Phản vệ với vắc xin COVID-19 – Khuyến cáo từ Tổ chức Dị ứng Thế giới

 

Hiện nay, vắc xin phòng COVID-19 (và các biến thể) là biện pháp cần thiết nhằm kiểm soát đại dịch. Vắc xin thường gây ra các phản ứng có hại, tuy nhiên phần lớn các phản ứng này là do vắc xin kích thích đáp ứng miễn dịch bảo vệ của cơ thể, không phải là phản ứng dị ứng. Phản vệ là một phản ứng hiếm gặp, xảy ra với tần suất dưới 1/1 triệu liều đối với hầu hết các loại vắc xin. Tuy nhiên, đã có báo cáo về các trường hợp phản vệ ngay trong những ngày đầu triển khai tiêm chủng vắc xin Pfizer-BioNTech tại Anh và Mỹ. Các dữ liệu gần đây cho thấy tỷ lệ phản vệ với vắc xin này xấp xỉ 1/200.000 liều.

 

Trong bài viết này, Tổ chức Dị ứng Thế giới bàn luận về các nguyên nhân có thể dẫn tới phản vệ và các bước cần thực hiện nhằm giảm thiểu nguy cơ phản vệ sau khi tiêm vắc xin COVID-19.

 

Đến nay có rất nhiều vắc xin COVID-19 được cấp phép sử dụng trong bối cảnh đại dịch ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Các loại vắc xin, tình trạng cấp phép, bản chất của vắc xin, các tá dược đi kèm và dữ liệu về phản ứng quá mẫn của các loại vắc xin này được ghi nhận trong các thử nghiệm lâm sàng được tổng hợp trong Bảng 1.

 

Bảng 1: Các loại vắc xin chống lại SARS-CoV-2 đã được cấp phép tính đến 18/01/2021

Tên vắc xin và

nhà sản xuất

Tình trạng

cấp phép

(đến 01/2021)

Loại vắc xin

Tá dược

Dữ liệu phản ứng quá mẫn 

CoronaVac (Sinovac, Trung Quốc)

EUA ở Trung Quốc (cho lao động thiết yếu và nhóm nguy cơ cao), Thổ Nhĩ Kỳ

Đang chờ cấp phép: Indonesia

Vắc xin bất hoạt (formalin với chất bổ trợ chứa nhôm)

Nhôm hydroxid, dinatri hydrophosphat, natri dihydrophosphat, natri clorid

Không có biến cố phản vệ trong thử nghiệm giai đoạn 3 (33.620 người tham gia)

Convidicea Ad5-nCoV (CanSino Biologics, Beijing Inst. Biotech., NPO Petrovax)

EUA ở Trung Quốc (chỉ dành cho quân đội)

Đang chờ cấp phép: Mexico

Vector adenovirus type 5 chống protein RBD gai tái tổ hợp

N/A

Không có biến cố phản vệ trong thử nghiệm giai đoạn 3 (40.000 người tham gia)

BBIBP-CorV (Sinopharm, Beijing Institute & Wuhan Inst. of Biological Products)

Cấp phép hoàn toàn ở Trung Quốc, EUA ở Bahrain, Ai Cập, UAE.

SARS-CoV-2 bất hoạt (tế bào Vero) + chất bổ trợnhôm hydroxid

Nhôm hydroxid, dinatri hydrophosphat, natri dihydrophosphat, natri clorid, natri hydroxid, natri bicarbonat, M199

Không có biến cố phản vệ trong thử nghiệm giai đoạn 3 (48.000 người tham gia)

Pfizer-BioNTech BNT162b2

EUA ở Argentina, Bahrain, Canada, Chile, Costa Rica, Ecuador, EU, Israel, Jordan, Kuwait, Mexico, Oman, Panama, Ả Rập Xê Út, Singapore, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Mỹ, WHO

Đang chờ cấp phép: Úc, Ấn Độ, Nhật Bản

Vắc xin mARN

(mã hóa glycoprotein gai (S) của virus)

[(4-hydroxybutylazanediyl)bis(hexane-6,1-diyl)bis(2-hexyldecanoate)] (ALC-0315), 2-[(polyethylene glycol)-2000]-N,N-ditetradecylacetamide (ALC-0159), 1,2-distearoyl-sn-glycero-3-phosphocholine cholesterol, kali clorid, kali dihydrophosphat, natri clorid, dinatri hydrophosphat dihydrat, saccarose, nước cất pha tiêm

Không có biến cố phản vệ liên quan đến vắc xin trong các thử nghiệm (22.000 người tham gia được ngẫu nhiên hóa). Ước tính tần suất gặp phản vệ là 1:100.000.

