Liệu pháp hormon là một phương pháp thiết yếu trong điều trị các ung thư thể nội tiết dương tính, như ung thư vú. Cơ chế tác dụng của liệu pháp này là ức chế tổng hợp estrogen nhằm hạn chế sự tăng sinh khối u. Do cơ chế này, liệu pháp hormon có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn ít được biết đến nhưng đáng lưu ý về mặt lâm sàng. Trên thực tế, các chuyên gia gần đây đã đặt nghi vấn về mối liên quan giữa leuprorelin và các rối loạn vận động như khó đi lại kèm theo yếu cơ, cũng như mối liên quan giữa letrozol với khả năng gây loét nướu.
Leuprorelin là một chất tổng hợp tương tự hormon giải phóng gonadotropin (GnRH) tự nhiên, có tác dụng ức chế tiết estradiol từ tuyến sinh dục. Sau khoảng 3 đến 4 tuần điều trị, nồng độ estrogen trong huyết thanh chỉ ở mức tương đương với thời kỳ sau mãn kinh. Cơ chế này gây ra sự thoái triển có hồi phục của các mô chịu ảnh hưởng của hormon, như nội mạc tử cung và mô vú. Đáng chú ý, tình trạng suy giảm estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh đã được ghi nhận là có liên quan đến giảm khối lượng cơ và trương lực cơ, cho thấy các thuốc làm giảm estrogen như leuprorelin có thể liên quan đến các rối loạn vận động liên quan đến cơ.
Ngoài ra, estrogen được ghi nhận có vai trò bảo vệ niêm mạc miệng bằng cách ngăn chặn tổn thương thành tế bào nướu do nội độc tố lipopolysaccarid (LPS) của vi khuẩn Porphyromonas gingivalis gây ra. Do đó, sự tổn thương hàng rào biểu mô nướu có thể liên quan đến tình trạng thiếu hụt estrogen. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu và tiêu xương răng khi sử dụng các thuốc ức chế aromatase, đặc biệt trong trường hợp điều trị kéo dài. Điều này đã dẫn đến giả thuyết rằng letrozol (một chất ức chế aromatase không steroid có hồi phục) có liên quan đến tình trạng loét nướu. Estrogen còn được biết đến với đặc tính chống viêm, thông qua việc ức chế quá trình phiên mã các cytokin gây viêm. Do vậy, sự suy giảm nồng độ estrogen (so với ngưỡng nồng độ thấp nhất có hiệu quả đã được xác định trên động vật), có thể dẫn đến tình trạng viêm nướu ngay cả khi không có tác nhân gây bệnh.
Những ghi nhận trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao mức độ cảnh giác đối với các tác dụng không mong muốn ít gặp của liệu pháp hormon, đồng thời cần có các biện pháp xử trí phù hợp nhằm tối ưu hóa chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nguồn: https://www.chu-montpellier.fr/fr/crpv/sinformer/bip-2025-n1#c38804
Điểm tin: SV. Vũ Thị Ngọc Mai
Hiệu đính: DS. Hoàng Hải Linh, Phụ trách: ThS. Nguyễn Mai Hoa