Điểm tin đáng lưu ý từ bản tin Medicine Safety Update tháng 7/2021 (phần 1)
Các nhân viên y tế được khuyến cáo các chế phẩm sắt dùng đường tiêm đang được cập nhật thông tin về nhịp tim chậm trên thai nhi và hội chứng Kounis trong tờ Thông tin Sản phẩm (PI).
Có 4 chế phẩm sắt dùng đường tiêm được lưu hành tại Úc: sắt carboxymaltose (tên biệt dược Ferinject), sắt polymaltose (chế phẩm tiêm Ferrosig), sắt derisomaltose (Monofer) và sắt sucrose (Venofer).
Sắt carboxymaltose và sắt derisomaltose được chỉ định cho trường hợp thiếu sắt, không hiệu quả hoặc chống chỉ định khi dùng đường uống, hoặc cần bổ sung sắt nhanh chóng.
Sắt polymaltose được chỉ định điều trị thiếu máu do thiếu sắt trong trường hợp chống chỉ định sử dụng đường uống, hấp thu sắt tại ruột kém hoặc khi bệnh nhân không tuân thủ hoặc không dung nạp đường tiêu hóa kéo dài.
Sắt sucrose được chỉ định điều trị thiếu máu do thiếu sắt ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo mãn tính và bệnh nhân đang điều trị bằng liệu pháp erythropoietin.
Cơ quan quản lý Dược phẩm Úc (TGA) đã yêu cầu cập nhật thông tin về nhịp tim chậm trên thai nhi và hội chứng Kounis trong tờ Thông tin Sản phẩm, mục “Cảnh báo và thận trọng”, “Phụ nữ có thai và cho con bú”, “Tác dụng không mong muốn”.
Quá mẫn là phản ứng đã được ghi trong Tờ Thông tin Sản phẩm của tất cả các chế phẩm sắt dùng đường tiêm. Nhịp tim chậm trên thai nhi và hội chứng Kounis có thể là kết quả của phản ứng quá mẫn.
Quá trình trao đổi oxy của người mẹ có thể bị tổn hại do phản ứng quá mẫn với chế phẩm sắt dùng đường tiêm, dẫn đến tình trạng thiếu oxy trên thai nhi và cơ chế bù trừ sau đó dẫn tới nhịp tim chậm trên thai.
Cơ chế sinh học của hội chứng Kounis có thể do các ion kim loại tự do (như sắt) dẫn đến hình thành các gốc hydroxyl, ức chế tổng hợp prostacyclin, ảnh hưởng đến trương lực cơ.
Cả hai tình trạng đều có nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng trên lâm sàng.
Cảnh báo an toàn thuốc này đã được cập nhật vào Tờ thông tin sản phẩm của tất cả các chế phẩm sắt trên thị trường Úc.
Điểm tin: CTV. Lê Thị Nguyệt Minh, CTV. Đinh Thị Thủy, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến