Một nghiên cứu hồi cứu được thực hiện tại Scandinavia cho thấy không có sự tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh sau khi người mẹ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiêm phòng COVID-19 trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Phụ nữ nhiễm SARS-CoV-2 trong thời kỳ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng và gặp biến chứng thai kỳ, nên việc tiêm phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai được khuyến cáo rộng rãi. Các nghiên cứu hậu mại về vắc-xin cho thấy không có nguy cơ cao gặp biến chứng thai kỳ sau khi tiêm chủng, nhưng dữ liệu về nguy cơ dị tật bẩm sinh sau khi nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19 trong 3 tháng đầu thai kỳ còn hạn chế.
Nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu đăng ký khai sinh quốc gia, bao gồm 343.000 trẻ sơ sinh đơn thai được thụ thai trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 2 năm 2022 ở Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và được theo dõi ít nhất 9 tháng sau sinh. Tỷ lệ dị tật bẩm sinh trong 10.000 trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm SARS-CoV-2 trong 3 tháng đầu thai kỳ tương đương tỷ lệ trẻ sơ sinh có mẹ không bị nhiễm (OR hiệu chỉnh 0,96). Tỷ lệ mắc từng loại dị tật không có sự khác nhau giữa nhóm trẻ sơ sinh phơi nhiễm và không phơi nhiễm (bất kể biến thể SARS-CoV-2).
Trong số 152.000 trẻ sơ sinh được thụ thai sau khi người mẹ được tiêm phòng vắc-xin COVID-19 (dữ liệu vào tháng 1 năm 2021), 29.000 trẻ sơ sinh có mẹ được tiêm vắc-xin trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tỷ lệ dị tật bẩm sinh trong nhóm này tương tự như nhóm trẻ có mẹ không được tiêm vắc-xin (aOR, 1,03). Tỷ lệ mắc từng loại dị tật giữa trẻ sơ sinh phơi nhiễm và không phơi nhiễm (bất kể loại vắc-xin nào) là không có sự khác biệt.
Nghiên cứu này là nghiên cứu lớn nhất cho đến nay về dị tật bẩm sinh trên trẻ sau khi người mẹ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiêm phòng COVID-19 trong 3 tháng đầu thai kỳ. Kết quả ủng hộ các khuyến cáo tiêm phòng cho phụ nữ có thai. Ngoài ra, không ghi nhận sự tăng tỷ lệ dị tật theo các phân nhóm loại dị tật, chủng vi-rút hoặc loại vắc-xin cụ thể; tuy nhiên, khoảng tin cậy tỷ suất chênh giữa các phân nhóm tương đối rộng.