Tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên đối tượng đặc biệt: Người suy giảm miễn dịch và nhiễm HIV

 

Người bị suy giảm miễn dịch và nhiễm HIV (bất kể số lượng CD4) đều nên tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng khuyến cáo và chỉ định. Vector adenovirus trong vắc xin AstraZeneca không có khả năng nhân lên và được coi là an toàn đối với những người suy giảm miễn dịch. Các vắc xin chứa vector adenovirus khác đã được thử trên quần thể có tỷ lệ mắc HIV cao và không cho thấy phản ứng có hại nghiêm trọng (Kennedy và cộng sự, 2017). Mặc dù những người nhiễm HIV đã được điều trị ổn định không bị loại trừ khỏi thử nghiệm pha 3 của vắc xin Pfizer và Moderna mRNA, dữ liệu về an toàn và hiệu quả trên nhóm đối tượng này vẫn chưa được công bố. Một nghiên cứu về vắc-xin AstraZeneca ở người nhiễm HIV đang được tiến hành.

 

Người bị suy giảm miễn dịch có thể không đáp ứng miễn dịch đầy đủ với vắc xin. Do bằng chứng về việc đáp ứng miễn dịch trên những người suy giảm miễn dịch còn hạn chế, có rất ít bằng chứng để làm cơ sở đưa ra lời khuyên về thời gian đưa liều. Một nghiên cứu gần đây gợi ý hệ miễn dịch phản ứng tốt hơn ở những bệnh nhân ung thư được tiến hành hóa trị ít nhất 2 tuần trước tiêm phòng (Monin-Aldama và cộng sự, 2021). Chuyên gia y tế có thể tư vấn cho bệnh nhân dựa trên kiến thức cá nhân và hiểu biết về tình trạng miễn dịch, cũng như khả năng đáp ứng với vắc xin, đồng thời cân nhắc nguy cơ từ COVID-19 và khả năng bị phơi nhiễm của bệnh nhân. Một số bệnh nhân chuẩn bị điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch có thể cân nhắc tiêm vắc xin trước khi bắt đầu điều trị (tốt nhất là trước 2 tuần), khi cơ thể có thể có đáp ứng miễn dịch tốt hơn. Nếu có thể, nên tiêm liều thứ 2 trước khi điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch. Việc tiêm liều thứ 2 phải được thực hiện sau một khoảng thời gian tối thiểu tùy loại vắc xin (3 đến 4 tuần sau liều đầu tiên) để đạt hiệu quả tối đa so với tiêm liều 2 trong thời gian điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch. Cân nhắc nguy cơ từ COVID-19 và tình trạng nền của bệnh nhân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

 

Bằng chứng mới cho thấy nhiều bệnh nhân suy giảm miễn dịch được bảo vệ sau 2 liều vắc xin (Whitaker H và cộng sự, 2021). Người trên 12 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân suy giảm miễn dịch nên tiêm vắc xin để giảm nguy cơ lây nhiễm cho người bệnh.

 

Mặc dù các bằng chứng tổng thể cho thấy người bị suy giảm miễn dịch được bảo vệ sau tiêm vắc xin, tuy nhiên, một số người có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng có thểkhông có đáp ứng đủ với vắc xin và vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Các đối tượng này bao gồm (nhưng không giới hạn) bệnh nhân ức chế miễn dịch để ghép nội tạng đặc (Prendecki M và cộng sự, 2021), bệnh nhân ung thư máu trong vòng 6 tháng từ khi kết thúc điều trị (Lim SH và cộng sự, 2021) và bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp kháng thể đơn dòng (Mahil SK và cộng sự, 2021). Chuyên gia y tế có thể cân nhắc xét nghiệm xác định kháng thể sau khi tiêm vắc xin ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Dựa trên tình trạng miễn dịch và các kết quả xét nghiệm, bệnh nhân cần được tư vấn thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm. Mặc dù mối liên hệ tương quan giữa hệ miễn dịch và khả năng bảo vệ hiện chưa được biết rõ, nồng độ kháng thể sau liều vắc xin thứ hai 28-42 ngày có thể đảm bảo hiệu quả bảo vệ nếu xét nghiệm kháng thể dương tính và/hoặc bằng nồng độ kháng thể so với đối tượng lớn tuổi có miễn dịch đầy đủ. Nồng độ kháng thể thấp có thể cho thấy khả năng bảo vệ thấp trước bệnh nhẹ, tuy nhiên vẫn có khả năng bảo vệ trước bệnh nặng nhờ trí nhớ miễn dịch của tế bào T và B.

 

Những bệnh nhân ghép tủy xương sau khi tiêm vắc xin nên cân nhắc tiêm chủng bổ sung các loại vắc xin thường quy và cả vắc xin COVID-19.

 

Nguồn: https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads

/attachment_data/file/1007737/Greenbook_chapter_14a_30July2021.pdf

Điểm tin: CTV. Lê Thị Nguyệt Minh, CTV. Đinh Thị Thủy, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Các tin liên quan