ANSM: Nhắc lại việc sử dụng hợp lý amoxicilin đường tiêm trong giảm thiểu nguy cơ lắng cặn tinh thể trong nước tiểu

 
   Nguy cơ xuất hiện cặn tinh thể trong nước tiểu khi điều trị bằng amoxicilin đã được ghi nhận. Nguy cơ này chủ yếu được báo cáo với dạng tiêm, có hoặc không phối hợp với acid clavulanic, trong điều trị hoặc dự phòng kháng sinh.
Từ năm 2010, số lượng ca được báo cáo cho các TT Cảnh giác dược đã gia tăng. Do đó, một cuộc khảo sát về cảnh giác dược đã được thực hiện để nghiên cứu đặc biệt về các yếu tố có thể thúc đẩy xuất hiện cặn tinh thể trong nước tiểu ở bệnh nhân được điều trị bằng amoxicilin natri (dạng tiêm).
Khuyến cáo dành cho NVYT để làm giảm nguy cơ xuất hiện cặn tinh thể nước tiểu:
* Tuân thủ chế độ liều, chuẩn bị và cách tiêm truyền:
 
- Với điều trị bằng amoxicilin đơn độc, lưu ý tuân thủ:
+ Liều tối đa trong ngày là 200 mg/kg/ngày không vượt quá 12 g/ngày
+ Liều tối đa là 2 g/lần truyền và truyền chậm (từ 20-30 phút)
+ Khoảng thời gian từ khi hoàn nguyên thuốc đến khi kết thúc truyền: tối đa 1 giờ (nếu pha loãng bằng dung dịch glucose) hoặc tối đa 6 giờ (nếu pha loãng trong huyết thanh sinh lý)
 
- Với dự phòng bằng dạng phối hợp amoxicilin/acid clavulanic, cần tuân thủ:
+ Liều tối đa 2g/200mg/lần truyền và truyền chậm (từ 30-40 phút)
+ Thể tích hoàn nguyên: 50 mL đến 100 mL tùy theo chế phẩm
+ Dịch pha truyền: không dùng dung dịch glucose để pha
+  Khoảng thời gian từ khi hoàn nguyên thuốc đến khi kết thúc truyền: tối đa 1 giờ.
 
* Đảm bảo bù đủ nước cho bệnh nhân để duy trì chức năng tiết niệu
* Kiềm hóa nước tiểu (pH trung tính đến kiềm) ở những bệnh nhân có 1 hoặc nhiều yếu tố nguy cơ
* Theo dõi thường xuyên chức năng thận và lượng nước tiểu của bệnh trong quá trình điều trị
* Nếu điều trị bằng kháng sinh liều cao, định lượng lượng amoxicilin huyết thanh để hiệu chỉnh liều cho phù hợp.
 

Điểm tin: Dương Khánh Linh