TGA: Sắt carboxymaltose và nguy cơ hạ phosphat máu

 

Hạ phosphat máu có triệu chứng là một nguy cơ liên quan đến sử dụng sắt carboxymaltose. Cán bộ y tế được khuyến cáo đánh giá thường quy các yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân trước khi sử dụng thuốc này và theo dõi những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ.

Sắt carboxymaltose có mặt ở thị trường Australia với biệt dược Ferinject. Thuốc được sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch để điều trị thiếu sắt khi các thuốc bổ sung sắt đường uống không hiệu quả hoặc không thể sử dụng. Việc chẩn đoán cần phải dựa trên kết quả xét nghiệm.

Sắt carboxymaltose được ghi nhận có nguy cơ gây hạ phosphat máu nhẹ, không triệu chứng, thoáng qua và nguy cơ thấp gây hạ phosphat máu nặng, có triệu chứng. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy giá trị phosphat huyết thanh giảm đến mức thấp nhất sau 2 tuần điều trị và quay về mức ban đầu sau 12 tuần điều trị với ferric carboxymaltose. Thông tin chi tiết về nguy cơ này được bổ sung trong tờ Thông tin sản phẩm Ferinject cập nhật năm 2019.

 

Hạ phosphat máu nhẹ thường không có triệu chứng, hoặc có thể xuất hiện đau, buồn nôn, suy nhược. Hạ phosphat máu nghiêm trọng có thể liên quan đến các triệu chứng rối loạn chức năng sinh lý. Các biểu hiện cấp tính gồm có:

- Triệu chứng cơ (yếu cơ, nhược cơ, dẫn đến bệnh cơ tiến triển trong đó có tổn thương tim phổi và tử vong)

- Triệu chứng thần kinh (tê buồn chân tay, thay đổi trạng thái thần kinh, động kinh, liệt)

- Thay đổi về huyết học

Nguy cơ hạ phosphat máu có ý nghĩa trên lâm sàng sau khi sử dụng sắt đường tĩnh mạch thường xảy ra trên bệnh nhân cần thay thế sắt dài hạn và bệnh nhân có ferritin nền thấp hơn, rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng hoặc có các nguyên nhân khác gây thiếu hụt phosphat.

Hạ phosphat máu có thể là nguyên nhân gây suy nhược, mệt, yếu cơ, ngừng thở, mạch nhanh và đau đầu, dẫn đến khả năng chẩn đoán nhầm thành thất bại điều trị thiếu máu do thiếu sắt, do đó cần đánh giá hạ phosphat máu là nguyên nhân tiềm ẩn cho các triệu chứng tiếp diễn trên bệnh nhân sau khi sử dụng sắt carboxymaltose.

Trên phụ nữ có thai, liều tích tũy tối đa là 1000mg cho bệnh nhân có Hb ≥90 g/L, hoặc 1500mg cho bệnh nhân có Hb <90 g/L. Liều tích lũy không quá 1000mg nên được sử dụng trong vòng 1 tuần.

 

Dữ liệu về biến cố bất lợi

Dữ liệu về biến cố bất lợi của TGA ghi nhận 15 báo cáo về hạ phosphat máu khi điều trị với sắt carboxymaltose (trong đó có 14 báo cáo sắt carboxymaltose là thuốc nghi ngờ duy nhất). 6 báo cáo hạ phosphat máu liên quan đến sắt polymaltose và không có báo cáo nào liên quan đến các chế phẩm sắt dùng đường ngoài tiêu hóa khác.

Trong các báo cáo liên quan đến sắt carboxymaltose, nồng độ phosphat máu được báo cáo trong 6 trường hợp, trong đó 4 trường hợp báo cáo hạ phosphat máu nghiêm trọng (<0,3mmol/L). 5 trường hợp báo cáo hạ phosphat máu có triệu chứng toàn thân (mệt, khó chịu, ngủ lịm) và 3 trường hợp cáo cáo triệu chứng xương khớp. Đa số bệnh nhân hồi phục sau khi xử trí bằng phosphat đường uống, calcitriol hoặc bổ sung phosphat đường tĩnh mạch, tuy nhiên kết quả xử trí “Không hồi phục” được báo cáo trong 2 trường hợp.

Thời gian khởi phát thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần sau khi bắt đầu điều trị bằng sắt carboxymaltose.

 

Nguồn: https://www.tga.gov.au/publication-issue/ferric-carboxymaltose-and-low-blood-phosphorous

Điểm tin: CTV. Võ Thị Thùy, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến


 

 

 

 

 

 

 

Các tin liên quan