Điểm tin đáng chú ý từ bản tin Drug Safety Update tháng 7/2020
Một số hoạt chất thuộc nhóm các thuốc ức chế VEGF bao gồm bevacizumab, ponatinib, sorafenib, sunitinib, pazopanib. Các thuốc này được chỉ định điều trị nhiều loại ung thư khác nhau
Cuộc rà soát gần đây của Châu Âu kết luận rằng tất cả các thuốc ức chế VEGF tác dụng toàn thân có thể thúc đẩy sự nguy cơ phình động mạch và bóc tách động mạch. