Medsafe: Nguy cơ hạ natri máu do thuốc trên người cao tuổi

Hạ natri máu có thể không có triệu chứng

Hạ natri máu (nồng độ natri trong huyết thanh thấp) là một rối loạn điện giải phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Khi nồng độ natri trong huyết tương hạ xuống dưới 135 mmol/L thì được coi là hạ natri máu.

 

Các biểu hiện và triệu chứng của hạ natri máu có thể nhẹ và không đặc hiệu (như mệt mỏi, buồn nôn) cho đến nghiêm trọng (như co giật, hôn mê). Hạ natri máu có thể không có triệu chứng.

 

Ở người cao tuổi, hạ natri máu có thể kèm theo suy giảm nhận thức, rối loạn dáng đi, ngã và gãy xương.


Tình trạng lão hóa góp phần làm tăng nguy cơ hạ natri máu

Sự suy giảm chức năng thận, khả năng cô đặc nước tiểu và các thay đổi trong cơ chế cân bằng nội môi ở người cao tuổi có thể góp phần làm tăng nguy cơ hạ natri máu. Tuy nhiên, nguy cơ hạ natri máu ở người cao tuổi có thể liên quan đến một số yếu tố khác như:

 

- Bệnh mắc kèm: suy tim sung huyết, bệnh thận mạn tính, bệnh lý thần kinh, đái tháo đường, suy giáp và bệnh ác tính

 

- Sử dụng thuốc: thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin (SSRI), thuốc chống loạn thần và carbamazepin

 

- Sử dụng nhiều thuốc (polypharmacy): sử dụng thuốc liều cao hoặc dùng nhiều thuốc đồng thời

 

Các yếu tố nguy cơ khác ở người cao tuổi: giới tính nữ, nhẹ cân, nồng độ natri trong huyết thanh bình thường thấp


Các báo cáo tại New Zealand

Trong giai đoạn 2000 - 2023, Medsafe và CARM đã ghi nhận 288 báo cáo ca hạ natri máu, trong đó có 208 ca là bệnh nhân trên 65 tuổi

Bảng 1 tổng hợp các loại thuốc nghi ngờ được báo cáo thường xuyên nhất (theo nhóm thuốc) trong số các báo cáo ca hạ natri máu ở bệnh nhân trên 65 tuổi.


Bảng 1: Các nhóm thuốc nghi ngờ gây hạ natri máu ở bệnh nhân trên 65 tuổi (số liệu từ 1/1/2000 - 31/12/2023) 

 

Nhóm thuốc

Thuốc nghi ngờ

Số lượng báo cáo ca

Thuốc lợi tiểu

Bendroflumethiazid

35

Clortalidon

8

Thuốc ức chế bơm proton

Omeprazol

22

Thuốc chống trầm cảm

Citalopram

19

Fluoxetin

14

Paroxetin

9

Escitalopram

6

Venlafaxin

7

Thuốc chống động kinh

Carbamazepin

8

Thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II

Cilazapril

6

Kháng sinh

Trimethoprim

6

Các thuốc khác

Colecalciferol

12

 

Cân nhắc kê đơn

Nhiều thuốc có thể gây hạ natri máu. Cần đọc kỹ tờ thông tin sản phẩm của thuốc. Khi kê đơn các thuốc gây hạ natri máu cho người cao tuổi, nhân viên y tế cần lưu ý những điều sau:

 

- Thận trọng khi dùng thuốc

 

- Cân nhắc giảm liều hoặc sử dụng các liệu pháp điều trị thay thế nếu cần dùng kết hợp nhiều thuốc có thể gây hạ natri máu

 

- Các ca hạ natri máu đa số xảy ra trong vài tuần đầu dùng thuốc. Tuy nhiên, tình trạng hạ natri máu có thể xảy ra trong cả quá trình điều trị nếu xuất hiện các yếu tố nguy cơ hoặc có bệnh mắc kèm. 

 

- Xét nghiệm nồng độ natri máu trước và ngay sau khi bắt đầu điều trị. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ nồng độ natri máu trong suốt quá trình điều trị

 

- Nếu bệnh nhân gặp tình trạng hạ natri máu do thuốc, cần kiểm soát nồng độ natri máu của bệnh nhân và ngừng sử dụng thuốc nghi ngờ ngay lập tức.

 

Tóm tắt

 

- Hạ natri máu (nồng độ natri huyết thanh thấp) là một rối loạn điện giải phổ biến ở người cao tuổi

 

- Thuốc là một nguyên nhân phổ biến gây hạ natri máu

 

- Người cao tuổi có nguy cơ cao gặp hạ natri máu hơn do nhiều yếu tố nguy cơ. Cần thận trọng khi sử dụng các thuốc có khả năng gây hạ natri máu ở người cao tuổi.

 

 

Nguồn: Medicine-induced hyponatraemia: increased risks in older people (medsafe.govt.nz)

Điểm tin: SV. Lê Minh Hiệp

Hiệu đính: DS. Nguyễn Hà Nhi; Phụ trách: ThS. DS. Nguyễn Mai Hoa