Medsafe: Sử dụng thực phẩm bổ sung chứa kali có thể làm tăng kali máu

Gần đây, Trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc (CARM)/Medsafe đã nhận được báo cáo về trường hợp tăng kali máu trên một bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh thận mạn. Bệnh nhân này đang dùng một loại thực phẩm bổ sung chứa kali để hỗ trợ xương khớp. Sản phẩm này được cho là một yếu tố góp phần gây tăng kali máu trên bệnh nhân. Đây là báo cáo thứ tư mà CARM nhận được trong đó thực phẩm bổ sung hoặc chế phẩm có nguồn gốc thảo dược bị nghi ngờ là nguyên nhân gây tăng kali máu.

 

Tăng kali máu

Tăng kali máu được định nghĩa là nồng độ kali huyết thanh lớn hơn 5,3 mmol/L và thường phổ biến hơn ở người cao tuổi và bệnh nhân suy thận.

Tăng kali máu thường không có triệu chứng đặc hiệu. Một số trường hợp có biểu hiện triệu chứng như:

 

- Buồn nôn và nôn

 

- Đau cơ và yếu cơ

 

- Dị cảm

 

- Liệt 

 

- Thay đổi điện tâm đồ (ECG), đánh trống ngực và rối loạn nhịp tim.

Tăng kali máu nặng ( ≥7,0 mmol/L hoặc ≥5,4 mmol/L có triệu chứng hoặc thay đổi ECG kèm theo) có khả năng đe dọa tính mạng.

 

Thuốc và thực phẩm bổ sung có thể góp phần gây tăng kali máu

Các loại thuốc có thể gây tăng kali máu thông qua nhiều cơ chế khác nhau như ức chế hệ renin-angiotensin hoặc giảm bài tiết kali qua thận. Một số loại thuốc gây tăng kali máu bao gồm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), thuốc chống viêm không steroid (NSAID), spironolacton, thuốc bổ sung kali, thuốc chẹn beta, digoxin và trimethoprim.

 

Một số thảo dược trong thực phẩm bổ sung có chứa kali, bao gồm: cây tầm ma, hoa anh thảo, nghệ, bồ công anh. Ngoài ra, một số chất chứa kali khác có thể có trong thành phần hoặc tá dược như: phức hợp glucosamin sulfat-kali clorid.

 

Báo cáo tại New Zealand

Từ năm 1986 đến năm 2023, Medsafe và CARM nhận được 84 báo cáo ADR về tăng kali máu. Các loại thuốc nghi ngờ được báo cáo phổ biến nhất bao gồm thuốc ức chế ACE (21 báo cáo), trimethoprim hoặc cotrimoxazol (17 báo cáo), NSAID (9 báo cáo), spironolacton (6 báo cáo) và ARB (6 báo cáo).

 

Khuyến cáo khi  kê đơn

Đối với những bệnh nhân có nguy cơ tăng kali máu, nhắc nhở bệnh nhân đọc kỹ bảng thành phần và hỏi ý kiến cán bộ y tế trước khi dùng các thực phẩm bổ sung có chứa kali.

 

Đối với các trường hợp có tăng kali máu, cân nhắc các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung có thể là yếu tố nguy cơ và ngừng các thuốc hoặc thực phẩm bổ sung này nếu cần thiết.

 

Để tìm hiểu thêm thông tin về việc quản lý tăng kali máu, tham khảo các tài liệu hướng dẫn điều trị.

 

Yêu cầu về ghi nhãn thuốc

Từ ngày 1 tháng 3 năm 2024, nếu thuốc có liều tối đa kali hàng ngày lớn hơn 39 mg (tương đương 1 mmol) kali nguyên tố, thông tin sản phẩm của thuốc phải ghi rõ hàm lượng kali chứa trong mỗi đơn vị liều. Bảng thành phần của thuốc và Tờ thông tin thuốc dành cho bệnh nhân cần liệt kê cả các tá dược.

Nguồn: Potassium in dietary supplements may lead to hyperkalaemia (medsafe.govt.nz)

Điểm tin: SV. Nguyễn Ngọc Trúc
Hiệu đính: DS. Bùi Thị Phương Thảo; Phụ trách: ThS. Nguyễn Mai Hoa