Thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu và vắc xin COVID-19: Khuyến cáo từ MHRA

 

Gần đây, MHRA đã ghi nhận một số trường hợp xuất hiện biến cố huyết khối nghiêm trọng kèm giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca.

Chưa có bằng chứng cho thấy sự ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ trên các bệnh nhân này, chủ yếu là những người có tiền sử khỏe mạnh. Đây là tình trạng hiếm gặp, với sự hình thành cục máu đông bất thường. Cơ chế của tình trạng này được cho là liên quan đến đáp ứng miễn dịch của cơ thể với vắc xin AstraZeneca, có thể do sự đa hình trong gen mã hóa thụ thể Fc của hệ miễn dịch và đây cũng là 1 lĩnh vực đang được nghiên cứu. Không có lý do để cho rằng những bệnh nhân có tiền sử huyết khối hoặc hội chứng tăng đông(thrombophilic) sẽ có nguy cơ mắc biến cố hiếm gặp này cao hơn do nguyên nhân nằm ở cơ chế miễn dịch. Tương tự, dù mang thai làm tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng đông máu, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy những phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh hoặc đang sử dụng thuốc tránh thai sẽ có nguy cơ mắc huyết khối đi kèm với giảm tiểu cầu cao hơn sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca. Hiện chưa ghi nhận trường hợp phụ nữ có thai xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên, cần thận trọng khi tiêm chủng trên những cá nhân có tiền sử mắc huyết khối và giảm tiểu cầu do heparin (HITT hoặc HIT týp 2).

 

Cần đánh giá đúng những trường hợp xảy ra biến cố đông máu đi kèm giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin AstraZeneca liều đầu tiên. Nếu xuất hiện tình trạng này, nên hoãn việc tiêm vắc xin cho đến khi quá trình đông máu của bệnh nhân hoàn toàn ổn định, và cân nhắc sử dụng vắc xin khác cho liều tiêm liều thứ hai. Tương tự như hội chứng HITT, các kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu có thể tồn tại trong cơ thể khoảng 6 tháng.

 

Người dân được khuyến cáo tiêm liều vắc xin thứ 2 cùng loại nếu không xuất hiện biến cố hiếm gặp trên sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca liều đầu tiên. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy nguy cơ xuất hiện biến cố này tăng sau khi tiêm liều thứ 2 và tỷ lệ xảy ra các phản ứng khác ở liều hai thấp hơn so liều 1 khi tiêm vắc xin cùng loại. Các phản ứng có hại thông thường có khả năng xuất hiện nhiều hơn khi sử dụng vắc xin thay thế khi tiêm liều 2 khác loại.

 

Dựa trên bằng chứng hiện có, Liên Uỷ ban về tiêm chủng Anh Quốc (The Joint Committee of Vaccination and Immunisation - JCVI) đang tư vấn ưu tiên sử dụng một vắc xin khác cho người khỏe mạnh dưới 40 tuổi, bao gồm nhân viên y tế và nhân viên công tác chăm sóc xã hội, người chăm sóc không được trả lương và những người trong gia đình của bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

 

Đối tượng có tiền sử xuất hiện các đợt đông máu và người được chẩn đoán mắc hội chứng tăng đông máu (thrombophilia), dù đang sử dụng thuốc chống đông dài hạn hay không, vẫn có nguy cơ mắc COVID-19. Với người có tiền sử huyết khối hoặc có các yếu tố nguy cơ đã biết có thể mắc huyết khối, chưa có bằng chứng cho thấy họ sẽ có nguy cơ hình thành miễn dịch trung gian đáp ứng tình trạng huyết khối và giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin AstraZeneca. Với hầu hết các đối tượng này, nguy cơ huyết khối tái phát do nhiễm COVID-19 vẫn cao hơn nhiều so với nguy cơ mắc biến cố huyết khối và giảm tiểu cầu sau tiêm vắc xin. Do đó, người trên 40 tuổi có các tiền sử này cần được tiêm chủng với bất kỳ loại vắc xin nào hiện có (miễn là không có chống chỉ định nào khác). Cân nhắc tương tự cũng được áp dụng cho những người xuất hiện tình trạng huyết khối thông thường sau khi tiêm liều đầu vắc xin AstraZeneca nhưng không đi kèm giảm tiểu cầu.

 

Nguồn: https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/

attachment_data/file/1007737/Greenbook_chapter_14a_30July2021.pdf

Điểm tin: CTV. Lê Thị Nguyệt Minh, CTV. Đinh Thị Thủy, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Các tin liên quan