Ngày 19/12/2016, Cơ quan Quản lý Điều trị Úc (TGA) khuyến cáo cho người bệnh và cán bộ y tế về các thuốc điều trị virus viêm gan C tác dụng trực tiếp có liên quan tới sự tái khích hoạt virus viêm gan B ở bệnh nhân đang mắc hay đã mắc HBV trước đó.
Kết quả rà soát mới đây của TGA dựa trên các dữ liệu từ y văn, các cơ quan quản lý dược phẩm trên thế giới và giám sát hậu marketing đã cho thấy bằng chứng về mối liên quan giữa việc sử dụng các thuốc điều trị HCV mãn tính và sự kích hoạt HBV xảy ra ở một số ít bệnh nhân hiện đang mắc hoặc có tiền sử nhiễm HBV. Sự tái hoạt động của HBV có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng trên gan như viêm gan, suy gan và thậm chí cả tử vong tuy hiếm gặp. TGA đang phối hợp với các nhà cung cấpthuốc điều trị virus viêm gan C tác dụng trực tiếp để cập nhật cảnh báo về nguy cơ tái kích hoạt HBV và sự cần thiết của việc sàng lọc HBV trước khi điều trị bằng các thuốc này, theo dõi bệnh nhân có HBV huyết thanh dương tính và điều trị HBV theo hướng dẫn điều trị.
Các thuốc điều trị virus viêm gan C tác dụng trực tiếp hiện có ở Việt Nam gồm (các thuốc thuộc quyết định 5012/QĐ-BYT ngày 20/9/2016 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan virus C):
· sofosbuvir
· sofosbuvir/ledipasvir
· sofosbuvir/velpatasvir
· dasabuvir
· daclatasvir
· paritaprevir/ombitasvir/ritonavir
· simeprevir
· grazoprevir/elbasvir
(Ảnh minh họa: Internet)
Thông tin cho cán bộ y tế
Bệnh nhân nên được sàng lọc về bằng chứng hiện mắc hoặc đã từng mắc nhiễm HBV trước khi bắt đầu điều trị với thuốc điều trị virus viêm gan C tác dụng trực tiếp
Nếu bác sĩ đang sử dụng thuốc điều trị viêm gan C tác dụng trực tiếp cho bệnh nhân nhiễm HCV mạn tính, hãy khuyến cáo cho họ về vấn đề này và sàng lọc các bằng chứng về nhiễm HBV, bao gồm xét nghiệm kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HbsAg) và kháng thể kháng lõi virus viêm gan B (anti-HBc)
Cần lưu ý sự tái hoạt của HBV có thể xảy ra ở cả các bệnh nhân có bằng chứng huyết thanh cho thấy trước đây đã nhiễm HBV (HBsAg và anti-HBc dương tính).
HBV tái hoạt được chẩn đoán khi có nồng độ HBV DNA tăng cao đột ngột và có thể kèm theo viêm gan từ nhẹ đến nặng.
Bệnh nhân đồng nhiễm HCV-HBV cần được chăm sóc bởi một bác sĩ có kinh nghiệm trong việc quản lý cả hai tình trạng này.
Thông báo cho bệnh nhân có bằng chứng huyết thanh cho thấy đã mắc hoặc đang mắc HBV rằng HBV tái hoạt động có thể xảy ra trong khi hoặc sau khi điều trị nhiễm HCV với thuốc điều trị virus viêm gan C tác dụng trực tiếp, và bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ nếu họ có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của viêm gan hoặc suy gan.
Những bệnh nhân có bằng chứng huyết thanh của hiện mắc hoặc từng mắc HBV cần được theo dõi và điều trị theo hướng dẫn thực hành lâm sàng hiện có để quản lý nguy cơ HBV tái hoạt động. Xem xét việc bắt đầu điều trị kháng virus viêm gan B, nếu có chỉ định.
Đối với bệnh nhân không có bằng chứng huyết thanh về nhiễm HBV hiện mắc hoặc đã từng mắc, xem xét việc dùng vắc xin ngừa HBV.
Nguồn: https://www.tga.gov.au/alert/direct-acting-antiviral-medicines
Điểm tin: Nguyễn Thị Tuyến, Nguyễn Mai Hoa