Việc sử dụng Aspirin để phòng ngừa đái tháo đường vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi

Aspirin, một thuốcsử dụng phổ biến nhất với tác dụng giảm đau, hạ sốtvà ức chế kết tập tiểu cầu. Dữ liệu từ nghiên cứu Physicians’ Health Study cho thấy sử dụng đều đặn aspirin liều thấp có thể làm giảm 14% nguy cơ bị đái tháo đường typ 2 trên người khỏe mạnh.

 

Đa số các trường hợp tử vong sớm ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 là do bệnh lýtim mạch. Một số yếu tố ảnh hưởng đến bệnh sinh của các bệnh tim mạch trong đái tháo đường typ 2 là: viêm nhẹ mạn tính, rối loạn chức năng nội mạc,tăngstress oxy hóa và trạng thái tiền huyết khối. Nhìn chung, mỗi yếu tố này đều góp phần làm tiến triển tình trạng tiền xơ vữa động mạch. Do đó, Hiệp hội Đái tháo đường và Hiệp hội Tim Hoa Kỳ đều khuyến cáo sử dụng aspirin như một phần của chiến lược điều trị nhằm phòng ngừa các biến cố tim mạch ở bệnh nhân bị đái tháo đường typ 2. Tuy nhiên, dữ liệu về tác dụng và liều lượng của aspirin trong phòng ngừa đái tháo đường typ 2 cũng như ảnh hưởng của aspirin lên tính nhạy cảm với insulin ở những bệnh nhân bị đái tháo đường typ 2 vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Vì vậy, báo cáo mới đây nhất từ nghiên cứu Physicians’Health Study là một đóng góp hữu ích cho nguồn tài liệu và tri thức hiện nay về tác dụng của aspirin lên tính nhạy cảm với insulin và khả năng mắc bệnh đái tháo đường tiên phát. Hayashino và cộng sự nhận thấy việc sử dụng aspirin liều thấp kéo dài (325 mg mỗi ngày) làm giảm nguy cơ bị đái tháo đường trên một mẫu có số lượng lớn người khỏe mạnhtham gia. (Am.Med 2009;122:374-379).

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nghiên cứu Physicians’ Health Study như một nghiên cứu thuần tập tương lai trong đó đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng aspirin trên bệnh nhân có nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2. Nghiên cứu này là một thử nghiệm mù đôi, đối chứng với giả dược được dùng ngẫu nhiên trên quy mô lớn nhằm kiểm tra tác dụng của aspirin liều thấp và beta caroten đối với nguy cơ bị bệnh tim mạch và ung thư ở 22.071 người khỏe mạnh. Một điều đáng lưu ý là nghiên cứu sử dụng aspirin ngẫu nhiên được dừng lại sớm (sau 5 năm) khi ghi nhận kết quả là thuốc này làm giảm mạnh tỷ lệ nhồi máu cơ tim, sau đó các thầy thuốc lâm sàng đã kê aspirin thay cho giả dược trong 17 năm tiếp theo và trong suốt thời gian đó đối tượng tham gia được tự chọn liều aspirin cho mình.

Trong pha nghiên cứu sử dụng aspirin kéo dài trong 5 năm đã phát hiện được 318 người bị đái tháo đường typ 2 và trong suốt 22 năm nghiên cứu đã ghi nhận tổng số 1.719 ca mắc bệnh này. Hayashino và cộng sự nhận thấy việc sử dụng aspirin liều thấp làm giảm 14 % nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2. Kết quả này không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây nhiễu tiềm tàng như tuổi tác, chỉ số BMI, việc hút thuốc lá và tiền sử tăng huyết áp. Ngược lại, sử dụng các thuốc khác thuộc nhóm NSAID không làm giảm nguy cơ bị bệnh đái tháo đường typ 2.

Nghiên cứu Physicians’ Health Study có ý nghĩa rất lớnvà đã làm thay đổi cách nhìn nhận của ngành y tế đối với chỉ tiêu nghiên cứu chính. Nhắc đến báo cáo của Hayashino và cộng sự, độc giả nên chú ý rằng kết quả chính của nghiên cứu Physicians’ Health Study là giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch chứ không phải giảm tỷ lệ đái tháo đường typ 2 tiên phát. Để tránh sai lầm về phân tích nhân quả, cần thận trọng khi sử dụng kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của aspirin lên tính nhạy cảm với insulin trong nghiên cứu này. Mặc dù những kết quả phân tích này rất quan trọng và có ý nghĩa lâm sàng nhưng Hayashino và cộng sự vẫn thừa nhận những hạn chế của nó và khẳng định cần phải nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận chắc chắn.

