ISMP: Kém hiệu quả trong điều trị bệnh giang mai do nhầm lẫn giữa hai dạng bào chế penicillin

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Treponema pallidum lây qua đường tình dục, đang gia tăng ở Canada. Thuốc được sử dụng đầu tay trong điều trị đối với giang mai nguyên phát, thứ phát, và giang mai thể tiềm tàng là penicillin G benzathin tiêm bắp (IM). Giang mai nếu không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ có thể lây sang người khác và có thể tiến triển gây ra các biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch, cơ xương khớp hoặc thậm chí tử vong. Nội dung dưới đây nhấn mạnh các vấn đề về việc nhầm lẫn giữa 2 dạng bào chế penicillin G, tích cực phát hiện các sai sót tại  bệnh viện giúp hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến bệnh nhân, và đề xuất những biện pháp liên quan đến kê đơn và cấp phát thuốc nhằm phòng ngừa các biến cố xảy ra.

 

Sai sót trong sử dụng thuốc

Bệnh nhân nhập khoa cấp cứu, được chẩn đoán giang mai và được chỉ định Penicillin G benzathin liều 2,4 triệu đơn vị tiêm bắp (IM). Tuy nhiên penicillin G natri 2,4 triệu đơn vị IM đã vô tình được sử dụng cho bệnh nhân. Một y tá đã phát hiện ra sai sót này sau khi tìm thấy các ống tiêm penicillin G benzathin vẫn còn trong tủ lạnh của khoa cấp cứu. Bệnh viện sau đó đã điều tra sự cố này và phát hiện đã có nhiều trường hợp tương tự liên quan đến tiêm nhầm penicillin G natri trong điều trị giang mai cho những bệnh nhân nghi ngờ hoặc được chẩn đoán xác định mắc bệnh.

 

Bối cảnh

Giang mai là một vấn đề rất đáng được quan tâm đối với sức khỏe cộng đồng, tỷ lệ mắc bệnh này đã tăng lên 153% từ năm 2014 đến 2018. Penicillin G benzathin là kháng sinh được ưu tiên lựa chọn điều trị do có tác dụng kéo dài, phù hợp để sử dụng đơn liều. Hướng dẫn điều trị hiện nay của Canada khuyến cáo tiêm bắp 1 liều duy nhất Penicillin G benzathin 2.4 triệu đơn vị với 2 mũi tiêm tại các vị trí nhiễm trùng khác nhau tùy thuộc loại giang mai (nguyên phát, thứ phát, giang mai thể tiềm tàng). Đối với các trường hợp mắc giang mai tiềm tàng có dấu hiệu muộn (latent or late latent stages) có thể tiêm bắp penicillin G benzathin 2.4 triệu đơn vị đến 3 liều một tuần, hoặc sử dụng Penicillin G natri IV (dùng đơn độc hoặc phối hợp dạng benzathin) để điều trị các biến chứng trên thần kinh, mắt, tai liên quan đến giang mai.

Tại Canada, các chế phẩm chứa penicillin G tồn tại ở cả dạng muối  benzathin và natri. Cả 2 dạng bào chế này đều chứa penicillin nhưng chúng không có khả năng thay thế trong điều trị. 

- Việc nhầm lẫn dạng muối natri và benzathin có thể gây ra tác dụng bất lợi cho bệnh nhân:

+ Đối với bệnh giang mai, điều trị không đảm bảo hiệu quả khi sử dụng Penicillin G natri thay thế cho Penicillin G benzathin

+ Nhầm lẫn penicillin G benzathin với penicillin G natri và tiêm penicillin G benzathin vào tĩnh mạch (IV) có thể dẫn đến ức chế hô hấp, ngưng tim và tử vong.


Bảng 1: Phân biệt Penicillin G benzathin và Penicillin G natri trong điều trị giang mai

Đặc tính

Penicillin G benzathin

Penicillin G natri

Dạng bào chế

Ống tiêm chứa 1,2 triệu đơn vị

Lọ bột để pha chứa 1,5 hoặc 10 triệu đơn vị

Bảo quản

Trong tủ lạnh

Trước hoàn nguyên: nhiệt độ phòng

Sau hoàn nguyên: để trong tủ lạnh

Đường dùng

chỉ tiêm bắp

tiêm tĩnh mạch

Thời gian tác dụng tương đối

có tác dụng kéo dài, có thể duy trì nồng độ điều trị trong một vài ngày

thời gian bán thải ngắn nên cần sử dụng nhiều liều một ngày để duy trì nồng độ điều trị


Bàn luận

Sau khi phát hiện ra các sai sót, bệnh viện đã rà soát các hồ sơ bệnh án trước đây để phát hiện sự cố tương tự có thể xảy ra và tiến hành phân tích, đánh giá nhằm truy tìm các nguyên nhân:

Các nguyên nhân được xác định như:

  • Thiếu nhận thức và/ hiểu biết về dạng muối tồn tại của Penicillin G cũng như tính chất dược lý khác nhau, chỉ định và bảo quản chúng
  • Ghi không đầy đủ, rõ ràng trên đơn thuốc
  • Thiếu sự đánh giá lại đơn thuốc của dược sĩ cho bệnh nhân được điều trị tại phòng cấp cứu
  • Thói quen của điều dưỡng khi penicillin G natri luôn sẵn có trong tủ cấp phát thuốc tự động

Bệnh viện cần đưa ra các biện pháp cảnh báo kịp thời,thông báo cho bệnh nhân và/hoặc các bác sĩ về các nguy cơ xảy ra sự cố sai sót trong y khoa nhằm đảm bảo an toàn trong điều trị cho bệnh nhân.

