Ngày 30/5/2017, ANSM thông báo đã ghi nhận các báo cáo sai sót về thuốc liên quan đến việc tiêm đường tĩnh mạch chế phẩm kali clorua (KCl) nồng độ cao trực tiếp không qua pha loãng. Sai sót này có thể gây hậu quả nghiêm trọng thậm chí tử vong cho người bệnh. ANSM đã nhắc lại rằng dung dịch KCl ưu trương chỉ được truyền tĩnh mạch chậm cho bệnh nhân sau khi đã pha loãng.
(Ảnh: nguồn internet)
Khuyến cáo dành cho bác sĩ:
- Ưu tiên dùng dạng uống cho bệnh nhân có hạ kali máu mức độ nhẹ đến trung bình
- Ưu tiên kê đơn dạng túi đã được pha loãng trước
- Luôn ghi rõ trên đơn thuốc:
o Liều lượng: số g KCl cần truyền cho người lớn và số mmol/kg mỗi ngày đối với trẻ em: 1 g KCl = 13,4 mmol kali (K +)
o Tổng thể tích dung môi (0,9% NaCl hoặc Glucose 5%)
o Truyền tĩnh mạch
o Tốc độ truyền: tốc độ truyền (IV chậm) không được vượt quá 1g KCl/giờ.
o Đặc biệt chú ý áp dụng khuyến cáo phù hợp cho các bệnh nhân cần giới hạn lượng dịch, bệnh nhi và bệnh nhân trong hồi sức tích cực.
o Kiểm tra tổng lượng KCl và tương tác với các thuốc làm tăng kali máu
Khuyến cáo dành cho người chăm sóc bệnh nhân: thuốc cần được pha loãng, truyền chậm
- Đọc kỹ thông tin trên bao bì
- Không nên bị gián đoạn khi pha chế thuốc và nếu có thể nên kiểm tra lại chế phẩm 2 lần
- Luôn pha loãng dung dịch ưu trương (nồng độ tối đa 4 g/L KCl hay 53,6 mmol/L kali ở người lớn) hoặc sử dụng một túi pha loãng trước
- Ghi trên nhãn liều lượng và tổng thể tích
- Truyền IV chậm có kiểm soát tốc độ (không vượt quá 1g KCl/giờ hay 13,4 mmol kali/giờ ở người lớn)
- Giám sát các thông số lâm sàng và cận lâm sàng khi truyền
- Không dùng đường IV trực tiếp và không bao giờ sử dụng thuốc theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp
Khuyến cáo dành cho dược sĩ: lưu trữ thuốc
- Ưu tiên việc cung cấp dung dịch được pha loãng trước
- Hạn chế tối đa việc lưu trữ các dung dịch KCl đặc trong chăm sóc và cung cấp cho các cơ sở và nghiên cứu khi có nhu cầu khẩn cấp
- Để nhãn cảnh báo ở nơi lưu trữ và lưu trữ ở khu vực riêng với các dung dịch điện giải khác
Điểm tin: DS. Dương Khánh Linh