ANSES: Nguy cơ tăng huyết áp khi lạm dụng cam thảo

Mới đây, sau quá trình đánh giá, Cơ quan An toàn Thực phẩm, Môi trường và Sức khỏe lao động Quốc gia Pháp (ANSES) đã đưa ra kết luận rằng việc sử dụng lượng lớn và thường xuyên cam thảo trong thời gian dài có thể gây ra các tình trạng hạ kali máu và cao huyết áp, từ đó, gia tăng nguy cơ gặp các biến cố tim mạch. Đáng chú ý, một số đối tượng bệnh nhân có nguy cơ cao gặp các biến cố bất lợi này, bao gồm: phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, trẻ em, bệnh nhân đang mắc các bệnh lý về tim mạch (đặc biệt là tăng huyết áp), bệnh lý trên gan và thận. Do đó, ANSES khuyến cáo nhà sản xuất cần liệt kê cam thảo hoặc hoạt chất chính có trong cam thảo (axit glycyrrhizinic) trên nhãn đối bất kỳ sản phẩm nào chứa thành phần này, kể cả khi chiếm hàm lượng rất nhỏ.

 

Cam thảo thường được sử dụng trong các thực phẩm bổ sung do rễ cam thảo có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Axit glycyrrhizinic là một hoạt chất chính trong cam thảo và dạng muối amoni của hoạt chất này hiện được cấp phép sử dụng với vai trò hương liệu dùng cho thực phẩm tại châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu cũng yêu cầu cần thông tin về sự có mặt của cam thảo trong bảng thành phần của sản phẩm trong trường hợp nồng độ của thành phần này cao hơn so với ngưỡng quy định trong thực phẩm và đồ uống. Cụ thể, nhãn sản phẩm phải đề cập rõ nội dung "có chứa cam thảo/bệnh nhân tăng huyết áp nên tránh tiêu thụ quá mức".

ANSES đã tiến hành phân tích trên hơn 100 trường hợp bệnh nhân gặp biến cố bất lợi liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm có chứa cam thảo. Dữ liệu về các trường hợp này được thu thập bởi hệ thống giám sát các phản ứng có hại liên quan đến thực phẩm (Nutrivigilance) và các trung tâm kiểm soát chất độc (CAP). Các biến cố bất lợi được ghi nhận trong các ca bệnh này cũng như trong các tài liệu y văn bao gồm: hạ kali máu và tăng huyết áp có nguy cơ gây ra các biến chứng tim mạch. Các biến cố này thường liên quan đến việc sử dụng nhiều và thường xuyên các loại đồ uống và bánh kẹo có chứa cam thảo.

Ngoài ra, cam thảo có khả năng gây tương tác với một số nhóm thuốc như thuốc lợi tiểu hạ kali, thuốc nhuận tràng, glucocorticoid, digoxin, thuốc điều trị tăng huyết áp và các loại thuốc có khả năng gây xoắn đỉnh.

Dựa trên ngưỡng tối đa cho phép của cam thảo có trong thực phẩm, ANSES lưu ý rằng khoảng 60% người lớn và hơn 40% trẻ em đang sử dụng cam thảo vượt mức gây ra độc tính được quy ước trong khảo sát.

Do đó, ANSES khuyến cáo cần thông báo cho người tiêu dùng về sự có mặt của cam thảo trên nhãn của bất cứ sản phẩm nào có chứa cam thảo, kể cả với hàm lượng nhỏ.


Khuyến cáo dành cho người tiêu dùng

- Hạn chế sử dụng tích lũy cam thảo từ các sản phẩm chứa cam thảo như đồ uống, siro, bánh kẹo, trà thảo mộc hoặc thực phẩm bổ sung;

- Thông báo với nhân viên y tế về việc sử dụng cam thảo đối với các trường hợp đang mắc bệnh lý tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp hoặc bệnh lý suy thận, suy gan hoặc hạ kali máu, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, cũng như các trường hợp nghi ngờ liên quan đến tương tác thuốc.

 

 

Nguồn: https://www.anses.fr/fr/content/reglisse-attention-la-surconsommation-pour-eviter-les-risques-dhypertension

Điểm tin: SV. Vũ Thị Kim Dung & DS. Bùi Thị Phương Thảo

Hiệu đính: DS. Hoàng Hải Linh