Medsafe: Thay đổi dược động học của thuốc trong thai kỳ và ảnh hưởng đến nồng độ thuốc điều trị động kinh trong máu

Thay đổi dược động học của thuốc trong thai kỳ

Các thay đổi sinh lý trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc, từ đó ảnh hưởng đến nồng độ thuốc chống động kinh trong máu.

 

Hấp thu

Khi mang thai, pH dạ dày tăng (acid dạ dày giảm) trong khi tốc độ tháo rỗng dạ dày và nhu động ruột giảm. Mặc dù vậy,  các thay đổi này không gây ra các ảnh hưởng đáng kể trên lâm sàng đối với hầu hết các thuốc.

 

Phân bố

Thể tích huyết tương và dự trữ nước trong cơ thể tăng lên khi mang thai, làm giảm nồng độ của các thuốc thân nước trong máu.

Nồng độ protein huyết tương giảm có thể dẫn đến giảm tỷ lệ liên kết thuốc- protein huyết tương. Nồng độ albumin giảm trung bình 1% ở tuần thứ 8, 10% ở tuần 20 và 13% ở tuần 32 của thai kỳ. Tổng nồng độ trong máu của các thuốc có ái lực cao với protein huyết tương có thể giảm đồng thời với nồng độ albumin.

 

Chuyển hóa

Hoạt tính các enzym chuyển hóa thuốc có thể thay đổi trong thời kỳ mang thai. Cụ thể, hoạt lực của một số enzym cytochrome P450 (CYP450) có thể tăng (ví dụ: CYP3A4 và CYP2D6) hoặc giảm (ví dụ: CYP2C19), trong khi hoạt lực của enzym uridine glucuronyl transferase (UGT) tăng lên. Do đó, nồng độ thuốc trong máu có thể tăng hoặc giảm trong thời kỳ mang thai, tùy thuộc vào enzym gan tham gia chuyển hóa thuốc.

 

Thải trừ

Lưu lượng máu và tốc độ lọc cầu thận tăng lên trong thai kỳ, dẫn đến tăng độ thanh thải thận. Đối với các thuốc đào thải chủ yếu qua thận, độ thanh thải thuốc qua thận ​​có thể tăng lên tương ứng với sự thay đổi của tốc độ lọc cầu thận . 


Nồng độ thuốc chống động kinh trong máu có thể thay đổi trong thai kỳ

Nồng độ thuốc chống động kinh trong máu phụ nữ mang thai  giảm. Mức giảm này phụ thuộc vào loại thuốc chống động kinh và cá thể người bệnh. Mức ​​giảm nồng độ thuốc trong máu ước tính đối với một số thuốc chống động kinh (trong trường hợp không thay đổi liều) và  cơ chế dược động học tương ứng được mô tả trong Bảng 1.

 

Bảng 1: Mức giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh ước tính đối với một số thuốc chống động kinh trong thai kỳ (trong trường hợp không thay đổi liều) và cơ chế tương ứng

Thuốc

Mức giảm nồng độ thuốc trong máu

Cơ chế dược động học được mô tả trong y văn (danh sách không đầy đủ)

Phenolbarbital

55%

Thay đổi liên kết với protein

Phenytoin

60 – 70%

Thay đổi liên kết với protein

Carbamazepin

0 – 12% 

Không được mô tả

Dẫn xuất monohydrat của oxcarbazepin 

36 – 62%

Tăng chuyển hóa ở gan

Tăng thanh thải ở thận

Natri valproat

23%

Thay đổi liên kết với protein

Lamotrigin

Giảm 69% ở 77% dân số

Giảm 17% ở 23% dân số

Tăng cường hoạt tính của enzym uridine glucuronyl transferase

Tăng thanh thải ở thận

Gabapentin và pregabalin

Dữ liệu không đầy đủ

Tăng thanh thải ở thận

Topiramat

30%

Tăng thanh thải ở thận

Levetiracetam

40 – 60%

Tăng thanh thải ở thận

Zonisamid

35% (ít dữ liệu)

Giảm hấp thu qua đường tiêu hóa

Tăng chuyển hóa ở gan

Tăng thanh thải ở thận

Một số lưu ý khi giám sát điều trị thuốc chống động kinh trong thai kỳ

Mối quan hệ giữa sự thay đổi về nồng độ thuốc chống động kinh trong thai kỳ và sự giảm khả năng kiểm soát cơn động kinh hiện chưa được mô tả rõ ràng, phụ nữ có thai có thể không xuất hiện cơn động kinh dù nồng độ thuốc chống động kinh giảm. Tuy nhiên, việc giám sát nồng độ thuốc trong máu và hiệu chỉnh liều có thể cần thiết trong một số trường hợp. 

 

New Zealand Formulary khuyến cáo việc hiệu chỉnh liều trong thời kỳ mang thai cần dựa trên kết quả giám sát nồng độ thuốc trong máu đối với phenytoin, carbamazepin và lamotrigin. Thai phụ có thể cần được tăng liều levetiracetam ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Đối với các thuốc chống động kinh khác, cần thận trọng giám sát liều dùng các thuốc trong suốt thai kỳ và có thể hiệu chỉnh liều khi cần.

 

Để hỗ trợ việc đưa ra quyết định lâm sàng trong thai kỳ, việc thiết lập ngưỡng nồng độ thuốc chống động kinh trong huyết tương có thể cần được đưa vào kế hoạch điều trị trong thai kỳ. Sau đó, mức này có thể được sử dụng để so sánh và chuẩn độ khi đo mức AEM trong thai kỳ.

 

Tần suất phù hợp để theo dõi nồng độ thuốc chống động kinh trong thai kỳ hiện chưa được xác định. Một số hướng dẫn điều trị khuyến cáo nên theo dõi định kỳ mỗi ba tháng hoặc thường xuyên hơn trong trường hợp xảy ra cơn động kinh.

Nguồn: Pharmacokinetic changes in pregnancy and effects on antiepileptic medicine plasma levels (medsafe.govt.nz)

Điểm tin: SV. Trịnh Khánh Linh
Hiệu đính: DS. Hoàng Hải Linh; Phụ trách: ThS. Nguyễn Mai Hoa