Hiệu quả và độ an toàn của vắc xin phòng ngừa Covid-19 (phần 5): Vaxzevria (AstraZeneca)

 

Vắc xin ChAdOx1 nCoV-19/AZD1222 hay Vaxzevria (Đại học Oxford, AstraZeneca, Serum Institute of India) là vắc xin dựa trên vector adenovirus không có khả năng sao chép của tinh tinh được mã hóa glycoprotein cầu gai của SARS-CoV-2. Vắc xin được sử dụng qua đường tiêm bắp và được đánh giá hiệu quả khi sử dụng hai liều cách nhau từ 4 đến 12 tuần. WHO khuyến cáo khoảng cách giữa hai liều nên từ 8 đến 12 tuần [1]. ChAdOx1 nCoV-19/AZD1222 đã được cấp phép sử dụng trong khu vực Liên minh Châu Âu và một số quốc gia khác, trong đó có Vương quốc Anh, Canada, và Ấn Độ. Mặc dù có một vài lo ngại về hiệu quả của vắc xin chống lại một số biến thể SARS-CoV-2, WHO vẫn khuyến cáo sử dụng vắc xin kể cả ở các khu vực đang có biến thể của vi rút lưu hành [1]. Do nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối liên quan đến giảm tiểu cầu rất hiếm gặp sau tiêm vắc xin,, một số quốc gia đã tạm dừng cấp phép cho vắc xin này để chờ đánh giá dữ liệu, và một vài quốc gia khác đã giới hạn độ tuổi được tiêm vắc xin.

 

Hiệu quả

Trong báo cáo kết quả ban đầu của một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đa quốc gia, vắc xin có hiệu quả 70,4% (95% CI, 54,8 – 80,6) trong việc phòng ngừa mắc COVID-19 có triệu chứng kể từ 14 ngày sau mũi tiêm thứ hai [2]. Hiệu quả được đánh giá sau khi phân tích 131 trường hợp mắc COVID-19 (30 ở nhóm đã tiêm vắc xin và 101 ở nhóm đối chứng) trong tổng số hơn 11.000 người tham gia với thời gian theo dõi trung bình là 2 tháng sau tiêm. Mười người tham gia đã phải nhập viện, trong đó có 2 người trong tình trạng nghiêm trọng, cả 10 người đều ở nhóm đối chứng. Một nhóm nhỏ người tham gia đã vô tình được tiêm mũi thứ nhất với liều vắc xin thấp hơn, và hiệu quả của vắc xin ở nhóm này khác với những người còn lại. Hiệu quả của vắc xin là 90,0% (95% CI 67,4 – 97,0) ở 2.741 người tham gia được tiêm mũi thứ nhất liều thấp hơn và 62,1% (95% CI 41,0 – 75,7) ở những người được tiêm vắc xin liều bình thường. Chưa có lý giải cho sự khác biệt này, tuy nhiên do khoảng tin cậy chồng chéo nên mức độ khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Sự khác biệt giữa loại vắc xinđối chứng được sử dụng (hai liều vắc xin viêm màng não ở một số điểm thử nghiệm so với một liều vắc xin viêm màng não và một liều nước muối sinh lý ở một số điểm khác) và khoảng cách giữa hai liều vắc xin làm giảm mức độ tin cậy của kết quả.

 

Trong một phân tích dưới nhóm của thử nghiệm trên, hiệu quả của vắc xin phòng ngừa COVID-19 có triệu chứng là 76% kể từ 21 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên cho đến thời điểm tiêm liều thứ hai hoặc cho đến ngày thứ 90,tínhthời điểm đến trước. Việc này cho thấy vắc xin có hiệu quả bảo vệ chỉ với một liềuduy nhất [3]. Hơn nữa, việc tiêm liều thứ hai cách 12 tuần hoặc lâu hơn có liên quan với hiệu quả cao hơn so với tiêm liều thứ hai cách 6 tuần hoặc sớm hơn (81% so với 55%). Các kết quả này ủng hộ việc kéo dài khoảng cách giữa hai liều lên 12 tuần.

 

Một thông cáo báo chí về kết quả sơ bộ của một thử nghiệm lâm sàng có đối chứng giả dược được tiến hành ở Mỹ, Chile và Peru đã báo cáo kết quả tương tự[4]. ChAdOx1 nCoV-19/AZD1222 với đủ hai liều cách nhau 4 tuần có hiệu quả 76% trong phòng tránh COVID-19 có triệu chứng kể từ 15 ngày sau khi tiêm liều thứ hai. Cần có dữ liệu chi tiết về thử nghiệm để đánh giá những kết quả trên. Tuy nhiên, dữ liệu quan sát từ nhiều quốc gia khi triển khai kế hoạch tiêm vắc xin ChAdOx1 nCoV-19/AZD1222 ủng hộ kết quả nghiên cứu của thử nghiệm[5], [6]. Một nghiên cứu trên toàn quốc ở Scotland, gồm hơn 600.000 người đã tiêm ít nhất một liều vắc xin ChAdOx1 nCoV-19/AZD1222, cho thấy việc tiêm vắc xin có liên quan đến việc giảm 88% tỷ lệ nhập viện do COVID-19 sau 4 tuần tiêm phòng [5].