Do các nghiên cứu dịch tễ học đưa đến các kết quả đối lập nhau liên quan đến tác dụng của aspirin lên tính nhạy cảm với insulin nên mục tiêu nghiên cứu sắp tới có thể là về tác dụng sinh lý của aspirin. Aspirin có vai trò quan trọng  như một chất ức chế hoạt hóa tiểu cầu trong cả huyết khối vàtrong phản ứngviêm; thuốc có tác dụng tốt trong trường hợp nghẽn mạch cấp do huyết khối như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Điều quan trọng là, sự tăng đường huyết mạn tính sẽ dẫn đến tăng hoạt hóa và kết tập tiểu cầu, cũng như tăng biểu hiện và hoạt hóa các receptor trên bề mặt tế bào, tăng nhạy cảm với sự hoạt hóa collagen và tế bào nội mạc. Nhìn nhận trên quan điểm lâm sàng, những bệnh nhân bị đái tháo đường typ 2 có sự tăng cường chức năng tiểu cầu so với những người không bị bệnh này.

Vai trò của aspirin và sự ức chế kết tập tiểu cầu trong quá trình viêm qua trung gian là yếu tố nhân kappa B (NF-kB) hiện đang là lĩnh vực được quan tâm. NF-kB là yếu tố sao mã khởi động quá trình viêm và cũng liên quan đến sự kháng insulin. Hoạt tính của NF-kB được hoạt hóa bởi nhiều tác nhân, bao gồm stress vật lý, stress oxy hóa, các chất có nguồn gốc từ vi khuẩn và các cytokin khởi động quá trình viêm. Những tác nhân này hoạt hóa phức hệ IkB kinase (IKK), là enzym giúp hoán vị NF-kB vào nhân tế bào để diễn ra hoạt động sao mã khởi động quá trình viêm. Vai trò của con đường NF-kB trong cơ chế bệnh sinh của sự kháng insulin, chứng xơ vữa động mạch và béo phì (đều đặc trưng bởi viêm nhẹ mạn tính) vốn đã được biết đến. Các thuốc thuộc nhóm dẫn chất của salicylat gây bất hoạt IKK-β nên giúp cải thiện tính nhạy cảm với insulin và sử dụng aspirin liều cao (khoảng 7 g mỗi ngày) làm giảm rõ rệt đường huyết lúc đói ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2.

Bên cạnh con đường NF-kB, aspirin còn có thể ức chế các enzym kinase khác liên quan đến sự kháng insulin, như mTOR (đích tác dụng của rapamycin trên động vật có vú) và Jun N-terminal kinase, các enzym này đều liên quan đến quá trình phosphoryl hóa serin có mặt trong cơ chất của receptor insulin. Ở nam giới trưởng thành khỏe mạnh, việc điều trị bằng aspirin liều cao (4 g mỗi ngày) trước khi truyền tĩnh mạch lipid đã làm giảm kháng insulin do lipid mà không gây ra những thay đổi có ý nghĩa thống kê về nồng độ của các yếu tố gây viêm lưu hành trong máu. Trong các nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2, sử dụng aspirin liều cao trong 2 tuần làm giảm rõ rệt quá trình tổng hợp glucose ở gan, nồng độ đường huyết lúc đói, các acid béo và triglycerid, cũng như tăng sử dụng glucose ngoại vi được kích thích bởi insulin. Tuy nhiên,để thu được tác dụng có lợi này, aspirin phải được dùng với liều cao và do vậy cách dùng này không được áp dụng rộng rãi. Dưới góc độ này, nghiên cứu của Hayashino và cộng sự đã gợi ra một ý tưởng đáng lưu tâm về việc sử dụng aspirin liều thấp để phòng ngừa bệnh đái tháo đường typ 2. Tuy nhiên điều này chắc chắn được nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

Trường Đại học Dược Hà Nội: Nguyễn Thu Giang - Dương Văn Tú dịch

Nguồn: Nature Reviews Endocrinology, vol 5, issue 7,  tr.365-6, 07/2009

Các tin liên quan