Bảng 2: Ví dụ về ghi không đầy đủ y lệnh dẫn đến việc xảy ra sai sót

Thành phần bị thiếu

Ví dụ

Thiếu dạng muối và tần suất sử dụng


Thiếu đường dùng


Thiếu tần suất sử dụng



Khuyến cáo

Nhóm chuyên gia đa ngành bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, phòng công nghệ thông tin và ban giám đốc bệnh viện phối hợp nhằm phân tích các sự cố sai sót và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện quy trình sử dụng thuốc tại bệnh viện.

- Bác sĩ kê đơn

+ Mỗi đơn kê penicillin phải ghi đầy đủ dạng muối, liều dùng, đường dùng, tần suất và thời gian tiêm.

+ Khi kê đơn penicillin G, ghi rõ chỉ định trong y lệnh

- Dược sĩ

+ Kiểm tra các đơn kêpenicillin G trước khi cấp phát đảm bảo đã ghi chính xác dạng muối tương ứng với chỉ định được kê đơn, cấp phát và quản lý.

+ Dán nhãn phụ cho penicillin G benzathin, ghi rõ “Chỉ dùng để tiêm bắp”.

- Điều dưỡng

+ Nếu penicillin G được chỉ định mà y lệnh không ghi rõ thông tin về dạng muối, cần trao đổi với bác sĩ để xác định đúng thuốc sẽ dùng.

- Phòng công nghệ thông tin

+ Đảm bảo trên phần mềm kê đơn điện tử và/hoặc hệ thống thông tin tại nhà thuốc, chế độ hiển thị mặc định đối với penicillin G natri là sử dụng đường tiêm tĩnh mạch và penicillin G benzathin là đường tiêm bắp

+ Bổ sung cảnh báo “Chỉ dùng tiêm bắp”, “Bảo quản trong tủ lạnh” đối với penicillin G benzathin trên phần mềm kê đơn điện tử, những cảnh báo này nên đồng thời hiển thị trên cả đơn thuốc giấy và đơn thuốc điện tử

+ Cân nhắc xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định trong phần mềm kê đơn điện tử, hệ thống thông tin tại nhà thuốc, hệ thống quản lý thuốc của điều dưỡng và/hoặc hệ thống cấp phát thuốc tự động để cảnh báo các bác sĩ thận trọng kiểm tra các chỉ định penicillin G cho bệnh nhân.

- Ban giám đốc bệnh viện

+ Ra quyết định phổ biến thông tin này cho toàn bộ cán bộ, bác sĩ và nhân viên y tế trong bệnh viện nhằm góp phần nâng cao nhận thức về nguy cơ nhầm lẫn dạng muối penicillin G và nguy cơ gây phản ứng bất lợi cho bệnh nhân.

- Các đơn vị điều trị khác

+ Thông tin cho các bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh giang mai có thể được tiêm bắp 2 mũi cho mỗi lần điều trị/liều. Nếu bệnh nhân chỉ được tiêm 1 mũi, kiểm tra lại với nhân viên y tế để xác định thuốc và liều lượng sử dụng đã chính xác chưa.

+ Trong quá trình theo dõi điều trị, nếu bệnh nhân không đáp ứng kể cả khi sử dụng penicillin, cần xem xét đó có thể là một sai sót trong sử dụng thuốc để chẩn đoán phân biệt với các trường hợp khác

 

Kết luận

Các ca mắc giang mai đang ngày càng gia tăng tại Canada kéo theo tăng nhu cầu sử dụng penicillin G benzathin. Cần thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa, giảm khả năng nhầm lẫn giữa các dạng muối khác nhau của penicillin G để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Khuyến khích các bệnh viện và các đơn vị điều trị bệnh nhân mắc bệnh giang mai xem xét, đánh giá lại quá trình thực hành lâm sàng, đưa ra các biện pháp giúp cải tiến hệ thống vận hành tại đơn vị để đảm bảo kê đơn, cấp phát và sử dụng penicillin G benzathine an toàn và phù hợp.

 

Nguồn: https://ismpcanada.ca/wp-content/uploads/ISMPCSB2023-i3-Pen-G-Benzathine.pdf

Điểm tin:  CTV. Nguyễn Phương Thảo, CTV. Đặng Thùy Tiên

Phụ trách: DS. Nguyễn Thị Cúc