Dữ liệu về Covid-19 ở trẻ em

Cho tới nay, phần lớn dữ liệu về Covid-19 ở trẻ em đến từ các nghiên cứu của Trung Quốc. Tạp chí Pediatrics (2020, doi: 10.1542/peds.2020-0702) vừa công bố một bài báo mô tả đặc điểm lâm sàng của 2143 bệnh nhi Trung Quốc (trong đó có 731 ca chẩn đoán xác định) trong khoảng thời gian từ ngày 16/01 đến 08/02/2020. Độ tuổi trung bình bệnh nhân nhi trong nghiên cứu là 7 tuổi. Có 2016 ca (chiếm 94%) không có triệu chứng hoặc có triệu chứng ở mức trung bình. Triệu chứng ở 112 ca được đánh giá ở mức nghiêm trọng (suy hô hấp với độ bão hòa oxy <92%), trong số đó có 60% bệnh nhân dưới 5 tuổi và 30% dưới 1 tuổi. 13 ca còn lại được coi là có tình trạng nguy kịch (hội chứng suy hô hấp cấp tính và/hoặc suy tạng). Có 7 ca dưới 1 tuổi và một bệnh nhi 14 tuổi tử vong. Dữ liệu về bệnh mắc kèm ở trẻ em chưa được ghi nhận trong nghiên cứu.

 

Tương tự với nghiên cứu trước đó, nhiều bài báo nhấn mạnh tần suất hiếm gặp của các ca bệnh nghiêm trọng ở trẻ em. Nguyên nhân của ảnh hưởng nhẹ hơn trên trẻ em chưa được biết rõ. Một số giả thuyết đã được đưa ra, như là sự chưa hoàn thiện của các thụ thể enzym chuyển hóa angiotensin II (ACE2) (có thể là cửa ngõ để virus đi vào cơ thể người) hoặc do sự tăng cường đáp ứng miễn dịch ở trẻ do phơi nhiễm nhiều với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mùa lạnh (Eur Respir J, 2020; doi: 10.1183/13993003.00749-2020; Acta Paediatr. 2020, doi: 10.1111/apa.15271; Acta Paediatr. 2020, doi: 10.1111/apa.15270).

 

Các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của nhiễm Covid-19 ở trẻ em nhìn chung có khác biệt so với ở người lớn: thời gian ủ bệnh dài hơn, xuất hiện ho, sốt cũng như phù nề họng, các chỉ dấu của tình trạng viêm tăng nhưng ít có giảm bạch cầu hơn (N Engl J Med, 2020, doi: 10.1056/NEJMc2005073). Tăng procalcitonin, tỷ lệ đồng nhiễm và các đám mờ trên phim Xquang ngực ảnh là các dấu hiệu được tìm thấy ở các bệnh nhân trẻ em (Pediatr Pulmonol. 2020, doi:10.1002/ppul.24718).

 

Việc lây nhiễm từ mẹ sang con chưa được thấy rõ (J Med Virol. 2020, doi: 10.1002/jmv.25807). Ở 6 bệnh nhân mang thai nhiễm Covid-19, xét nghiệm nước ối, máu cuống rốn và sữa mẹ đều cho kết quả âm tính, nhưng số ca ghi nhận này còn hạn chế (Chen H, The Lancet, 2020). Nhiều tác giả báo cáo những ca nhiễm ở trẻ mới sinh (Transl Pediatr, 2020, 9, 5; Med Virol, 2020, doi: 10.1002/jmv.25740). Ba ca trong một chuỗi 33 ca bệnh nhi mới sinh có mẹ nhiễm Covid-19 đã được chẩn đoán có bệnh lý phổi trong khoảng từ ngày tuổi thứ hai đến ngày thứ tư, với các triệu chứng xuất hiện từ khi sinh (Zeng L, Jama Pediatrics, 2020, doi:10.1001/jamapediatrics.2020.0878).

 

Cuối cùng, cũng như ở người lớn, hiện tại chưa có thuốc nào được chứng minh hiệu quả trong điều trị Covid-19. Ngoài ra, trong một bài tổng quan y văn gần đây, tác giả Ludvigsson (Acta Paediatr. 2020, doi: 10.1111/apa.15270) chưa ghi nhận có thử nghiệm lâm sàng nào nghiên cứu riêng cho đối tượng trẻ em.

 

Nguồn:  Bulletin d’Informations de Pharmacologie Clinique de la région Occitanie (Đặc san COVID 19 - tháng 4/2020)

Tác giả:TS. Marie-Andrée Bos Thompson - Montpellier, TS. Geneviève Durrieu – Toulouse

Người dịch : SVD5. Nguyễn Ngọc Triển,  Ds. Vũ Đức Hoàn.

Các tin liên quan