Moderna mRNA-1273

EUA ở Canada, EU, Israel, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Mỹ

Vắc xin mARN

(mã hóa glycoprotein gai (S) trước hòa màng đã ổn định)

Lipid (SM-102, 1,2-dimyristoyl-rac-glycero-3-methoxypolyethylene glycol-2000 [PEG2000-DMG], cholesterol,  1,2-distearoyl-sn-glycero-3-phosphocholine [DSPC]), tromethamin, tromethamin hydroclorid, acid acetic, natri acetat, saccarose

Không có biến cố phản vệ cấp trong các thử nghiệm lâm sàng(15.000 người tham gia được ngẫu nhiên hóa)

ChAdOx1 (Oxford/AstraZeneca)

EUA ở Argentina, Cộng hòa Dominica, El Salvador, EU, Ấn Độ, Mexico, Morocco, Vương quốc Anh

Đang chờ: Úc, Canada

Vắc xin vector virus không có khả năng sao chép(adenovirus của tinh tinh)

L-Histidin, L-Histidin hydroclorid monohydrat, Magnesi clorid hexahydrat, polysorbat 80, ethanol, saccarose, natri clorid, dinatri edetat dihydrat, nước cất tiêm

Không có biến cố phản vệ trong các thử nghiệm lâm sàng (12.000 người tham gia được ngẫu nhiên hóa)

Covaxin (BBV152) (Bharat Biotech, Ấn Độ)

EUA ở Ấn Độ

Vẵc xin bất hoạt

N/A

Không có phản vệ trong thử nghiệm giai đoạn 1

(n = 300)

Sputnik V (Gamaleya Research Inst.)

Nga, Palestine

Vector hai phần không có khả năng sao chép (adenovirus) chống glycoprotein gai (S))

Tris(hydroxymethyl)aminomethane, natri clorid, saccarose, magnesi clorid hexahydrat, natri EDTA, polysorbat 80, ethanol, nước cất tiêm

Không có phản vệ trong thử nghiệm giai đoạn 1/2

(n = 76)

EpiVacCorona (Federal Budgetary Research Institution State Research Ctr, Nga)

Được cấp phép ở Nga dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng pha 1/2

Vắc xin peptid với chất bổ trợ chứa nhôm

Nhôm hydroxid, kali dihydrophosphat, kali clorid, natri hydrophosphat dodecahydrate, natri clorid, nước cất tiêm

Chưa rõ

 

*EUA: Cấp phép sử dụng khẩn cấp

 

Nguyên nhân có thể dẫn tới dị ứng với vắc xin COVID-19

Phản ứng dị ứng với vắc xin chủ yếu là do chất bổ trợ, tá dược hoặc các thành phần khác như chất bảo quản và kháng sinh. Vắc xin có thể chứa một lượng nhỏ protein xuất hiện trong quá trình sản xuất.

 

Polyethylen glycol (PEG)

Vắc xin Pfizer-BioNTech chứa hai loại hạt lipid nano mới, trong đó, một loại được “PEG-hóa” (Polyethylene glycol, phân tử khối 2000 Da, viết tắt là PEG2000). Vắc xin mARN của Moderna cũng chứa một loại lipid được PEG-hóa (cũng là một loại PEG-2000). Polyethylen glycol là một nhóm hợp chất polyether được sử dụng phổ biến trong sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm (như kem dưỡng da, dầu gội, thuốc nhuộm tóc, sản phẩm chăm sóc nha khoa). PEG cũng được sử dụng làm phụ gia thực phẩm và sử dụng trong một số quy trình sản xuất công nghiệp. Đối với vắc xin COVID-19, tiểu phân nano PEG bọc xung quanh phân tử mRNA ngăn cản enzym thủy phân mRNA, làm tăng độ tan trong nước và từ đó tăng sinh khả dụng của vắc xin.

Trước đây, PEG được cho là trơ về mặt sinh học, nhờ vậy PEG được ứng dụng rất phổ biến. Nó là một phần hoạt chất trong các thuốc nhuận tràng và chế phẩm dùng cho các bệnh đường ruột, được sử dụng làm chất kết dính viên thuốc, là chất phủ lên bề mặt của viên nén, là chất ổn định trong thuốc tiêm dạng lỏng, chất bôi trơn, gel siêu âm, thuốc mỡ, thuốc viên đạn, thuốc tiêm giải phóng chậm, xi măng sinh học, và chất bảo quản nội tạng. Tuy nhiên, trong y văn hiện ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp phản ứng quá mẫn nhanh (loại I) đối với PEG.

Dữ liệu đến nay cho thấy dị ứng PEG là hiếm gặp, điều này dường như không hợp lý với số trường hợp phản vệ liên quan đến vắc xin Pfizer-BioNTech. Vì vậy, có khả năng có các nguyên nhân khác ngoài PEG dẫn đến phản vệ.

