Nữ giới có thực sự an toàn hơn trước COVID-19 trong đại dịch?

Trên thực tế, sự khác biệt về tỷ lệ tử vong do COVID-19 giữa nam và nữ ở Pháp không đáng kể, 55% ghi nhận ở nam giới và 45% đối với nữ giới. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong tăng cao do COVID-19, theo tính toán của INSEE, hầu như không thấp hơn đối với nữ: +24% so với +27% ở nam giới.

 

Tóm tắt:

Dữ liệu nhân khẩu học của bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực trên toàn thế giới cho thấy nam giới có nguy cơ mắc COVID-19 mức độ nặng cao gấp 2 lần nữ giới.

Vậy nguy cơ mắc bệnh thấp hơn ở nữ giới được giải thích như thế nào? Theo một nghiên cứu dịch tễ học ở New York, tỷ lệ có bệnh mắc kèm thấp hơn ở nữ giới có thể đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, đây là nghiên cứu duy nhất tiếp cận khía cạnh này.

Hệ miễn dịch ở nam giới và nữ giới có sự khác nhau, đặc biệt về cường độ đáp ứng miễn dịch bẩm sinh. Điều đó có thể góp phần giải thích cho các quan sát này. Tuy nhiên một số nghiên cứu về sinh lý bệnh của COVID-19 hiện nay dường như mâu thuẫn với giả thuyết này. 

Nhìn chung, dữ liệu về khả năng bảo vệ chống lại COVID-19ở mức độ nặng ở phụ nữ có thể duy trì theo tuổi hay sẽ mất đi ở người cao tuổi (như quan sát được trong dịch SARS) còn chưa được đầy đủ.

Trên thực tế, sự khác biệt về tỷ lệ tử vong do COVID-19 giữa nam và nữ ở Pháp không đáng kể, 55% ghi nhận ở nam giới và 45% đối với nữ giới. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong tăng cao do COVID-19, theo tính toán của INSEE, hầu như không thấp hơn đối với nữ: +24% so với +27% ở nam giới.

Khả năng mắc COVID-19 chắc chắn không giống nhau ở mọi lứa tuổi.

 

Kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, các nhóm bệnh viện trên toàn thế giới đã phát hiện ra rằng tỷ lệ nhập viện do COVID-19 mức độ nặng ở nam giới cao hơn đáng kể, tỷ lệ nam giới mắc bệnh ước tính cao gấp đôi nữ giới. 

 

Phụ nữ có xu hướng ít mắc COVID-19 mức độ nặng

Trong số 99 bệnh nhân đầu tiên nhập viện tại Vũ Hán, có 67 bệnh nhân nam và 32 nữ. Từ đó, có ít nhất 3 nghiên cứu dịch tễ học nối tiếp nhau đã cho thấy nam giới chiếm 58-67% số bệnh nhân nhập viện do COVID-19.

Theo các số liệu gần đây nhất từ Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Hồi sức Tích cực (ICNARC), trong số 5574 bệnh nhân được điều trị tích cực do COVID-19, có 72,1% là nam giới. Đồng thời, trong số 5782 bệnh nhân nhập viện tại cùng một cơ sở vì nhiễm trùng đường hô hấp không phải COVID-19 (chủ yếu là cúm mùa), nam giới chiếm 54,3% các trường hợp. Điều này cho thấy dường như tỷ lệ nữ thấp hơn là đặc trưng cho COVID-19. Vẫn có sự khác biệt tuy không rõ rệt về tỷ lệ tử vong giữa nam và nữ khi bệnh nhân được chuyển vào khoa điều trị tích cực. Ví dụ, dữ liệu ICNARC cho thấy tỷ lệ tử vong ở nam giới được điều trị tích cực là 53,3%, so với 45,2% ở phụ nữ. Tại Pháp, theo INSEE, 55% số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là nam giới.

 

Liệu lợi thế này đối với nữ giới duy trì với mọi lứa tuổi?

