VIRUS CORONA: LỰA CHỌN LIỆU PHÁP ĐIỀU TRỊ NÀO?

Trong bối cảnh các số liệu về chủng virus corona mới đang biến đổi liên tục, bài báo này sẽ cập nhật các phương pháp điều trị hiện nay đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Các phương pháp này bao gồm vắc xin, thuốc kháng virus, liệu pháp huyết thanh cũng như các hợp chất khác. Một số liệu pháp trong số đó đã được sử dụng đối với các chỉ định khác, mang đến hy vọng về khả năng điều trị hiệu quả trước khi tìm ra các thuốc mới.


Vào ngày 30 tháng 01 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng việc bùng phát chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) từ Trung Quốc đã trở thành tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Trong khi số lượng các trường hợp nhiễm virus tiếp tục gia tăng bên ngoài Trung Quốc, tạp chí Nature đề cập đến sự vào cuộc của giới khoa học tìm ra các phương pháp điều trị một cách nhanh chóng.

 

Những nghiên cứu đầu tiên nào đã được thực hiện khi dịch bệnh vừa bùng phát ?

Đối mặt với sự xuất hiện của một dịch bệnh như COVID-19 (tên của bệnh lý liên quan đến virus 2019-nCoV) hoặc SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), các nhà dịch tễ học là những người đầu tiên can thiệp để hiểu rõ về cách thức lây lan của virus, tốc độ xuất hiện các ca bệnh mới, vị trí xâm nhiễm và thời gian xuất hiện các triệu chứng sau khi bị phơi nhiễm.

Tất cả các thông tin này giúp tạo ra các mô hình có khả năng dự đoán sự phát triển của dịch bệnh trong tương lai. Đây là một bước quan trọng để đưa ra các kế hoạch hành động phù hợp và giúp đánh giá hiệu quả của các biện pháp đầu tiên được áp dụng, như cách ly bệnh nhân, kiểm dịch, đeo khẩu trang, vệ sinh, …

Hơn nữa, bằng cách tìm hiểu sự lây lan của dịch bệnh mà các nhà dịch tễ học có thể suy ra phương thức lây truyền. Lý do vì sao những người nhiễm virus lại có khả năng lây bệnh cho người khác khi bản thân họ không có triệu chứng hiện đang tiếp tục được nghiên cứu.

Các nhà di truyền học cũng đang cố gắng tìm ra nguồn gốc của virus. Vì nghi ngờ virus lây truyền từ động vật, phân tích di truyền được thực hiện trên những nhóm động vật này sẽ xác định loài nào đã truyền virus cho người.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên virus, dựa vào các mẫu bệnh phẩm sinh học. Việc nuôi cấy tế bào và nghiên cứu trên động vật cho phép tìm hiểu chính xác phương thức hoạt động của virus. Do đó, có thể biết được khả năng sống sót của virus, ví dụ như trong các giọt dịch bắn ra khi hắt hơi hoặc ho. Các mô hình dựa trên động vật rất hữu ích để tìm hiểu về phương thức lây lan của virus giữa các cá thể.

Bộ gen virus thu được sau khi giải trình tự cũng cung cấp manh mối để phát triển các xét nghiệm chẩn đoán. Đặc điểm cấu trúc protein của virus và đặc tính các thụ thể mà virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào có thể là chìa khóa mở ra cánh cửa cho các phương pháp điều trị đặc hiệu.

 

Khi tất cả các nhà khoa học trên thế giới chung tay chống virus

Với tình hình kiểm soát dịch SARS-CoV-2 hiện tại, khả năng ứng phó của cộng đồng khoa học quốc tế và sự hợp tác của các bên liên quan thông qua việc chia sẻ nhanh chóng tất cả các dữ liệu thu được, dưới sự hỗ trợ và điều phối của WHO là rất đáng khen ngợi.

Ví dụ, sau thông báo chính thức của Trung Quốc vào ngày 09/01/2020 về việc phát hiện ra một loại virus corona mới gây viêm phổi, vào ngày 11 và 12 tháng 1, trình tự bộ gen của SARS-CoV-2 đã được công bố.

Tại Pháp, Viện Pasteur đã nhanh chóng huy động đội ngũ nghiên cứu viên. Vào cuối buổi sáng ngày 24/01/2020, các mẫu bệnh phẩm của 3 trường hợp đầu tiên tại Pháp bị nghi ngờ nhiễm COVID-19 đã được đưa đến viện. Virus corona mới được phát hiện sau đó. Virus được nuôi cấy ngay trên các tế bào Vero E6 đã được xác định trong dịch SARS và MERS và được bảo quản cẩn thận. Buổi tối cùng ngày, bắt đầu tiến hành việc giải trình tự bộ gen của virus.

