HAS: Sử dụng hợp lý thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Thực trạng sử dụng rộng rãi và lạm dụng quá mức PPIs

 

Vào năm 2019, hơn 16 triệu người Pháp (khoảng 1/4 dân số) có sử dụng PPI. Trong đó, hơn một nửa số trường hợp sử dụng thuốc không có chỉ định. Các thuốc này thường được kê đơn một cách rập khuôn hoặc trong thời gian quá dài. Trước tình hình đó, Uỷ ban minh bạch đã xác nhận tầm quan trọng của việc duy trì hoàn trả tiền thuốc trong khuôn khổ của giấy phép lưu hành, đồng thời khuyến cáo thận trọng hơn khi kê đơn PPI.  

 

Phòng ngừa loét dạ dày tá tràng

 

Các thuốc PPI được kê đơn không cần thiết trong 80% trường hợp với mục đích ngăn ngừa tổn thương dạ dày tá tràng do NSAID ở những bệnh nhân không có nguy cơ gặp biến chứng dạ dày tá tràng. 

 

Chỉ cân nhắc kê đơn đồng thời PPI và NSAID để phòng ngừa khi có các yếu tố nguy cơ trong các trường hợp sau: 

+ Người từ 65 tuổi trở lên;

+ Người có tiền sử loét dạ dày hoặc tá tràng (trong trường hợp này phải phát hiện và điều trị nhiễm vi khuẩn H. pylori);

+ Người sử dụng NSAID phối hợp với các thuốc chống kết tập tiểu cầu (đặc biệt là aspirin liều thấp và clopidogrel) và/hoặc corticosteroid và/hoặc thuốc chống đông máu (về nguyên tắc nên tránh phối hợp các thuốc kể trên). 

 

PPI nên được ngưng sử dụng cùng lúc với NSAID. 

 

PPI không có tác dụng ngăn ngừa các biến chứng tiêu hoá do thuốc APA/chống đông máu (không có NSAID) ở những bệnh nhân có nguy cơ gặp biến chứng thấp (đặc biệt không có tiền sử UGD hoặc xuất huyết tiêu hoá trên). 

 

Trào ngược dạ dày thực quản

 

Bắt đầu điều trị: tối đa 4 tuần, chỉ trong trường hợp ợ chua, bỏng dạ dày sau ăn hoặc trào ngược acid. 

 

Khuyến cáo sử dụng liều PPI trong điều trị triệu chứng ban đầu của GERD (không có viêm thực quản) ở người lớn:

+ Nửa liều đối với esomeprazol, lansoprazol, pantoprazol và rabeprazol;

+ Đủ liều đối với omeprazol. 

 

Các trường hợp có dữ liệu lâm sàng đáng tin cậy ở người lớn nhưng không được cân nhắc sử dụng PPI:

+ khi “ợ nóng chức năng";

+ để giảm biểu hiện ngoài tiêu hoá bao gồm triệu chứng tai mũi họng, ho mạn tính, hen suyễn hoặc đau ngực nguyên nhân không do tim (nếu không ghi nhận GERD, không nên kê đơn PPI để điều trị thử nghiệm). 

 

Theo dữ liệu lâm sàng, không điều trị bằng PPI cho phần lớn trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản không do bệnh lý. Nếu có lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa, có thể kê đơn cho trẻ em trên1 tháng tuổi bị GERD dai dẳng khi có kèm theo các biến chứng hoặc xuất hiện ở một vùng cụ thể. Cần nghiên cứu căn nguyên nếu tình trạng nôn mửa tái diễn. 

 

Thay đổi phương pháp điều trị: cần thường xuyên đánh giá lại phương pháp điều trị. 

 

Có rất ít cơ sở cho việc điều trị bằng PPI dài hạn do có nguy cơ gây phản ứng có hại liên quan đến đa dược học, đặc biệt là ở người cao tuổi. Bất kỳ chỉ định PPI nào cũng cần được đánh giá lại về hiệu quả, mức độ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, tác dụng không mong muốn và tương tác thuốc. 

 

Điều trị PPI dài hạn phụ thuộc vào căn nguyên và diễn biến của các triệu chứng. Bệnh mạn tính có thể là một nguyên nhân kéo dài điều trị.

 

Trong trường hợp không có lời khuyên trực tiếp của bác sĩ, cần tham khảo tư vấn của dược sĩ cấp phát thuốc về thông tin tương tác thuốc, tác dụng không mong muốn và lý do điều trị kéo dài. Người kê đơn và dược sĩ cần phối hợp và xem xét kỹ lưỡng thông tin tiền sử bệnh nhân để quyết định dừng điều trị PPI. 

 

 

Nguồn: https://www.has-sante.fr/jcms/p_3380481/fr/fiche-bon-usage-des-inhibiteurs-de-la-pompe-a-protons-ipp

Điểm tin: CTV. Nguyễn Ngọc Quỳnh Trang, CTV. Phùng Ngọc Mai, CTV. Nguyễn Hà Nhi

Phụ trách: DS. Nguyễn Thị Cúc