COVID-19 và nguy cơ cao đặc biệt đối với bệnh nhân chạy thận

Một bài báo trước đây được đăng trên chuyên mục Actualités của tạp chí Vidal đã đề cập đến bệnh lý thận trong nhiễm COVID-19. Vậy đối với bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối (giai đoạn 5), đặc biệt ở những bệnh nhân chạy thận nhân tạo lâu dài trong giai đoạn bùng phát lây nhiễm SARS-CoV-2 thì sao?

 

Tại Pháp, có khoảng 50000 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo và 90% trong số họ điều trị tại các cơ sở chuyên khoa. Trong báo cáo thường niên của REIN (Mạng lưới dịch tễ, thông tin về bệnh lý thận) vào năm 2015, độ tuổi trung bình của những bệnh nhân này là 69,5 tuổi, trung vị 71 tuổi và hơn 55% số bệnh nhân có tuổi từ 70 trở lên.

Ngoài ra, các bệnh lý mắc kèm được quan sát thấy đã khiến nhóm bệnh nhân này được phân loại ở nhóm có nguy cơ cao đối với các tình trạng nghiêm trọng (theo Thượng Hội đồng về y tế công cộng [HCSP], 2020). Đó là các bệnh lý như tăng huyết áp động mạch, đái tháo đường và các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó còn có suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch và hội chứng viêm.

Ngoài ra, bản thân các trung tâm lọc máu được tổ chức như một không gian cộng đồng khiến SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cho nhiều bệnh nhân. Thật vậy, bệnh nhân chạy thận đặc biệt có nguy cơ cao phơi nhiễm với bệnh lý nhiễm trùng, do những tiếp xúc tại bệnh viện mỗi lần thực hiện lọc máu và tình trạng “chung đụng” hiện có trong khuôn khổ bệnh viện. Ngoài những yếu tố này, cũng cần xét đến việc bệnh nhân ra ngoài di chuyển đến bệnh viện 3 lần một tuần.

 

Một số khuyến cáo từ các chuyên gia xã hội học

Các khuyến cáo khác nhau đã được đưa ra nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở các cơ sở (xem Bảng I). Những khuyến cáo này đến từ Hiệp hội Lọc máu và GhépChâu Âu, Hiệp hội Thận Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh và Nhóm làm việc Eudial trực thuộcHiệp hội Thận Châu Âu.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có báo cáo toàn diện về tỷ lệ tử vong của nhóm bệnh nhân này. Phần lớn các bài báo vẫn còn ở dạng báo cáo sơ bộ.

Trong bản cập nhật gần nhất (ngày 20/04/2020) của từ mạng lưới REIN của Cơ quan y sinh, trong số 1298 bệnh nhân chạy thận được đưa vào hai nhóm giám sát và bị nhiễm SARS-CoV-2, đã có 209 người chết, tỷ lệ tử vong là 16%.

Tỷ lệ là quan trọng nhưng cần được xem xét cùng với đặc điểm của quần thể bệnh nhân: ở những bệnh nhân đã tử vong, độ tuổi trung bình là 78,2 tuổi; đã được lọc máu trong thời gian trung bình là 4,2 năm; 50% trong số đó mắc bệnh đái tháo đường và 41,5% mắc bệnh mạch vành. Do đó, rất khó xác định gánh nặng thực sự của việc lọc máu trên nền tất cả các bệnh lý mắc kèm nặng của nhóm bệnh nhân này.

 

Bảng I. Các khuyến cáo chung liên quan đến việc tổ chức các trung tâm chạy thận nhân tạo

Chăm sóc chung

  • Giáo dục bệnh nhân và người chăm sóc người bệnh
  • Vệ sinh tay và đường hô hấp, chú ý vệ sinh khi ho
  • Mỗi bệnh nhân cần có vật dụng bảo vệ cá nhân cho mỗi lần lọc máu nếu có thể, ít nhất là dùng khẩu trang

Phân tầng bệnh nhân

  • Gọi cho bệnh nhân hoặc bệnh nhân chủ động gọi trước mỗi lần lọc máu để thông báo về tất cả triệu chứng hiện có trước khi đến trung tâm
  • Áp dụng quy trình vận chuyển bệnh nhân phù hợp
  • Xác định bệnh nhân phơi nhiễm hoặc có triệu chứng khi đến trung tâm
  • Xét nghiệm bệnh nhân nếu có thể và theo dõi bệnh nhân bị nhiễm bệnh

Quản lý bệnh nhân có triệu chứng hoặc mắc bệnh

  • Đeo khẩu trang trong đơn vị lọc máu
  • Giãn cách mỗi vị trí lọc máu ít nhất hai mét
  • Chuyên môn hóa nhân viên y tế trong chăm sóc bệnh nhân nhiễm
  • Nếu có thể, sắp xếp phòng lọc máu riêng dành cho bệnh nhân nhiễm
  • Nếu nhiều bệnh nhân bị nhiễm, tách các bệnh nhân nhiễm sang một khu vực lọc máu chuyên dụng

Giám sát vật liệu và thiết bị

  • Chú ý dự trù trang thiết bị bảo hộcho nhân viên
  • Ưu tiên giữ các thiết bị cá nhân để sử dụng cho nhân viên
  • Theo dõi các nhân viên
  • Chú ý đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên y tế
  • Bảo vệ nhân viên khỏi các yếu tố lây nhiễm trong không khí và trên bề mặt với: mũ, kính, khẩu trang FFP2, áo khoác và găng tay
  • Lên danh sách các nhân viên dự bị

Tổ chức chuyển giao lọc máu tại nhà, đặc biệt là thẩm phân phúc mạc

  • Cách thức này có ưu điểm là ngoài đảm bảo lọc máu còn có thể cách ly xã hội và giảm thiểu việc ra ngoài di chuyển
  • Áp dụng quy trình chuyển giao đầu tiên với đặt ống thông thẩm phânphúc mạc, tiếp cận mạch máu

 

Trên thực tế

Bệnh nhân suy thận mạn tính có lọc máu hoặc ghép tạng nằm trong danh sách có nguy cơ mắc COVID-19 nặng theo phân loại của HCSP.

Các hiệp hội người bệnh là một kênh cung cấp thông tin quan trọng, giúp giáo dục và hỗ trợ tâm lý cho những bệnh nhân này.

Cuối cùng, bối cảnh đại dịch COVID-19 đã khiến việc quản lý bệnh nhân giai đoạn 5 bằng kỹ thuật điều trị tại nhà được ủng hộ. Với khả năng đại dịch tiếp tục kéo dài, số bệnh nhân được điều trị theo quy trình này có thể sẽ tăng lên.

 

Nguồn: https://www.vidal.fr/actualites/24819/covid_19_les_patients_hemodialyses_particulierement_a_risque/?cid=eml_000973&fbclid=IwAR1IkaNLN9jVOWZVVIIG_I2o9ofD9i9oR3IVMk6eyr-qclKgLNrNXAK8qPQ

Tác giả: Gs. Alain BAUMELOU – Đại học Paris 6

Người dịch : DS  Lê Hương Giang, Ths. DS. Vũ Đức Hoàn

Các tin liên quan