Bối cảnh
Sử dụng kháng sinh đường khí dung có thể giúp dự phòng và làm giảm tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm phổi liên quan đến thở máy đến nay vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng.
Phương pháp nghiên cứu
Một thử nghiệm đa trung tâm, mù đôi, ngẫu nhiên, có đối chứng được thực hiện trên những bệnh nhân nặng có can thiệp thở máy xâm lấn trong ít nhất 72 giờ. Các bệnh nhân được chỉ định sử dụng amikacin đường khí dung với mức liều 20 mg/kg/ngày theo theo cân nặng lý tưởng (IBW) hoặc giả dược trong vòng 3 ngày. Tiêu chí đánh giá chính là viêm phổi liên quan đến thở máy được ghi nhận đầu tiên trong vòng 28 ngày theo dõi.
Kết quả
Tổng cộng có 850 bệnh nhân được phân nhóm ngẫu nhiên và 847 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu (417 bệnh nhân ở nhóm dùng amikacin và 430 bệnh nhân ở nhóm dùng giả dược). Tuy nhiên, chỉ có 337 bệnh nhân (81%) nhóm amikacin và 335 bệnh nhân (82%) nhóm giả dược được điều trị bằng khí dung trong vòng 3 ngày. Sau 28 ngày theo dõi, viêm phổi liên quan thở máy đã được ghi nhận trên 62 bệnh nhân (15%) nhóm amikacin và 95 bệnh nhân (22%) nhóm giả dược. Sự khác biệt về thời gian trung bình xuất hiện viêm phổi thở máy (RMST - restricted mean survival time) giữa hai nhóm là 1,5 ngày; 95% CI: 0,6 - 2,5; p = 0,004.
Bên cạnh đó, biến chứng nhiễm trùng liên quan đến thở máy được ghi nhận trên 74 bệnh nhân (18%) nhóm amikacin và 111 bệnh nhân (26%) nhóm giả dược (tỷ số nguy cơ HR là 0,66 95%CI: 0,50 - 0,89). Biến cố bất lợi nghiêm trọng trong thử nghiệm xuất hiện ở 7 bệnh nhân (1,7%) nhóm amikacin và 4 bệnh nhân (0,9%) nhóm giả dược.
Kết luận
Với bệnh nhân có can thiệp thở máy trong ít nhất 3 ngày, đợt điều trị khí dung amikacin trong 3 ngày liên tiếp có thể làm giảm gánh nặng liên quan đến viêm phổi thở máy trong 28 ngày sau đó.
Nguồn: Inhaled Amikacin to Prevent Ventilator-Associated Pneumonia | NEJM
Điểm tin: SV. Đoàn Vũ Thùy Dương
Hiệu đính: DS. Nguyễn Thị Cúc; Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Mai Hoa