Nhiễm khuẩn tiết niệu không có triệu chứng: cập nhật Hướng dẫn điều trị

   

   Nhiễm khuẩn tiết niệu không có triệu chứng (Asymptomatic Bacteriuria - ABU) là nhiễm khuẩn phổ biến được ghi nhận ở nhiều đối tượng, trong đó bao gồm cả phụ nữ khỏe mạnh và những người có bất thường đường tiết niệu. Các đối tượng này thường không cần thiết được điều trị bằng các kháng sinh có nguy cơ gây các phản ứng có hại và bị vi khuẩn đề kháng kháng sinh.

   

(Ảnh minh họa: nguồn internet)

   

   Một tổng quan hệ thống gần đây của Hội Tiết niệu Châu Âu (2017) đã được thực hiện để xác định lợi ích và nguy cơ khi điều trị ABU ở các nhóm bệnh nhân cụ thể. Sau khi sàng lọc 3626 bài báo, 50 nghiên cứu gồm 7088 bệnh nhân được đưa vào phân tích. Nói chung, chất lượng bằng chứng được xếp là thấp hoặc rất thấp. Không có bằng chứng về lợi ích khi điều trị cho bệnh nhân không có các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân đái tháo đường, phụ nữ mãn kinh, bệnh nhân cao tuổi trong viện dưỡng não, bệnh nhân ghép thận và bệnh nhân trước đó có thay khớp, và điều trị ABU gây hại cho bệnh nhân nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Điều trị ABU dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng đường niệu sau phẫu thuật cắt qua niệu đạo thấp hơn. Ở phụ nữ mang thai, có bằng chứng cho thấy điều trị ABU làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu có triệu chứng, nguy cơ trẻ sinh ra bị nhẹ cân hay sinh non. Nên điều trị ABU trước phẫu thuật cắt đoạn qua niệu đạo. Ngoài ra, các bằng chứng hiện có cũng gợi ý cần điều trị ABU ở phụ nữ có thai, mặc dù kết quả từ các thử nghiệm gần đây không đồng thuận với quan điểm này.Tổng quan này kết luận đối với hầu hết trường hợp, điều trị ABU không có lợi và có thể gây hại cho người bệnh. Kháng sinh điều trị có thể đem lại lợi ích trong trường hợp phụ nữ có thai hoặc bệnh nhân phẫu thuật tiết niệu [1].

 

   Đây cũng là 2 đối tượng nên xem xét sàng lọc và điều trị được khuyến cáo trong Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (Infectious Disease Society of America – IDSA) [2].

 

Cụ thể như sau:

Với phụ nữ mang thai:

- Khuyến cáo sàng lọc và điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu không triệu chứng (ASB) (khuyến cáo mức độ mạnh, bằng chứng mức độ trung bình).

- Gợi ý thời gian điều trị kháng sinh từ 4 -7 ngày, không nên điều trị ngắn ngày hơn (khuyến cáo mức độ yếu, bằng chứng mức độ thấp).

 

Với các bệnh nhân phải thực hiện các can thiệp nội soi tiết niệu

- Các bệnh nhân có can thiệp nội soi tiết niệu liên quan đến tổn thương niêm mạc, khuyến cáo sàng lọc và điều trị ASB trước khi phẫu thuật (khuyến cáo mức độ mạnh, bằng chứng mức độ trung bình).

- Các bệnh nhân có can thiệp nội soi tiết niệu, gợi ý xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn trong nước tiểu trước khi can thiệp nội soi và nên dùng kháng sinh dựa trên kết quả vi sinh hơn là dùng kháng sinh theo kinh nghiệm (khuyến cáo mức độ yếu, bằng chứng mức độ rất thấp).

- Các bệnh nhân ASB có thực hiện thủ thuật tại đường tiết niêu, gợi ý nên dùng liệu trình kháng sinh ngắn (1 hoặc 2 liều) hơn là dùng liệu trình kháng sinh kéo dài (khuyến cáo mức độ yếu, bằng chứng mức độ thấp).

 

Tài liệu tham khảo

1. Köves B, Cai T et al. (2017), Benefits and Harms of Treatment of Asymptomatic Bacteriuria: A Systematic Review and Meta-analysis by the European Association of Urology Urological Infection Guidelines Panel, Eur Urol. 2017 Dec;72(6):865-868. pdf

2. Nicolle LE, Gupta K, Clinical Practice Guideline for the Management of Asymptomatic Bacteriuria: 2019 Update by the Infectious Diseases Society of America, Clin Infect Dis. 2019 Mar 21. pii: ciy1121. pdf

 

Điểm tin: Nguyễn Thị Tuyến