Vào ngày 30 tháng 01, trình tự gen được xác định đầy đủ, việc phân tích dữ liệu đã được thực hiện trong các đêm 28 và 29 tháng 01.

 

Đâu là phương pháp điều trị tiềm năng?

Được xem như bước khởi đầu cho việc điều trị, sự phát triển của các xét nghiệm chẩn đoán là chủ đề nghiên cứu tích cực của cộng đồng khoa học quốc tế. Theo một nghiên cứu được công bố gần đây, vào cuối tháng 1, 38 phòng thí nghiệm ở châu Âu đã có được xét nghiệm chẩn đoán.

Tiêm vắc xin là một trong những vũ khí cổ điển và hiệu quả để ngăn ngừa và chống lại virus. Tuy nhiên, đây là một biện pháp đòi hỏi thời gian vài tháng từ khi thiết kế được công thức vắc xin cho đến thời điểm được đưa vào sản xuất. Đây là lý do tại sao nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới gấp rút phát triển vắc xin chống lại SARS-CoV-2. Các kỹ thuật khác nhau được áp dụng trong điều chế vắc xin do chưa chắn chắn về hiệu quả điều trị, khả năng sản xuất hàng loạt và tác dụng phụ của từng loại vắc xin.

Tại Trung Quốc, các thử nghiệm đầu tiên trên người sẽ bắt đầu vào tháng 4 tới. Đồng thời nhiều nhóm nghiên cứu khác trên thế giới cũng đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm vắc xin. Đây là những loại vắc xin mới, hoặc vắc xin có nguồn gốc từ các phương pháp đã được nghiên cứu kháng các loại virus khác (Ebola, SARS, MERS, ...) hoặc thậm chí là các loại vắc xin hiện có khác.

Một phương pháp điều trị khác, đã được thử nghiệm ở Trung Quốc, là liệu pháp huyết thanh, sử dụng huyết tương được lấy từ các bệnh nhân nhiễm bệnh. Có thể dễ dàng tìm thấy các kháng thể nhận diện virus trong huyết tương, tuy nhiên việc sản xuất ở quy mô lớn thường mất vài tháng.

Các nhóm nghiên cứu đã quan tâm đến việc sử dụng thuốc kháng virus, có tác dụng can thiệp vào sự nhân lên của virus. Tuy nhiên, sự phát triển của các thuốc này đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu. Do đó, ý tưởng sử dụng thuốc kháng virus đang được phát triển cho các bệnh nhiễm trùng khác. Ví dụ phối hợp lopinavir/ritonavir (KALETRA và thuốc generic) được sử dụng trong điều trị HIV. Một loại thuốc kháng virus khác là remdesivir (chưa được lưu hành), đã được nghiên cứu trong điều trị nhiễm virus Ebola và SARS, cũng đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, một nhóm nghiên cứu ở Đài Loan tuyên bố rằng họ đã điều trị cho một bệnh nhân bằng sự kết hợp giữa lopinavir/ritonavir và thuốc điều trị cúm oseltamivir (TAMIFLU và thuốc generic), tuy nhiên đây mới là thử nghiệm duy nhất cho liệu pháp này.

Danh sách các chế phẩm điều trị khác được cho là có hoạt tính chống SARS-CoV-2 đang tiếp tục gia tăng, nhưng dự đoán về hiệu quả điều trị của các chế phẩm này hiện không chắc chắn. Tuy nhiên, một số hoạt chất như interferon hoặc corticosteroid đã được thử nghiệm trong các bệnh liên quan đến virus corona khác. Có nhiều thông tin tranh cãi về tác dụng của cloroquin, bên cạnh là một thuốc điều trị sốt rét, còn có hoạt tính chống viêm và kháng virus. Bên cạnh đó, có các phương pháp điều trị bằng cách sử dụng tế bào gốc, kháng thể đơn dòng, thuốc đông dược, … nhưng một số phương pháp trong đó không được kiểm định nghiêm ngặt thường xuyên, do đó WHO không khuyến cáo.

Trung Quốc đã tuyên bố khởi động hơn 80 thử nghiệm lâm sàng và các quốc gia khác cũng đã vào cuộc trong việc tìm ra liệu pháp điều trị COVID-19.

 

Nguồn: https://eurekasante.vidal.fr/actualites/24399-coronavirus-quelles-pistes-therapeutiques.html?cid=eml_000845

Người dịch: Hà Mỹ Ngọc, Dương Khánh Linh

Các tin liên quan