1. Nguy cơ tràn dịch và bong mạch mạc khi sử dụng acetazolamid: Thông tin từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA)
Ủy ban Đánh giá nguy cơ Cảnh giác Dược (PRAC) thuộc Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) khuyến cáo cập nhật tờ thông tin sản phẩm của acetazolamid thêm nguy cơ tràn dịch và bong mạch mạc (tình trạng giảm thị lực hoặc đau mắt do dịch tích tụ ở lớp mạch máu phía sau võng mạc).
Một số trường hợp tràn dịch hoặc bong mạch mạc đã được báo cáo sau khi sử dụng acetazolamid. Các triệu chứng bao gồm giảm thị lực đột ngột hoặc đau mắt, có thể xảy ra trong vài giờ sau khi bắt đầu sử dụng acetazolamid. Nếu nghi ngờ tràn dịch hoặc bong mạch mạc, cần ngừng acetazolamid ngay lập tức.
2. Nguy cơ gặp hội chứng loạn sản tủy và bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính khi sử dụng pegfilgrastim và filgrastim: Thông tin từ Cơ quan quản lý Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA)
Cơ quan quản lý Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA) thông báo sẽ cập nhật thêm các nguy cơ gặp hội chứng loạn sản tủy và bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính trong hướng dẫn sử dụng của thuốc chứa pegfilgrastim, filgrastim.
Pegfilgrastim, filgrastim là những thuốc kích thích bạch cầu hạt, có bản chất là một glycoprotein kích thích tủy xương sản xuất ra bạch cầu hạt và các tế bào gốc, sau đó,giải phóng các tế bào này vào máu. Các thuốc này được chỉ định để dự phòng sốt do giảm bạch cầu đa nhân trung tính ở bệnh nhân điều trị hoá trị liệu.
Một nghiên cứu quan sát được thực hiện tại Mỹ cho thấy nguy cơ cao gặp hội chứng loạn sản tủy và bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính ở bệnh nhân ung thư vú hoặc phổi, được điều trị bằng pegfilgrastim hoặc filgrastim kết hợp với hoá trị liệu. Mặc dù chưa có mối liên hệ rõ ràng giữa những thuốc này với hội chứng loạn sản tủy hoặc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, bệnh nhân cần được giám sát cẩn thận sau khi sử dụng thuốc.
3. Nguy cơ gặp hội chứng DRESS khi sử dụng acid mefenamic: Thông tin từ Chương trình Cảnh giác Dược Ấn Độ
Thông qua phân tích sơ bộ về cơ sở dữ liệu của chương trình Cảnh giác dược Ấn Độ (PvPI), Ủy ban Dược điển Ấn Độ (IPC) đã phát hiện nguy cơ tiềm ẩn phản ứng do thuốc gây tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân (DRESS) liên quan đến việc sử dụng acid mefenamic.
Acid mefenamic là thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), được chỉ định trong điều trị các đau từ nhẹ đến trung bình, viêm, sốt và đau răng.
Nhân viên y tế và người bệnh cần theo dõi chặt chẽ nguy cơ mắc hội chứng DRESS liên quan đến acid mefenamic và báo cáo các biến cố nghi ngờ nếu xảy ra.
4. Nguy cơ viêm ống kẽ thận cấp tính khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thông tin từ Cơ quan quản lý Dược phẩm và thiết bị y tế Nam Phi (SAHPRA)
Cơ quan quản lý Dược phẩm và thiết bị y tế Nam Phi (SAHPRA) đã đưa ra cảnh báo cho các cán bộ y tế về nguy cơ viêm ống kẽ thận cấp tính (TIN) khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI: pantoprazol, dexlansoprazol, esomeprazol và rabeprazol).
Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế:
- Ngừng điều trị PPI khi nghi ngờ bệnh nhân có viêm ống kẽ thận cấp tính (TIN).
- Chống chỉ định PPI cho những bệnh nhân có tiền sử TIN khi sử dụng PPI trước đây.
- Khuyến cáo bệnh nhân báo cáo khi có bất kỳ thay đổi nào về lượng nước tiểu hoặc nghi ngờ có máu trong nước tiểu trong khi sử dụng PPI.
Nguồn: WHO pharmaceuticals newsletter - No. 2, 2024
Điểm tin: SV. Trần Phương Thảo A, SV. Nguyễn Nhật Trang, SV. Đoàn Vũ Thùy Dương, SV. Nguyễn Thị Hà Giang
Hiệu đính và Phụ trách: ThS. Nguyễn Mai Hoa.