Cần lưu ý rằng hiện chưa có đủ thông tin cho thấy sự khác biệt về giới tính này duy trì theo độ tuổi. Tuy nhiên, trong dịch SARS, không ghi nhận sự khác biệt giữa tỷ lệ nam và nữ (tương tự các bằng chứng đã được quan sát với COVID-19) sau tuổi 75. Các bằng chứng chỉ ra một tình huống tương tự trong COVID-19. Theo INSEE, sự gia tăng tỷ lệ tử vong ghi nhận được ở Pháp trong khoảng thời gian từ ngày 01/03 đến ngày 13/04/2020, so với năm 2019 (và phần lớn là do COVID-19) là "không đáng kể với nam giới", tăng thêm 27% so với 24% đối với nữ.

Đâu là lý do thực sự cho việc nguy cơ mắc COVID-19 ở các thể nặng trên phụ nữ thấp hơn hai lần, trong khi tỷ lệ tử vong vượt mức liên quan đến bệnh này của họ gần như không thấp hơn so với nam giới? Câu trả lời có thể được tìm thấy tại Ehpad (hệ thống chăm sóc dành cho người cao tuổi phụ thuộc), nơi nữ giới chiếm 75%. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu về "giới tính" của tỷ lệ tử vong trong Ehpad.

 

Sự khác biệt về giới tính gần như biến mất khi xem xét cả yếu tố về bệnh mắc kèm

Gần đây, một nghiên cứu dịch tễ học ở New York thực hiện trên 4103 bệnh nhân được chẩn đoán COVID-19. Như trong các nghiên cứu trước đây, phụ nữ ít có khả năng  triển bệnh mức độ nặng: 63% bệnh nhân nam được chẩn đoán COVID-19 (đã được xác nhận về bằng chứng virus học), phải nhập viện so với với 39% bệnh nhân nữ (RR=2,8; CI 95%: 2,4-3,3). Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy, nếu kết quả được hiệu chỉnh theo bệnh mắc kèm, sự khác biệt liên quan đến giới tính này sẽ biến mất (RR=0,99; 95% CI: 0,74-1,33).

Tại New York, việc giảm nguy cơ mắc COVID-19 mức độ nặng dường như có liên quan chủ yếu, thậm chí là duy nhất, đến tỷ lệ có bệnh mắc kèm thấp hơn ở nữ giới. 

 

Phụ nữ đào thải virus SARS-CoV-2 nhanh hơn

Sự khác biệt liên quan đến giới tính đã được gợi ý từ một nghiên cứu trên 68 bệnh nhân với mức độ bệnh vừa phải, tuổi trung bình 37, cho thấy phụ nữ có sự đào thải SARS-CoV-2 nhanh hơn nam giới (khác biệt trung bình là 2 ngày), trong đó có các đối tượng nam và nữ giới là thành viên trong cùng một gia đình, do đó có khả năng bị nhiễm cùng một chủng và có cùng điều kiện sống.

Một số tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng, vì tinh hoàn rất giàu thụ thể ACE2 và COVID-19 đã cho thấy những tác động tiêu cực đến chức năng tinh hoàn, những cơ quan này của nam giới có thể đóng vai trò là nơi cư trú của SARS-CoV-2.

 

Dữ liệu tương tự với dữ liệu của SARS và MERS

Sự khác biệt ghi nhận được giữa nam và nữ trong quá trình diễn tiến của COVID-19 tương tự như những gì quan sát được trong dịch SARS và MERS.

Đối với tỷ lệ tử vong liên quan đến SARS, trong một nghiên cứu trên 1755 bệnh nhân nhập viện, các ca tử vong được ghi nhận ở 21,9% nam giới và 13,2% phụ nữ (p <0,0001; RR=1,66; CI95 %: 1,35-2,05), nhưng sự khác biệt rất đáng kể này trên những bệnh nhân dưới 45 tuổi không còn duy trì với nhóm trên 75 tuổi. Hiệu ứng “cân bằng” sự khác biệt bởi tuổi tác này có thể phản ánh thực tế rằng những bệnh nhân tử vong có tỷ lệ mắc bệnh kèm tương tự nhau (71,3% phụ nữ và 64,7% nam giới đã tử vong có mắc bệnh mạn tính).

