Trong ấn bản NEJM Journal Watch (General Meidicne) Year in Review 2018, các Editor của tạp chí đã điểm lại kết quả của những nghiên cứu mới về việc sử dụng thuốc an thần trên bệnh nhân hồi sức tích cực. Dữ liệu cho thấy thuốc chống loạn thần không ngăn ngừa được các cơn mê sảng cũng như không có tác động nào lên diễn biến lâm sàng của mê sảng.
Thông thường thuốc chống loạn thần được sử dụng để kiểm soát kích động ở bệnh nhân mê sảng có nguy cơ có hành vi gây thương tích. Gần đây, phạm vi sử dụng thuốc được mở rộng trên cả điều trị dự phòng ở bệnh nhân có nguy cơ mê sảng, cũng như điều trị rối loạn suy nghĩ ở bệnh nhân với các triệu chứng giảm hoạt động. Hai thử nghiệm năm 2018 đã cho thấy nên dừng sử dụng thuốc chống loạn thần vì các mục đích trên.
Thử nghiệm REDUCE được thực hiện trên 1800 bệnh nhân khoa hồi sức tích cực (ICU) có nguy cơ mê sảng tại Hà Lan. Bệnh nhân được lựa chọn ngẫu nhiên để sử dụng hoặc haloperidol (1 mg hay 2 mg ba lần/ ngày) hoặc giả dược. Nhóm sử dụng haloperidol 1 mg đã dừng sớm do không thấy tác dụng. Tỉ lệ tử vong trong vòng 28 ngày và 90 ngày không khác biệt giữa nhóm dùng haloperidol 2 mg và nhóm giả dược. Tỉ lệ mê sảng (33%), độ dài đợt điều trị tại khoa ICU và tại bệnh viện cũng như thời gian thở máy là tương đương nhau giữa 2 nhóm (NEJM JW Gen Med ngày 1/4 và JAMA ngày 20/2; 319:680).
Ảnh minh họa: Internet.
Ở một thử nghiệm lâm sàng khác, hơn 500 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch có cơn mê sảng (75% điều trị tại khoa ICU, hầu hết đều thở máy, khoảng 90% bệnh nhân giảm vận động) tại 16 bệnh viện ở Hoa Kì được điều trị bằng haloperidol, ziprasidon hoặc giả dược trong 14 ngày. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt nào về tổng số ngày không mê sảng, thời gian thở máy, thời gian điều trị tại ICU hay tỉ lệ tử vong trong 14 ngày giữa các nhóm điều trị, bất kể là mê sảng thể giảm vận động hay tăng vận động (NEJM JW Gen Med ngày 1/12 và N Engl J Med ngày 22/10; [e-pub]).
Hai thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên trên đã cho thấy thuốc chống loạn thần không có vai trò gì trong việc dự phòng mê sảng ở bệnh nhân ICU và không nên được sử dụng ở bệnh nhân mê sảng giảm vận động. Thuốc chống loạn thần có thể có vai trò trong kiểm soát bệnh nhân mê sảng tăng động có nguy cơ tự gây hại cao (như tự rút ống nội khí quản). Tuy nhiên nên dừng thuốc ngay khi nhận thấy thuốc có nguy cơ gây hại, như kéo dài khoảng QT hay viêm phổi hít (NEJM JW Gen Med Mar 1 và J Am Geriatr Soc 2017 Dec; 65:2580).
Nguồn: https://www.jwatch.org/na48078/2018/12/27/nejm-journal-watch-general-medicine-year-review-2018
Người tổng hợp: Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn Thị Phương Thảo