COVID-19, thuốc ức chế men chuyển angiotensin và thuốc ức chế thụ thể angiotensin: bằng chứng là gì?

Hiện tại, dịch COVID-19 là một đại dịch truyền nhiễm gây ra bởi virus có ARN dương sợi đơn có tên là virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng 2 (SARS-CoV-2). Khả năng lây nhiễm đặc biệt của virus này, cùng với tỉ lệ tử vong trong khoảng 1% đến hơn 5%, đã làm dấy lên các mối lo ngại trên toàn cầu. Những bệnh nhân cao tuổi (với các bệnh nền như bệnh về phổi, tim, thận, đái tháo đường, và tăng huyết áp) thường có tỉ lệ tử vong cao hơn. Điều này gợi ý đây là nhóm bệnh nhân nhạy cảm dễ bị tình trạng nặng hơn khi mắc bệnh này.

 

Mối liên quan giữa bệnh tăng huyết áp và sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do COVID-19 đã được quan sát trong một số nghiên cứu dịch tễ học đầu tiên mô tả các đặc điểm của dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Chaomin Wu và cộng sự đã chỉ ra tỉ số nguy cơ (HR) tử vong và hội chứng suy hô hấp cấp tính của tăng huyết áp lần lượt là 1,7 và 1,82 khi phân tích trên 201 bệnh nhân mắc COVID-19. Fei Zhou và cộng sự khi phân tích trên 191 bệnh nhân mắc COVID-19 đã cho thấy tỉ số nguy cơ tử vong nội viện của tăng huyết áp là 3,05.

 

Hai nghiên cứu trên đều không điều chỉnh các biến gây nhiễu trong phân tích, do đó vẫn chưa rõ mối liên quan này có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của tăng huyết áp hay liên quan đến các bệnh lý mắc kèm hoặc biện pháp điều trị khác áp dụng trên bệnh nhân. Một mối lo ngại ngày càng gia tăng đó là mối liên quan giữa tỉ lệ bệnh tật và tử vong với bệnh tăng huyết áp có thể bị gây nhiễu bởi việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đặc hiệu bao gồm: thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEI) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB).

 

Mối liên quan trên được dấy lên vì sự liên quan đã được biết đến giữa enzym chuyển angiotensin 2 (ACE2) với virus SARS-CoV-2. ACE2 đã được chứng minh là một đồng thụ thể cho sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 và ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy enzym này có vai trò kéo dài thời gian gây bệnh trong bệnh sinh của COVID-19. ACE2 có tỉ lệ biểu hiện rộng rãi trong cơ thể người, trong đó nhấn mạnh nhất là sự có mặt của enzym này tại hệ tiêu hóa, tim và thận. Bên cạnh đó, nhiều dữ liệu gần đây có báo cáo ACE2 còn xuất hiện trong các tế bào phế nang loại II ở phổi. Một số chuyên gia lo ngại rằng ACEI và ARB làm tăng gấp đôi mức độ nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong của COVID-19. Một gợi ý đó là ACEI có thể ức chế trực tiếp ACE2 nhưng ACE2 hoạt động như một carboxypeptidase và không bị ức chế bởi các thuốc ACEI được kê đơn trên lâm sàng.

 

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại việc sử dụng ACEI và ARB sẽ có thể làm tăng biểu hiện của ACE2, tăng tính nhạy cảm của bệnh nhân với sự xâm nhập và nhân lên của virus trong tế bào chủ. Nhiều bằng chứng thực nghiệm trên động vật cũng như một số bằng chứng trên người cho thấy sự gia tăng biểu hiện của ACE2 tại tim, não, và thậm chí trong nước tiểu sau khi điều trị bằng ARB, nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy sự thay đổi về nồng độ ACE2 trong huyết thanh hoặc phổi. Hơn nữa, tác động của sự biểu hiện ACE2 trong cơ chế bệnh sinh và tỉ lệ tử vong của COVID-19 vẫn chưa được biết đến rõ ràng.

 

ACE2 chủ yếu hoạt động nhằm giữ cân bằng với tác dụng của ACE. Khi ACE tạo angiotensin II từ angiotensin I, ACE2 liên kết với các thụ thể Mas tạo ra angiotensin (1-7) từ angiotensin II, hệ quả làm dịch chuyển cân bằng từ tác dụng co mạch gây ra bởi angiotensin II sang giãn mạch do kích hoạt thụ thể Mas trên các mạch máu đó. Vai trò của tác dụng giãn mạch này trong bệnh sinh của COVID-19 còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một số dữ liệu thực nghiệm trên động vật gợi ý có liên quan. Cụ thể, một số mô hình gây tổn thương phổi khác nhau đã chỉ ra vai trò bảo vệ của ACE2 và angiotensin.