Đối với dịch MERS, nam giới chiếm 65,2% trường hợp mắc bệnh ở Ả Rập Xê Út (tỷ lệ tử vong là 21,2% ở nam và 15,2% ở nữ) và 59,1% trường hợp ở Hàn Quốc (tỷ lệ tử vong 21,8% đối với nam và 15,8% đối với nữ). Các số liệu ghi nhận khá giống nhau giữa hai quốc gia này, mặc dù thực tế là Ả Rập Xê Út có tỷ lệ mắc bệnh kèm nhiều gấp đôi so với Hàn Quốc.

 

Không có sự khác biệt về giới đối với bệnh cúm mùa

Như đã được chỉ ra bởi ICNARC, hiện không có bằng chứng nào về khả năng khác biệt trong giới tính đối với bệnh cúm mùa. Đối với bệnh cúm H1N1, nguy cơ biến chứng có khả năng tăng 30% ở nam giới, nhưng với bệnh cúm H3N2, phụ nữ có thể có nguy cơ tăng 20%.

Trong bối cảnh COVID-19, ở Trung Quốc, một nghiên cứu về sự khác biệt về tỷ lệ hiện mắc giữa nam và nữ đã xác định 17,9% nam giới mắc COVID-19 đồng nhiễm với virus cúm A, nhưng không có trường hợp nào ở nữ (n = 47). Các tác giả do đó đã đề xuất một vai trò có tiềm năng của đồng nhiễm virus trong sự khác biệt về tiến triển thành các dạng nặng giữa nam và nữ.

 

Vì sao phụ nữ có đáp ứng khác với COVID-19?

Mặc dù có ảnh hưởng của bệnh mắc kèm, một câu hỏi cũng được quan tâm là còn lý do sinh lý nào có thể giải thích khả  năng ít tiến triển thành các dạng nặng ở phụ nữ nhiễm SARS-CoV-2. Có nhiều sự khác biệt đã được ghi nhận về khả năng miễn dịch giữa nam và nữ. Ví dụ: 

- Đối với nhiều loại vắc-xin, đáp ứng miễn dịch cao hơn ở phụ nữ (điều này không ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ) đã ghi nhận với vắc-xin cúm mùa, sởi, quai bị, rubella, viêm gan A và B, đậu mùa, sốt vàng (với nhiều tác dụng không mong muốn hơn), v.v.

- Tỷ lệ mắc nhiều bệnh tự miễn cũng cao hơn ở phụ nữ (như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, xơ gan mật nguyên phát, viêm tuyến giáp Hashimoto, v.v.).

Trong bối cảnh COVID-19, sự khác biệt trong miễn dịch nào liên quan đến giới tính có thể góp phần cho một tiên lượng tốt hơn? 

 

Phụ nữ có đáp ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh hơn nam giới

Đáp ứng miễn dịch tự nhiên hay bẩm sinh là quá trình không đặc hiệu, kích thích phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch khi cơ thể bị vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Ví dụ, đối với virus hô hấp RNA (như SARS-CoV-2), các tế bào tua gai trình diện kháng nguyên của niêm mạc đường hô hấp nhận ra các chuỗi RNA đơn của virus (thông qua các thụ thể giống Toll 7 - TLR7), và trình diện chúng cho các tế bào lympho, từ đó kích hoạt việc sản xuất các cytokin, đặc biệt là các interferon nhóm I (đặc biệt là IFN alpha và beta). Ở phụ nữ, phản ứng không đặc hiệu này mạnh hơn ở nam giới và một phần có thể là nguyên nhân gây ra tỷ lệ mắc bệnh tự miễn cao hơn ở giới nữ. 

