Tư vấn sau khi tiêm vaccin COVID-19 dành cho bệnh nhân có bệnh nền suy giảm miễn dịch

 

Vì vắc-xin COVID-19 có hiệu quả cao và an toàn, đại dịch COVID-19 dường như đã được kiểm soát tại Hoa Kỳ, do đó, gần đây CDC đã nới lỏng khuyến cáo đeo khẩu trang ở những người đã được tiêm chủng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, những người có tình trạng suy giảm miễn dịch (chiếm khoảng 5% người trưởng thành tại Hoa Kỳ) thường không được đưa vào thử nghiệm vắc-xin, hiệu quả của các loại vắc xin COVID-19 chưa được xác định với những người này. Vì vậy, các bệnh nhân này cần câu trả lời về sự cần thiết tăng liều, lợi ích của xét nghiệm sau tiêm chủng, tư vấn về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

 

Đa số nghiên cứu hiện tại là nghiên cứu thuần tập đánh giá đáp ứng sinh kháng thể chống protein gai của SARS-CoV-2 sau một hoặc hai liều vắc xin (chủ yếu là vắc xin mARN). Các nghiên cứu tiến hành xét nghiệm huyết thanh và so sánh với đáp ứng của người có miễn dịch bình thường (được coi là có đáp ứng 100%). Kết quả của một số nghiên cứu được tổng hợp ở Bảng 1.

 

Bảng 1. Đáp ứng kháng thể chống protein gai ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch

Tình trạng

Nhận tạng

ghép đặc

Bệnh tự miễn/ Thấp khớp

Ung thư

Lọc máu

Tỉ lệ có đáp ứng sinh kháng thể chống protein gai

14-58%

74-100%

51-95%

96%

Yếu tố nguy cơ làm giảm đáp ứng sinh kháng thể

Thuốc chốngchuyển hóa (mycophenolat mofetil)

Thời gian ngắn sau khi phẫu thuật

Tuổi cao

Thuốc chống chuyển hóa (mycophenolat)

Giảm bạch cầu B

Corticosteroid

 

Leukemia mạn tính dòng lympho bạch cầu B (CLL)

Tuổi cao

Giữa đợt điều trị

Tiến triển bệnh kém

 

Tuổi cao

Số lượng bạch cầu lympho thấp

Ghi chú

Chưa phát hiện gia tăng COVID-19 nặng ở người nhận tạng ghép rắn

Thuốc ức chế yếu tố hoại tử u (TNF) có tác động nhẹ đến đáp ứng

Nồng độ kháng thể ở bệnh nhân có đáp ứng thấp hơn nồng độ ở người bình thường

Hầu hết bệnh nhân có khối u rắn có đáp ứng tốt

Bệnh mạn tính có liên quan đến đáp ứng kém

 

Cần lưu ý rằng hiện tại chưa rõ ý nghĩa của đáp ứng sinh kháng thể chống protein gai trên lâm sàng. Gần đây, FDA khuyến cáo không kiểm tra nồng độ kháng thể sau khi tiêm vắc xin, do việc có sinh kháng thể không đồng nghĩa với việc được bảo vệ và việc không sinh kháng thể không đồng nghĩa với việc nhạy cảm với SARS-CoV-2.

Một số bài học kinh nghiệm đang được rút ra. Việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng ức chế hoạt động của bạch cầu lympho B (mycophenolat, rituximab) và tuổi cao có mối liên quan đến đáp ứng sinh kháng thể kém. Sử dụng corticosteroid liều thấp cũng có thể ảnh hưởng đến đáp ứng sinh miễn dịch. Bệnh nhân ung thư có khả năng sinh kháng thể tốt hơn nếu được tiêm vắc xin giữa các đợt điều trị.

 

Trong khi chờ đợi thêm dữ liệu và khuyến cáo từ các cơ quan y tế, dưới đây là một số lời khuyên cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch:

 

Có nên thường xuyên kiểm tra nồng độ kháng thể chống protein gai sau khi tiêm vắc xin?

- Do chưa rõ ý nghĩa của đáp ứng sinh kháng thể chống protein gai trên lâm sàng, khuyến cáo không thường xuyên kiểm tra nồng độ kháng thể chống protein gai do kết quả có thể tạo cảm giác an toàn giả hoặc lo ngại không cần thiết.

- Một số xét nghiệm trên thị trường không hướng đến protein gai và chỉ cho kết quả dương tính sau khi nhiễm virus một cách tự nhiên.

Có nên tiêm thêm liều vắc xin cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch?

- Có rất ít dữ liệu về độ an toàn và hiệu lực của việc tiêm nhiều hơn hai liều vắc xin cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

 

Bệnh nhân suy giảm miễn dịch đã được tiêm vắc xin có cần phải tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang và giãn cách xã hội?

- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch nên tiêm vắc xin, tuy nhiên các bệnh nhân này chưa thể được đảm bảo an toàn chỉ từ biện pháp này. Vì vậy, bệnh nhân suy giảm miễn dịch đã tiêm vắc xin vẫn cần thực hiện đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

- Người thân và những người thường xuyên tiếp xúc gần với bệnh nhân suy giảm miễn dịch nên tiêm vắc xin, điều này sẽ giúp giảm khả năng lây nhiễm virus cho bệnh nhân.

 

Việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch ảnh hưởng như thế nào đến thời gian tiêm vắc xin?

- Nếu điều kiện cho phép, việc tiêm vắc xin nên được tiến hành vào thời gian bệnh nhân tạm ngừng/giảm liều sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (giữa các đợt hóa trị, trước khi tiến hành ghép tạng đặc).

- Rituximab có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến đáp ứng miễn dịch (do tác dụng trên bạch cầu lympho B), vì vậy việc tiêm vắc xin nên được tiến hành vào cuối đợt điều trị nếu có điều kiện.

- Trong đa số trường hợp, không khuyến cáo giảm liều thuốc ức chế miễn dịch trong điều kiện cần thiết để làm tăng đáp ứng miễn dịch, đặc biệt ở bệnh nhân ghép tạng.

- Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (American College of Rheumatology) khuyến cáo tạm ngừng một số thuốc điều biến miễn dịch (mycophenolat hoặc methotrexat) ở bệnh nhân có tình trạng bệnh ổn định trong 1 đến 2 tuần sau khi tiêm vắc xin. 

 

Nguồn:https://www.jwatch.org/na53599/2021/06/14/how-should-we-advise-our-immunocompromised-patients-after?query=etoc_jwgenmed&jwd=000020102030&jspc=PA

Điểm tin: CTV. Tăng Quốc An, CTV. Nguyễn Hà Nhi, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến