Điểm tin đáng chú ý từ bản tin Drug Safety Update tháng 4/2021
Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế
- Đã có nhiều báo cáo về tương tác gây hại tiềm ẩn giữa các thuốc nhuận tràng polyethylene glycol (PEG) và các chất làm đặc có bản chất tinh bột khi trộn lẫn với nhau.
- Kết hợp hai hợp chất này có thể làm mất tác dụng làm đặc và tạo ra chất lỏng loãng như nước - các bệnh nhân khó nuốt (chứng khó nuốt) tiềm ẩn nguy cơ bị hít phải cao hơn bởi những chất lỏng loãng hơn này.
- Tránh việc trực tiếp trộn lẫn các thuốc nhuận tràng PEG và các chất làm đặc có bản chất tinh bột, đặc biệt ở những bệnh nhân khó nuốt có nguy cơ cao hít phải như người già và những người bị thương tật có ảnh hưởng đến khả năng nuốt.
- Báo cáo các tác dụng có hại nghi ngờ của thuốc đến các Trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc.
Thông tin về thuốc nhuận tràng polyethylene glycol (PEG)
Các sản phẩm nhuận tràng polyethylene glycol (PEG) điều trị táo bón thông qua hiệu ứng thẩm thấu. Các thuốc này được chỉ định hầu hết cho người lớn với một số công thức cũng được chỉ định để sử dụng cho trẻ em. Một số sản phẩm nhuận tràng PEG như Movicol, Macrogol 3350 và Moviprep có sẵn ở dạng bột, phải được hòa tan trong chất lỏng trước khi sử dụng.
Thông tin về chất làm đặc có bản chất tinh bột
Chất lỏng được cô đặc thường được sử dụng cho những bệnh nhân bị khó nuốt, bao gồm người già và những người có khuyết tật trong việc nuốt. Làm đặc chất lỏng trước khi nuốt giúp kiểm soát để không nuốt quá nhiều chất lỏng và làm giảm nguy cơ hít phải, các tình trạng có thể đe dọa tính mạng.
Có 2 loại chất làm đặc chính: Chất làm đặc có bản chất tinh bột (ví dụ: bột bắp) và bản chất gum (xanthan gum). Hầu hết các chất làm đặc được xếp vào nhóm các thực phẩm phục vụ cho mục đích y khoa đặc biệt và được dùng để làm đặc cả chất lỏng và thức ăn đến nhiều độ đặc khác nhau. Có nhiều nhãn hiệu chất làm đặc có sẵn khác nhau và chúng có thể ở dạng bột hoặc dạng lỏng.
Lời khuyên cho việc sử dụng một chất làm đặc là cần dựa trên mức độ khó nuốt của bệnh nhân và nguy cơ tiềm ẩn hít phải, yêu cầu về kết cấu và độ đặc mong muốn, cảm giác ngon miệng, và cân nhắc bối cảnh lâm sàng khác.
Các báo cáo về tác dụng có hại tiềm ẩn
Viện Thực hành Thuốc An toàn (ISMP) Canada đã đưa ra một bản tin An toàn thuốc cảnh báo về tương tác có hại có thể xảy ra giữa thuốc nhuận tràng PEG và chất làm đặc có bản chất tinh bột. Báo cáo về một trường hợp đã được xác định, trong đó bệnh nhân được chuyển sang chế độ ăn đặc vì chứng khó nuốt. PEG-3350 được trộn với nước trái cây đã được làm đặc trước bởi chất có bản chất tinh bột. Vào ngày dùng thuốc thứ 2, bệnh nhân có dấu hiệu hít phải chất lỏng sau khi nuốt và tử vong sau đó vài giờ. Mặc dù khó xác định nguyên nhân tử vong do bệnh nhân mắc những bệnh lý nền khác, nhưng hít phải hỗn hợp được cho là một yếu tố góp phần.
Việc thêm thuốc nhuận tràng PEG vào chất lỏng đã được làm đặc bởi các chất có bản chất tinh bột có thể làm giảm độ nhớt của hỗn hợp (lỏng hơn và bị chảy nước) - gây mất độ đặc mong muốn. Bệnh nhân bị chứng khó nuốt khi nuốt những chất lỏng loãng hơn sẽ có nguy cơ cao hít phải những chất lỏng này.
Tình trạng táo bón đi kèm chứng khó nuốt ngày càng phổ biến ở người cao tuổi và ở những người bị khuyết tật ảnh hưởng đến việc nuốt. Vì vậy, những đối tượng này có thể có nguy cơ đặc biệt nếu thuốc PEG được thêm vào chất lỏng đã được làm đặc bằng tinh bột. MHRA hiện chưa ghi nhận bất cứ trường hợp báo cáo nào về phản ứng tiềm ẩn này tại Anh.
MHRA đã yêu cầu các nhà sản xuất sản phẩm thuốc nhuận tràng PEG ở Vương quốc Anh bổ sung thông tin về tác dụng có hại của tương tác tiềm ẩn này vào Tóm tắt Đặc tính Sản phẩm và Tờ Thông tin dành cho bệnh nhân.
Điểm tin: CTV. Hoàng Hải Linh, CTV. Vương Thị Hương, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến