Cân nhắc nguy cơ vỡ động mạch chủ khi sử dụng kháng sinh nhóm quinolon: Ý kiến từ chuyên gia.

Gần đây, FDA đưa ra cảnh báo về nguy cơ vỡ động mạch chủ khi sử dụng quinolon; vấn đề này ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng như thế nào? Mời quý đồng nghiệp tham khảo bài viết từ tạp chí NEJM Journal Watch Infectious Diseases.

 

Fluoroquinolon là nhóm kháng sinh có vị trí quan trọng trọng điều trị nhiễm khuẩn từ nhiều năm nay. Trong 10 năm gần đây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra một số cảnh báo về các phản ứng có hại có thể gây tàn tật khi sử dụng nhóm kháng sinh này, trong đó có viêm gân và đứt gân. Đến tháng 7/2018, FDA tiếp tục cảnh báo fluoroquinolon có thể gây rối loạn cân bằng glucose nội môi, đặc biệt trên bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có sử dụng thuốc hạ đường huyết đường uống. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cũng đưa ra cảnh báo về tác dụng phụ gây tàn tật của fluoroquinolon và khuyến cáo không nên sử dụng nhóm kháng sinh này nếu vẫn có các lựa chọn khác hoặc khi chưa thực sự cần sử dụng kháng sinh. Trong đó, EMA đặc biệt lưu ý tình trạng sử dụng quinolon không hợp lý trong điều trị dự phòng ở bệnh nhân nhiễm trùng đường niệu tái phát và ngăn ngừa tiêu chảy khi đi du lịch.


Gần đây, FDA tiếp tục ghi nhận một tác dụng phụ khác ít phổ biến hơn nhưng nghiêm trọng hơn của fluoroquinolon: vỡ và nứt động mạch chủ. Nguy cơ vỡ/bóc tách động mạch chủ do quinolon là khoảng 1 đến 2 trường hợp trên 10 000 đợt điều trị. Nguy cơ này có thể không liên quan đến thời gian điều trị kéo dài nên cần lưu ý theo dõi bệnh nhân ngay cả khi mới bắt đầu điều trị.


Cơ chế của phản ứng có thể do fluoroquinolon làm giảm số lượng sợi collagen trong gân Achilles và động mạch chủ. Các nghiên cứu được công bố gần đây đã chứng minh nguy cơ bóc động mạch chủ và đứt gân Achilles khi dùng fluoroquinolon tăng gấp 2,5 đến 3 lần so với các nhóm đối chứng. Collagen còn đóng vai trò là thành phần quan trọng của thủy tinh thể và trong việc duy trì các liên kết trong võng mạc tuy nhiên chưa xác định được nguy cơ làm bong võng mạc của fluoroquinolon.


FDA khuyến cáo không nên kê đơn fluoroquinolon trên bệnh nhân có nguy cơ cao bị vỡ động mạch chủ trừ khi không có lựa chọn khác. Bệnh nhân có nguy cơ bao gồm: bệnh nhân đã có chẩn đoán phình động mạch chủ/động mạch khác, bệnh nhân tăng huyết áp hoặc mắc bệnh mạch máu ngoại biên; người cao tuổi; bệnh nhân mắc bệnh di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến cấu trúc collagen (như hội chứng Marfan và Ehlers-Danlos). Một điểm đặc biệt là bệnh nhân điều trị lâu năm với glucocorticoid có nguy cơ đứt gân cao nhưng không được đề cập trong cảnh báo này. 


Cảnh báo mới của FDA phần nào có mâu thuẫn với Hướng dẫn điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng (CAP) của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ. Hướng dẫn này khuyến cáo sử dụng fluoroquinolon ở bệnh nhân có nguy cơ cao, nhiều bệnh mắc kèm, bệnh nhân có nguy cơ mắc Streptococcus pneumoniae kháng thuốc. Tuy nhiên, những bệnh nhân này thường là người cao tuổi có huyết áp cao hoặc mắc bệnh mạch máu và bị FDA khuyến cáo tránh kê fluoroquinolon. Tỉ lệ kháng thuốc của S. pneumoniae đối với doxycyclin và các macrolid có thể lên tới từ 15% đến 30%, trong khi tỉ lệ kháng quinolon vẫn ở mức 1% hoặc thấp hơn. Vì thế, nếu không sử dụng quinolon trên những bệnh nhân này, số bệnh nhân được điều trị kháng khuẩn không đầy đủ có thể sẽ vượt quá số bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ.


Kết luận


Các phản ứng có hại của quinolon, trong đó có vỡ và bóc tách động mạch chủ, cần được cân nhắc trong đánh giá lợi ích và nguy cơ liên quan đến flouroquinolon. Ví dụ, cân bằng lợi ích - nguy cơ trên một bệnh nhân cao tuổi, tăng huyết áp nhẹ và bị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng nặng chắc chắn khác với một bệnh nhân bị phình động mạch chủ hoặc rối loạn collagen và được điều trị bằng flouroquinolon với một chỉ định không rõ ràng. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân ở giữa hai thái cực nay, việc đưa ra quyết định không hề đơn giản. Đặc biệt ở những môi trường như khoa cấp cứu và hồi sức tích cực, áp lực phải nhanh chóng đưa ra quyết định điều trị kháng khuẩn có thể ngăn cản việc cân nhắc kỹ lưỡng về nguy cơ gặp các tác dụng phụ hiếm gặp trên bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn nên được thông báo về nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ khi được kê đơn fluoroquinolon. Cần thêm dữ liệu để đánh giá kỹ hơn các lợi ích - nguy cơ của fluoroquinolon nhưng các hướng dẫn điều trị cần sớm được cập nhật để có khuyến cáo cụ thể cho cán bộ y tế về việc kê đơn quinolon.

 

Nguồn: https://www.jwatch.org/na48248/2019/02/13/adverse-effects-fluoroquinolones-where-do-we-stand?query=etoc_jwid&jwd=000020102030&jspc=PA

 

Điểm tin và lược dịch: Nguyễn Hoàng Anh (b), Võ Thị Thùy.

Các tin liên quan