006), chuột rút (p<0,001), mỏi cơ (p<0,001) so với giả dược. Tuy nhiên bổ sung CoQ10 lại không làm giảm nồng độ CK huyết tương. Mặc dù các tác giả khẳng định không có dấu hiệu của sai số công bố, nhưng vẫn có thể các nghiên cứu với kết quả tiêu cực (như đau cơ dù bổ sung CoQ10) không được công bố, vì thế không được đưa vào phân tích này. Hơn nữa mỗi nghiên cứu đều được tiến hành trên quy mô nhỏ (n≤70) trong thời gian ngắn (16).

 

Một nghiên cứu thí điểm phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng, không nằm trong phân tích gộp trên đánh giá tác động của CoQ10 lên sự chuyển hóa oxy hóa hệ cơ xương bằng phương pháp quang phổ cộng hưởng từ đồng vị 31P trên 21 bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 60 đang sử dụng ≥ 20mg simvastatin/ ngày. Đánh giá động học của sự phục hồi phosphocreatinin ở bắp chân được tiến hành từ lúc bắt đầu thử nghiệm cho đến 4 tuần sau khi bệnh nhân sử dụng statin và ubiquinol, một dạng CoQ10 với liều 300mg hai lần/ngày (n=12) hoặc statin và giả dược phù hợp. Bệnh nhân được phân nhóm dựa trên tiền sử đau cơ liên quan đến statin. Không có thông tin về loại statin cụ thể và liều dùng. Kết quả, không có sự khác biệt đáng kể nào trong thời gian phục hồi phosphocreatinin (PCr, đánh giá chức năng ti thể) ở bệnh nhân nhóm sử dụng CoQ10, PCr = -18,9% so với nhóm giả dược, PCr = -7,7% (p=0,448) (17). Có 10 bệnh nhân từng đau cơ do statin, 4 trong số đó thuộc nhóm sử dụng statin và giả dược, 6 người còn lại dùng statin và CoQ10. 50% bệnh nhân mỗi nhóm có triệu chứng đau cơ trở lại. Mặc dù nghiên cứu trên quy mô nhỏ và trong thời gian ngắn nhưng cũng đã đặt ra nghi vấn về lợi ích của việc bổ sung CoQ10 trong điều trị hoặc phòng ngừa các triệu chứng cơ liên quan đến statin. Bổ sung CoQ10 là một phương pháp phổ biến nhằm điều trị bệnh cơ do statin, tuy nhiên cho đến nay các dữ liệu lâm sàng đều không chứng minh đầy đủ được hiệu quả này của CoQ10.

 

Tác động của CoQ10 trong việc cải thiện tuân thủ điều trị statin

Không có nghiên cứu nào cho thấy CoQ10 có thể cải thiện tuân thủ điều trị statin.

 

Hướng dẫn điều trị NICE

Không có bằng chứng lâm sàng chứng minh lợi ích của CoQ10 trong cải thiện tuân thủ điều trị statin. Không nên sử dụng CoQ10 để cải thiện tuân thủ điều trị statin.

 

Tóm lại

Đến nay chưa có đủ bằng chứng chứng minh hiệu quả của CoQ10 trong việc cải thiện các triệu chứng cơ liên quan đến statin. Bổ sung CoQ10 dường như không có tác dụng lên nồng độ CK mặc dù dữ liệu về điểm này cũng chưa đầy đủ. Cần thêm thông tin về nguyên nhân gây ra bệnh cơ do statin, bao gồm cả việc CoQ10 ngoại sinh ảnh hưởng đến nồng độ CoQ10 nội sinh trong mô như thế nào và liệu việc phục hồi nồng độ CoQ10 có làm giảm các triệu chứng cơ trên lâm sàng hay không. Quan trọng nhất là, vẫn chưa có các nghiên cứu đầy đủ về tác động của CoQ10 trong cải thiện tuân thủ điều trị statin, vì thế mà NICE không khuyến cáo bổ sung CoQ10. Các biện pháp làm giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ hiếm gặp của statin bao gồm:

• Sử dụng liều statin tối thiểu có hiệu quả.

• Tuân thủ các khuyến nghị trong tờ hướng dẫn sử dụng của statin, như đo nồng độ CK cơ bản trước khi bắt đầu điều trị ở bệnh nhân có nguy cơ.

• Tránh các loại thuốc tương tác với statin.

• Giáo dục bệnh nhân nhận biết và hành động dựa trên các dấu hiệu sớm của bệnh cơ.

 

Nguồn: Prepared by UK Medicines Information (UKMi) pharmacists for NHS healthcare professionals (Date prepared: March 2019)

Danh mục các tài liệu tham khảo đã được trích dẫn: Xin tải tại đây

 

Người tổng hợp: Thu Hà - Phương Thảo

Các tin liên quan