 

Polysorbat 80 và PEG

Một số loại vắc xin COVID-19 không dựa trên công nghệ mARN có sử dụng polysorbat 80. Khác với PEG, polysorbat 80 là tá chất được sử dụng trong nhiều loại vắc xin (bạch hầu - ho gà - uốn ván và các vắc xin tương tự, viêm gan B, HPV, phế cầu khuẩn, influenza, zona) và nhiều loại thuốc khác. Trong y văn có hai trường hợp dị ứng PEG có dị ứng chéo polysorbat 80. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhóm tác giả, hầu hết các bệnh nhân dị ứng PEG có thể dung nạp polysorbat 80. Vắc xin ChAdOx1 của AstraZeneca chứa hàm lượng polysorbat 80 dưới 100mg trong mỗi liều. Lượng chất này tương tự với lượng polysorbat 80 trong hầu hết các vắc xin phòng cúm, và bằng một nửa so với vắc xin phòng cúm cho người trên 65 tuổi. Các loại vắc xin này không có mối liên quan đến việc tăng tần suất gặp phản ứng quá mẫn (như đối với vắc xin Pfizer-BioNTech). Đây là căn cứ để Cơ quan y tế công cộng Anh cho phép tiêm vắc xin AstraZeneca ChAdOx1 cho người dị ứng PEG.

 

Bảng 2: Phân tầng bệnh nhân chống chỉ định và thận trọng khi cân nhắc tiêm vắc xin COVID-19

 

Tiến hành tiêm

Thận trọng

Chống chỉ định

Đặc điểm bệnh nhân

  • Tiền sử dị ứng thức ăn, nọc độc, hoặc nhóm thuốc đã được xác định

  • Dị ứng qua đường hô hấp

  • Tiền sử gia đình có người dị ứng

  • Phản ứng tại chỗ tiêm khi tiêm vắc xin mũi 1

  • Quá mẫn với NSAID như aspirin, ibuprofen

  • Dùng liệu pháp miễn dịch dị nguyên

  • Hen suyễn đã điều trị ổn định

  • Tiền sử phản ứng quá mẫn nhanh (chủ yếu là phản vệ) với nhiều nhóm thuốc khác nhau chưa rõ loại (có thể là dị ứng PEG)

  • Tiền sử phản vệ sau tiêm vắc xin hoặc kháng thể đơn dòng

  • Tiền sử phản vệ vô căn

  • Mắc bệnh tế bào mast

  • Tiền sử dị ứng với vắc xin định tiêm

  • Đối với loại vắc xin mRNA, tiền sử dị ứng với vắc xin mRNA khác

  • Tiền sử dị ứng với thành phần của vắc xin, bao gồm PEG

Thực hiện

  • Tiến hành tiêm theo hướng dẫn

  • Cân nhắc theo dõi 15-30 phút sau tiêm.

  • Đánh giá nguy cơ dị ứng PEG

  • Cân nhắc ý kiến bác sĩ dị ứng - miễn dịch

  • Cân nhắc theo dõi 30 phút sau tiêm.

  • Chưa có dữ liệu để khuyến cáo về tiền xử lý (với thuốc kháng histamin)

  • Sử dụng thuốc kháng histamin trước hoặc sau tiêm có thể che đi triệu chứng ban đầu của phản ứng.

  • Không tiêm loại vắc xin được đề cập trên

  • Nên chọn loại vắc xin COVID-19 khác, không chống chỉ định nếu có thể

  • Cân nhắc ý kiến bác sĩ dị ứng - miễn dịch

 

 

Lựa chọn loại vắc xin tiêm mũi thứ 2 trong trường hợp dị ứng với vắc xin mũi thứ nhất

 

Trong trường hợp người được tiêm xuất hiện phản ứng dị ứng toàn thân với loại vắc xin mũi thứ nhất, không nên tiêm vắc xin mũi 2 cùng loại hoặc vắc xin có tá dược tương tự loại vắc xin thứ nhất. Ví dụ, bệnh nhân có phản ứng có hại toàn thân sau tiêm vắc xin Pfizer BioNTech không nên tiêm liều thứ 2 vắc xin này, đồng thời không nên tiêm vắc xin Mordena vì đây cũng là vắc xin mRNA có chứa PEG. Mặc dù hiện tại không có dữ liệu về hiệu quả bảo vệ khi tiêm vắc xin khác loại, nhưng Cơ quan quản lý y tế Anh khuyến cáo có thể sử dụng vắc xin AstraZeneca thay thế (nếu không có chống chỉ định). Hiệp hội Dị ứng và Miễn dịch Anh Quốc khuyến cáo người được tiêm chỉ xuất hiện phản ứng da như nổi mề đay khu trú (không có triệu chứng toàn thân) sau tiêm liều đầu vắc xin thì có thể tiêm liều thứ 2 bằng vắc xin cùng loại tại cơ sở y tế có đủ phương tiện hồi sức cấp cứu và theo dõi sau tiêm 30 phút.

 

Vì tỷ lệ phản vệ sau tiêm vắc xin rất nhỏ nên Tổ chức dị ứng thế giới đề xuất một chiến lược toàn cầu. Tổ chức này đã phối hợp với Đại học Hoàng gia London và Mạng lưới báo cáo trực tuyến về phản vệ (NORA) thiết lập một hệ thống để nhân viên y tế báo cáo phản ứng phản vệ hoặc dị ứng nghi ngờ liên quan đến vắc xin COVID-19.

 

NguồnTurner et al. World Allergy Organization Journal (2021) 14:100517 http://doi.org/10.1016/j.waojou.2021.100517

Tổng hợp: CTV. Tăng Quốc An, CTV. Nguyễn Hà Nhi, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Các tin liên quan