Một số giả thuyết được đề xuất để giải thích tình trạng đáp ứng miễn dịch tốt hơn ở phụ nữ, ví dụ:

- Gen mã hóa thụ thể TLR7 được mang bởi nhiễm sắc thể X. Ở phụ nữ, nhiễm sắc thể X thứ hai không bị vô hiệu hóa hoàn toàn và điều này có thể dẫn đến mật độ thụ thể TLR7 cao hơn trên các tế bào tua;

- Ở chuột cái, estrogen đã cho thấy tác dụng kích thích đại thực bào sản xuất interleukin 12 có tác động tích cực đến sự biệt hóa và hoạt động của các tế bào tua (cũng như các tế bào trình diện kháng nguyên khác).

 

Giả thuyết về đáp ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh hơn có mâu thuẫn với dữ liệu gần đây về sinh lý bệnh của COVID-19

Mọi thứ trở nên phức tạp khi người ta cố gắng liên kết những khác biệt miễn dịch liên quan đến giới tính với sinh lý bệnh của COVID-19. Việc cơ thể phụ nữ tiết ra nhiều IFN alpha và beta trong đáp ứng với nhiễm SARS-CoV-2 có phải là nguyên nhân của một đáp ứng tốt hơn không? Một nghiên cứu gần đây (chưa được công bố) của một nhóm nghiên cứu tại bệnh viện Cochin có thể đi theo hướng này, tìm dữ liệu chứng minh những người tiết ra ít các interferon này có nguy cơ mắc COVID-19 ở các thể nặng cao hơn.

Tuy nhiên, ngược lại, các dữ liệu khác gần đây dường như chỉ ra rõ ràng rằng các IFN alpha và beta được tạo ra trong phản ứng miễn dịch bẩm sinh làm tăng số lượng thụ thể ACE2 (thụ thể cho enzym chuyển đổi angiotensin 2) trên các tế bào đích của phế nang phổi (do đó cung cấp nhiều đường vào hơn cho SARS-CoV-2!). Vì vậy, tác giả của nghiên cứu rất chi tiết này đã gợi ý việc sản xuất IFN alpha và beta có thể có vai trò làm trầm trọng hơn sự nhiễm virus, và trên thực tế, đưa ra một giả thuyết giải thích cho tình trạng đáp ứng viêm dữ dội ở một số bệnh nhân. 

Vậy nên biện giải như thế nào? Tại sao phụ nữ ít có nguy cơ mắc các thể COVID-19 nặng hơn? Do hoạt động miễn dịch bẩm sinh tốt hơn? Hay do kiểm soát tốt hơn khả năng miễn dịch bẩm sinh này để ngăn chặn các đáp ứng viêm quá mức? Cần thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ phản ứng miễn dịch của phụ nữ đối với SARS-CoV-2. 

Tóm lại, như nghiên cứu ở New York đã chỉ ra, tỷ lệ có bệnh mắc kèm thấp hơn ở phụ nữ đã đủ để giải thích sự tiến triển ít hơn thành các thể COVID-19 nặng. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu dịch tễ học nào khác có  hiệu chỉnh cho các bệnh lý mắc kèm. Do đó, còn quá sớm để công nhận đó là nguyên nhân duy nhất cho khả năng bảo vệ tương đối chống lại tiến triển của COVID-19 lên mức độ nặng ở phụ nữ. Ngoài ra, việc nhanh chóng làm rõ sự bảo vệ tương đối này có còn được duy trì ở phụ nữ lớn tuổi hay không cũng rất đáng được quan tâm.

 

Nguồn: https://www.vidal.fr/actualites/24820/les_femmes_face_a_la_covid_19_sont_elles_vraiment_protegees/?cid=eml_000973

Tác giả: STÉPHANE KORSIA-MEFFRE, Vidal.

Người dịch: SV D5. Từ Phạm Hiền Trang, Ths. DS. Dương Khánh Linh

Các tin liên quan