EMA và Bộ Y tế Canada: Khuyến cáo về sử dụng topiramat ở phụ nữ có thai

1. Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA)

Ngày 01/09/2023, Ủy ban Đánh giá Nguy cơ Cảnh giác Dược (PRAC) của EMA đã đưa ra khuyến cáo về việc áp dụng các biện pháp mới nhằm tránh việc sử dụng topiramat ở phụ nữ có thai, do thuốc này có thể làm tăng nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh sau khi trẻ phơi nhiễm với thuốc từ trong bụng mẹ. Trước đó, topiramat đã được chứng minh gây ra những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng khi sử dụng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai. 


Khuyến cáo trên được đưa ra sau khi PRAC rà soát toàn bộ bằng chứng y văn hiện có, trong đó có ba nghiên cứu quan sát mới được công bố gần đây. Hai trong ba nghiên cứu này cùng sử dụng phần lớn một bộ dữ liệu, đã cho thấy trẻ sinh ra từ mẹ mắc động kinh và có sử dụng topiramat trong thời kỳ mang thai có nguy cơ mắc các rối loạn thần kinh cao gấp 2-3 lần, đặc biệt là rối loạn phổ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý so với trẻ sinh ra từ mẹ không sử dụng thuốc chống động kinh trong thai kỳ. Còn nghiên cứu thứ ba không cho thấy sự tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố trên ở trẻ sinh ra từ mẹ có sử dụng topiramat trong thai kỳ so với trẻ sinh ra từ mẹ không sử dụng thuốc chống động kinh. Từ các kết quả rà soát y văn, PRAC đã xác nhận có sự gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và suy giảm phát triển ở trẻ trong bụng mẹ khi người mẹ sử dụng topiramat trong thai kỳ. Dị tật bẩm sinh xảy ra với tần suất 4 - 9 trẻ/100 trẻ được sinh ra từ mẹ có sử dụng topiramat trong thai kỳ, so với chỉ 1 - 3 trẻ/100 trẻ được sinh ra từ mẹ không sử dụng thuốc này. Hơn nữa, khoảng 18 trẻ/100 trẻ nhỏ hơn và có cân nặng nhẹ hơn ước đoán vào lúc sinh khi mẹ sử dụng topiramat trong thai kỳ, so với chỉ 5 trẻ/100 trẻ sinh ra từ mẹ không mắc động kinh và không sử dụng thuốc chống động kinh.


Từ các bằng chứng về nguy cơ trên, PRAC khuyến cáo với bệnh nhân đang sử dụng topiramat để điều trị động kinh, tránh sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai ngoại trừ trường hợp không có thuốc khác thay thế. PRAC cũng khuyến cáo tăng cường các biện pháp nhằm tránh cho trẻ phơi nhiễm với topiramat từ trong bụng mẹ. Theo đó, tất cả bệnh nhân nữ có khả năng mang thai đều được cảnh báo về nguy cơ của topiramat khi sử dụng trong thai kỳ và các biện pháp tránh thai cần tuân thủ để tránh mang thai trong thời gian sử dụng thuốc.


Thông tin cho cán bộ y tế:

- Nguy cơ dị tật bẩm sinh và suy giảm phát triển ở trẻ trong bụng mẹ có sử dụng topiramat đã được chứng minh. Một số bằng chứng y văn gần đây cho thấy sự gia tăng nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh trên trẻ có mẹ sử dụng topiramat trong thai kỳ.

- Trong điều trị động kinh, chống chỉ định topiramat cho phụ nữ có thai trừ trường hợp không có thuốc khác thay thế, và đối với phụ nữ có khả năng mang thai mắc bệnh động kinh không sử dụng biện pháp tránh thai có hiệu quả cao.  

- Topiramat chỉ được kê đơn cho phụ nữ có khả năng mang thai khi đáp ứng đầy đủ điều kiện tránh thai dưới đây:

+ Thử thai trước khi bắt đầu điều trị

+ Được cảnh báo về nguy cơ khi sử dụng topiramat và sự cần thiết sử dụng biện pháp tránh thai có hiệu quả cao trong quá trình điều trị

+ Có đánh giá quá trình sử dụng topiramat tối thiểu hàng năm thông qua phiếu nhận thức nguy cơ. Phiếu này cần được làm trước khi bắt đầu điều trị, trong đánh giá hàng năm và khi bệnh nhân dự định mang thai hoặc đã mang thai. Bệnh nhân cần đảm bảo đã nắm được thông tin về nguy cơ và biện pháp phòng tránh khi sử dụng topiramat.

- Cần cân nhắc các thuốc khác thay thế và đánh giá lại nhu cầu sử dụng topiramat tối thiểu hàng năm.

 

Thông tin sản phẩm của các thuốc chứa topiramat sẽ được cập nhật để nhấn mạnh nguy cơ trên và các biện pháp cần thực hiện. 


2. Bộ Y tế Canada

Bản tin InfoWatch tháng 8/2023 của Bộ Y tế Canada cũng đề cập đến việc thông tin sản phẩm của thuốc chứa topiramat ở nước này đang được cập nhật các nội dung chống chỉ định, cảnh báo và thận trọng do nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh. 


Dữ liệu từ hệ thống đăng ký thông tin ca bệnh đã cho thấy có sự gia tăng nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh (ví dụ: rối loạn phổ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ) ở trẻ sơ sinh có phơi nhiễm với topiramat từ trong bào thai. Trước đó, các nguy cơ dị tật bẩm sinh (ví dụ: sứt môi và/hoặc hở hàm ếch) của topiramat cũng đã được chứng minh. 


Bộ Y tế Canada khuyến cáo, trước khi bắt đầu kê đơn topiramat cho các bệnh nhân nữ có khả năng mang thai, cần tiến hành thử thai và đề nghị bệnh nhân sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả cao. Bệnh nhân nên được nhắc nhở đầy đủ về nguy cơ liên quan đến việc sử dụng topiramat trong thai kỳ. Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên khám tiền sản để đánh giá nguy cơ động kinh và cân nhắc các thuốc khác thay thế. Trong trường hợp đang sử dụng thuốc ở ba tháng đầu thai kỳ, cần theo dõi thai kỳ cẩn thận.