 

Hiệu quả của vắc xin chống lại các biến thể virus có thể bị suy giảm. Trong một phân tích của thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, hiệu quả của vắc xin chống lại COVID-19 không triệu chứng do biến thể B.1.1.7 (Alpha), biến thể virus chủ yếu ở Vương quốc Anh và có mặt trên nhiều quốc gia, không khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các biến thể khác (70% so với 82%), mặc dù hoạt động trung hòa bị giảm đối với biến thể B.1.1.7[7].  Tuy nhiên, theo kết quả sơ bộ pha I/II của một thử nghiệm ở Nam Phi, ChAdOx1 nCoV-19/AZD1222 không làm giảm tỷ lệ mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình (có ít nhất một triệu chứng nhưng không có thở nhanh, thiếu oxy hoặc suy tạng) trong khoảng thời gian biến thể Beta lưu hành chủ yếu[8]. Do thử nghiệm có quy mô nhỏ và số ca mắc ít, hiệu quả ước tính của vắc xin có khoảng tin cậy rộng (21,9%, 95%CI, -49,9 đến 59,8). Chưa đánh giá được tác động trên bệnh nặng, do hiếm gặp ở người tham gia thử nghiệm trẻ, khỏe mạnh. Trong một nghiên cứu chưa được công bố tại Vương quốc Anh, hiệu quả ước tính chống lại biến thể B.1.617.2 (Delta) là 60% so với biến thể B.1.1.7 (Alpha) là 66%[9].

 

Độ an toàn và phản ứng có hại

Trong các giai đoạn trước của thử nghiệm, mệt mỏi, đau đầu và sốt là triệu chứng tương đối phổ biến sau tiêm vắc xin và xuất hiện ở 8% người đã tiêm phòng [10]. Trong thử nghiệm pha III, xuất hiện 2 ca viêm tủy ngang (transverse myelitis) khi tiêm vắc xin ChAdOx1 nCoV-19[2]. Một ca nghi ngờ có liên quan đến vắc xin, được mô tả là “thoái hóa myelin đoạn ngắn tủy sống vô căn”; ca còn lại là bệnh nhân mắc chứng đa xơ cứng chưa phát hiện trước đó và được cho là không liên quan đến vắc xin. Ngoài ra, vắc xin cũng có thể liên quan đến nguy cơ rất hiếm gặp các biến cố huyết khối liên quan đến giảm tiểu cầu.

 

Tổng hợp: CTV. Tăng Quốc An, CTV. Nguyễn Hà Nhi, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Sadoff J, Le Gars M, Shukarev G, et al. Interim Results of a Phase 1-2a Trial of Ad26.COV2.S Covid-19 Vaccine. N Engl J Med 2021; 384:1824.

2. Sadoff J, Gray G, Vandebosch A, et al. Safety and Efficacy of Single-Dose Ad26.COV2.S Vaccine against Covid-19. N Engl J Med 2021; 384:2187.

3. Shay DK, Gee J, Su JR, et al. Safety Monitoring of the Janssen (Johnson & Johnson) COVID-19 Vaccine — United States, March–April 2021. MMWR Morb Mortal Wkly Rep 2021.

4. Hause AM, Gee J, Johnson T, et al. Anxiety-Related Adverse Event Clusters After Janssen COVID-19 Vaccination — Five U.S. Mass Vaccination Sites, April 2021. MMWR Morb Mortal Wkly Rep 2021.

5. Wall EC, Wu M, Harvey R, et al. Neutralising antibody activity against SARS-CoV-2 VOCs B.1.617.2 and B.1.351 by BNT162b2 vaccination. Lancet 2021; 397:2331.

6. Takuva S, Takalani A, Garrett N, et al. Thromboembolic Events in the South African Ad26.COV2.S Vaccine Study. N Engl J Med 2021.

7. World Health Organization. Interim recommendations for use of the AZD1222 (ChAdOx1-S (recombinant)) vaccine against COVID-19 developed by Oxford University and AstraZeneca. https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-vaccines-SAGE_recommendation-AZD1222-2021.1 (Accessed on February 11, 2021).

8. Folegatti PM, Ewer KJ, Aley PK, et al. Safety and immunogenicity of the ChAdOx1 nCoV-19 vaccine against SARS-CoV-2: a preliminary report of a phase 1/2, single-blind, randomised controlled trial. Lancet 2020; 396:467.

9. The effectiveness of the first dose of BNT162b2 vaccine in reducing SARS-CoV-2 infection 13-24 days after immunization: Real-world evidence. UNPUBLISHED. https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.01.27.21250612v1.full.pdf (Accessed on February 04, 2021).

10. Stephenson KE, Le Gars M, Sadoff J, et al. Immunogenicity of the Ad26.COV2.S Vaccine for COVID-19. JAMA 2021; 325:1535.

Các tin liên quan