 

Trong mô hình gây tổn thương phổi do nhiễm toan ở chuột, điều biến giảm nồng độ ACE2 do virus SARS-CoV, loại virus SARS gây ra sự bùng phát dịch SARS năm 2003, gây ra tổn thương phổi nặng hơn và tình trạng này được cải thiện bằng biện pháp điều trị với ARB. Điều này gợi ý việc giảm nồng độ ACE2 tạo điều kiện cho virus SARS-CoV làm trầm trọng thêm tổn thương phổi và việc dùng ARB có thể làm đảo ngược được tình trạng này. Mặc dù những dữ liệu tiền lâm sàng này cho thấy việc tăng biểu hiện của ACE2 có thể làm giảm tổn thương phổi gây ra bởi virus SARS-CoV-2, không có bằng chứng lâm sàng trực tiếp chứng minh rằng ACE2 có hiệu quả trong điều trị tổn thương phổi do virus. Đáng chú ý, một thử nghiệm tiến hành trên 10 bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính được truyền dịch chứa ACE2 đã kết thúc tuy nhiên hiệu lực nghiên cứu không đủ để chỉ ra hiệu quả trên chức năng phổi. Thậm chí còn rất ít bằng chứng chứng minh rằng điều trị bằng ACEI và ARB có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tổn thương phổi do virus SARS-CoV-2, mặc dù dữ liệu tiền lâm sàng cho thấy tiềm năng có lợi của các loại thuốc này.

 

Mặc dù không có đầy đủ bằng chứng, nhiều ý kiến ủng hộ cho cả việc sử dụng và ngừng sử dụng ACEI, ARB, hoặc cả hai trong quá trình điều trị COVID-19 ở bệnh nhân tăng huyết áp. Điều này đã làm cho một số cá nhân có xu hướng thay đổi các loại thuốc điều trị tăng huyết áp của họ và các bác sĩ cũng dần cảm thấy không chắc chắn về những gì nên làm vào lúc này. Những thay đổi trong thuốc điều trị tăng huyết áp sẽ khiến các bệnh nhân phải đến nhà thuốc và có thể sẽ phải xét nghiệm máu nếu cần thiết. Điều này sẽ làm tăng khả năng phơi nhiễm với virus. Bên cạnh đó, việc thay đổi các thuốc điều trị tăng huyết áp giữa các nhóm thuốc sẽ khiến cần thường xuyên phải chỉnh liều dùng cũng như quản lý các tác dụng không mong muốn của thuốc. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sai sót y khoa.

 

Đáp lại, Hội đồng về Tăng huyết áp của Hội Tim mạch Châu Âu (Council on Hypertension of the European Society of Cardiology) đã đưa ra tuyên bố: “Hội đồng về Tăng huyết áp khuyến cáo các bác sĩ và bệnh nhân nên tiếp tục điều trị tăng huyết áp bằng liệu pháp thông thường do không có bằng chứng lâm sàng hay khoa học nào cho thấy nên ngừng điều trị bằng ACEI hoặc ARB do mắc COVID-19”. Nhiều tuyên bố của các hiệp hội khác cũng tương tự như tuyên bố trên, cho thấy bệnh nhân nên tiếp tục sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp đã được chỉ định. Vào ngày 17 tháng 3 năm 2020, Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), Hội Suy tim Hoa Kỳ (HFSA), và Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) cùng đưa ra tuyên bố chung khuyến khích các bệnh nhân, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, nên tiếp tục sử dụng các thuốc ACEI và ARB theo đơn kê và chỉ thay đổi thuốc sau khi  được đánh giá và cân nhắc đầy đủ bởi chuyên gia.

 

Hiện tại, không có đủ các bằng chứng lâm sàng hay khoa học để xác định cách thức quản lý phù hợp bệnh tăng huyết áp trong bối cảnh dịch COVID-19. Do vậy, điều này tạo cơ hội cho cộng đồng các nhà nghiên cứu đưa ra các thông tin chi tiết hơn về  hệ renin-angiotensin và cụ thể là ACE2 trong bệnh sinh của COVID-19. Đồng thời, các dữ liệu lâm sàng cũng được tập hợp lại để xác định xem liệu có mối liên quan giữa việc sử dụng ACEI, ARB hoặc cả hai loại thuốc này với tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do COVID-19 hay không. Cho đến khi có nhiều dữ liệu hơn nhằm chỉ dẫn quyết định lâm sàng, các bác sĩ cần sẵn sàng lắng nghe những lo lắng của bệnh nhân, đưa ra lời khuyên về thuốc điều trị tăng huyết áp để các bệnh nhân an tâm hơn trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. 

 

Nguồn: https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2763803?guestAccessKey=de1e4257-3d3f-4ec4-820f-dfd95fafbc56&utm_source=silverchair&utm_medium=email&utm_campaign=article_alert-jama&utm_content=olf&utm_term=032420

Người dịch: Ngô Phước Long, Nguyễn Thị Thu Thủy

Các tin liên quan