Thông báo: HHS đã công bố kế hoạch bắt đầu cung cấp các mũi tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 vào mùa thu này. Ủy ban cố vấn độc lập của CDC, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng, sẽ tiếp tục họp và thảo luận về dữ liệu diễn biến của đại dịch và việc sử dụng vắc xin COVID-19. ACIP sẽ đưa ra khuyến nghị bổ sung về việc tiêm liều vắc xin bổ sung đối với cộng đồng sau khi xem xét kỹ lưỡng các bằng chứng.
Thông tin chính
- Những người bị suy giảm miễn dịch mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng dễ mắc COVID-19 do có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng và kéo dài.
- Những người có tổn thương hệ thống miễn dịch mức độ trung bình đến nghiêm trọng có thể không đạt được cùng mức đáp ứng miễn dịch với hai liều vắc-xin đầu so với những người không bị suy giảm miễn dịch.
- Ở những người có tổn thương hệ thống miễn dịch, việc tiêm một liều bổ sung có thể đem lại lợi ích trong đảm bảo hiệu quả bảo vệ đầy đủ chống lại COVID-19.
- CDC khuyến cáo những người bị suy giảm miễn dịch mức độ trung bình đến nghiêm trọng nên được tiêm bổ sung một liều vắc xin COVID-19 mRNA sau hai liều đầu tiên.
- Liều bổ sung nhằm tăng đáp ứng miễn dịch của những người bị suy giảm miễn dịch đối với hai liều vắc xin đầu, không giống như liều tăng cường, được tiêm cho những người khi phản ứng miễn dịch với những liều vắc xin chính có khả năng đã suy yếu theo thời gian.
- CDC KHÔNG khuyến nghị các liều bổ sung hoặc tiêm nhắc lại cho bất kỳ đối tượng nào khác tại thời điểm này.
- CDC khuyến cáo những người có tổn thương hệ thống miễn dịch mức độ trung bình đến nghiêm trọng nên tiêm bổ sung một liều vắc xin COVID-19 mRNA ít nhất 28 ngày sau khi tiêm liều thứ hai của vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 hoặc vắc xin Moderna COVID-19.
Dữ liệu về sự giảm đáp ứng miễn dịch ở những người bị suy giảm miễn dịch
Những người bị suy giảm miễn dịch mức độ trung bình đến nghiêm trọng chiếm khoảng 3% dân số trưởng thành và đặc biệt dễ mắc COVID-19 do có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng và kéo dài.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng một số lượng người bị suy giảm miễn dịch không đạt được hiệu quả miễn dịch như ở những người không bị suy giảm miễn dịch và việc tiêm một liều bổ sung có thể đem lại nhiều lợi ích trong đảm bảo hiệu quả bảo vệ đầy đủ chống lại COVID-19 ở những đối tượng này. Trong các nghiên cứu nhỏ, những người bị suy giảm miễn dịch được tiêm chủng đầy đủ đã chiếm một tỷ lệ lớn trong các “ca đột phá” nhập viện và điều đó cho thấy, những người suy giảm miễn dịch có nhiều khả năng truyền vi rút cho những người tiếp xúc trong gia đình.
Đối tượng nào nên tiêm bổ sung vắc xin COVID-19?
Hiện nay, CDC khuyến cáo những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng nên tiêm một liều bổ sung. Bao gồm các đối tượng:
- Đang được điều trị ung thư bao gồm điều trị khối u hoặc ung thư máu
- Đã được ghép tạng và hiện đang dùng thuốc ức chế miễn dịch
- Đã được ghép tế bào gốc trong vòng hai năm qua hoặc đang sử dụng thuốc để ức chế miễn dịch
- Suy giảm miễn dịch nguyên phát mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng (hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich)
- Nhiễm HIV giai đoạn tiến triển nặng hoặc không được điều trị
- Điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao hoặc các loại thuốc khác có khả năng ngăn chặn đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
Người bệnh nên trao đổi với các cơ sở y tế về tình trạng sức khỏe của bản thân và liệu việc tiêm bổ sung một liều vắc xin có phù hợp hay không.
Các câu hỏi thường gặp
Bao lâu sau khi tiêm các liều vắc xin COVID-19 ban đầu thì tôi có thể tiêm bổ sung một liều nữa?
CDC khuyến cáo nên tiêm bổ sung vắc-xin mRNA COVID-19 ít nhất bốn tuần sau khi tiêm liều thứ hai của vắc-xin COVID-19 Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
Có thể tiêm kết hợp các loại vắc xin hay không?
Những người đã được tiêm hai liều vắc xin COVID-19 Pfizer-BioNTech hoặc Moderna nên sử dụng liều thứ ba của cùng một loại vắc xin mRNA. Một người không nên tiêm nhiều hơn ba liều vắc-xin mRNA. Nếu thông tin về sản phẩm vắc xin mRNA được tiêm cho hai liều đầu tiên không sẵn có hoặc không rõ ràng, thì có thể sử dụng liều bổ sung là vắc xin COVID-19 mRNA.
Những người bị suy giảm miễn dịch đã tiêm vắc xin J&J/Janssen nên làm gì?
Bản sửa đổi EUA gần đây của FDA cũng như khuyến nghị của CDC, chỉ áp dụng cho vắc xin COVID-19 mRNA.
Dữ liệu mới đây đã chứng minh rằng việc bổ sung một liều vắc xin có khả năng làm tăng hiệu quả bảo vệ ở những người suy giảm dịch có đáp ứng miễn dịch kém hoặc không có đáp ứng miễn dịch sau khi đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 mRNA. Ở thời điểm này, chưa có đủ dữ liệu về sự cải thiện đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm một liều vắc xin bổ sung cùng loại trên những đối tượng suy giảm miễn dịch đã tiêm vắc xin Janssen COVID-19 của Johnson & Johnson.
Những lợi ích của người tiêm liều vắc xin bổ sung là gì?
Một liều bổ sung có thể ngăn ngừa tiến triển nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng bởi COVID-19 ở những người có thể không đáp ứng với những liều vắc xin đầu tiên. Trong các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra, vắc xin COVID-19 mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa COVID-19 sau hai liều đầu. Thông tin hạn chế cho thấy rằng những người bị suy giảm miễn dịch có khả năng bảo vệ thấp hoặc không có khả năng bảo vệ sau hai liều vắc xin mRNA có thể được tăng khả năng đáp ứng sau một liều bổ sung của cùng một loại vắc xin.
Những rủi ro của việc tiêm một liều vắc xin bổ sung là gì?
Thông tin hạn chế về các rủi ro khi tiêm một liều vắc xin bổ sung và tính an toàn, hiệu quả và lợi ích của liều vắc xin COVID-19 bổ sung ở những người bị suy giảm miễn dịch vẫn tiếp tục được đánh giá. Cho đến nay, các phản ứng được báo cáo sau khi tiêm liều vắc xin mRNA thứ ba tương tự như hai liều đầu: mệt mỏi và đau tại chỗ tiêm là những phản ứng phụ phổ biến nhất, và nhìn chung, hầu hết các triệu chứng đều ở mức độ nhẹ đến trung bình.
Tuy nhiên, cũng như hai liều vắc xin đầu, liều vắc xin bổ sung có thể gây ra phản ứng có hại rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.
Nguồn: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/recommendations/immuno.html
Điểm tin: CTV. Hoàng Hải Linh, CTV. Vương Thị Hương, ThS. Nguyễn Thị Tuyến