Tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên đối tượng đặc biệt: Người có tiền sử dị ứng

Cập nhật từ MHRA ngày 30/7/2021

 

      Có rất ít trường hợp xuất hiện phản vệ sau tiêm vắc xin Pfizer BioNTech. Sau khi giám sát chặt chẽ trên toàn quốc, MHRA không còn khuyến cáo những người có tiền sử phản vệ với các loại vắc xin khác, thuốc hoặc thực phẩm không nên tiêm vắc xin COVID-19.

 

     Những người có tiền sử dị ứng với các thành phần của vắc xin COVID-19, không nên tiêm phòng vắc xin này, tuy nhiên, những người dị ứng với các chất khác (như dị ứng thức ăn hoặc penicillin) đều có thể cân nhắc tiêm vắc xin.

 

     Vắc xin mRNA Pfizer BioNTech và Moderna có chứa polyethylene glycol (PEG). PEG (hay macrogol) được biết đến là chất có khả năng gây dị ứng thường có mặt trong các loại thuốc, sản phẩn gia dụng và mỹ phẩm. Thuốc có chứa PEG bao gồm một số loại viên nén, thuốc nhuận tràng, thuốc tiêm vào mô chứa steroid và một số sản phẩm nội soi đại tràng. Dị ứng với PEG rất hiếm gặp nhưng chống chỉ định tiêm các loại vắc xin chứa PEG với người dị ứng chất này. Chưa rõ liệu PEG có phải là nguyên nhân duy nhất gây phản ứng dị ứng ở người có biểu hiện dị ứng toàn thân sau tiêm liều đầu vắc xin Pfizer-BioNTech hay không.

 

     Đến nay, tỷ lệ phản vệ được báo cáo sau tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca tương đương với tỷ lệ dự kiến của các vắc xin phòng ngừa các bệnh khác. Vắc xin này không chứa PEG nhưng có một hợp chất có liên quan khác là polysorbate 80. Một số người dị ứng với PEG cũng có thể dị ứng với polysorbate 80. Tuy nhiên, polysorbate được sử dụng rộng rãi trong dược phẩm và thực phẩm, chất này có mặt trong nhiều loại thuốc bao gồm các kháng thể đơn dòng. Một số loại vắc xin phòng cúm (bao gồm các loại chính được sử dụng cho người trên 65 tuổi) có chứa polysorbate 80. Những người đã dung nạp thuốc tiêm có chứa polysorbate 80 có khả năng dung nạp vắc xin COVID-19 AstraZeneca. Phân tầng bệnh nhân có tiền sử dị ứng để xác định khả năng tiêm vắc xin COVID-19

 

Bảng 1. Phân tầng bệnh nhân có tiền sử dị ứng để xác định

khả năng tiêm vắc xin COVID-19

 

Trường hợp tiêm vắc xin như thông thường

Trường hợp đặc biệt thận trọng

Trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin

Đặc điểm người tiêm

- Tiền sử phản ứng dị ứng (bao gồm phản vệ) với thức ăn, côn trùng cắn và các thuốc (đã xác định loại thuốc cụ thể gây dị ứng)

- Tiền sử gia đình có người dị ứng

- Tiền sử dị ứng tại chỗ với một loại vắc xin bất kỳ

- Mẫn cảm với thuốc chống viêm non-steroid như aspirin, ibuprofen

- Bệnh tế bào mast

- Tiền sử phản vệ tức thì với nhiều nhóm thuốc khác nhau, không xác định được tác nhân gây dị ứng (điều này có thể cho thấy dị ứng với PEG)

- Tiền sử phản vệ với vắc xin, chế phẩm kháng thể dùng đường tiêm hoặc thuốc có khả năng chứa PEG (như thuốc tiêm vào mô chứa steroid, thuốc nhuận tràng)

- Tiền sử phản vệ vô căn

- Phản vệ toàn thân với vắc xin COVID-19

- Chống chỉ định với vắc xin COVID-19 mRNA nếu trước đó dị ứng với một loại vắc xin mRNA khác

- Phản ứng dị ứng với thành phần của vắc xin, bao gồm PEG

Thực hiện

Tiêm chủng như thông thường theo Hướng dẫn tiêm chủng tại địa phương

- Trao đổi với chuyên gia dị ứng và xem xét khả năng dị ứng PEG

- Theo dõi bệnh nhân 30 phút sau tiêm nếu tiến hành tiêm chủng

- Một số bệnh nhân có thể được hưởng lợi nếu điều trị trước bằng thuốc kháng histamin, tuy nhiên điều này có thể che dấu các dấu hiệu ban đầu của phản ứng dị ứng

- Không tiêm vắc xin cho các đối tượng trên

- Trao đổi với chuyên gia dị ứng

 

     Tất cả những người được tiêm vắc xin Pfizer BioNTech và Moderna cần được giữ lại theo dõi sau tiêm ít nhất 15 phút. Các phương tiện xử trí phản vệ cần phải có sẵn ở tất cả các điểm tiêm chủng. Bệnh nhân bị dị ứng PEG chưa được xác định thường có tiền sử phản vệ khởi phát tức thì không rõ nguyên nhân hoặc phản vệ với với nhiều loại thuốc hoặc phản vệ không rõ nguyên nhân. Những đối tượng này không nên tiêm vắc xin Pfizer BioNTech hoặc Moderna, trừ khi có tư vấn chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Vắc xin AstraZeneca có thể được sử dụng như lựa chọn thay thế (trừ khi có chống chỉ định khác), đặc biệt nếu trước đó người được tiêm dung nạp với vắc xin phòng cúm. Vắc xin nên được tiêm tại cơ sở có đầy đủ trang thiết bị hồi sức (như bệnh viện) và thời gian theo dõi sau tiêm được khuyến cáo 30 phút. Hiệp hội Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng Anh (BSACI) khuyến cáo những người xuất hiện phản ứng sau tiêm liều đầu vắc xin COVID-19 có thể tiêm liều thứ 2 theo sơ đồ dưới đây:

 

Hình 1. Sơ đồ quản lý bệnh nhân có tiền sử dị ứng liều đầu vắc xin COVID-19

 

     Những người không xuất hiện phản ứng dị ứng sau tiêm liều đầu vắc xin COVID-19 có thể tiêm liều thứ 2 ở tất cả các điểm tiêm chủng.

 

Nguồn: https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads

/attachment_data/file/1007737/Greenbook_chapter_14a_30July2021.pdf

Điểm tin: DS. Nguyễn Thị Tuyến

Các tin liên quan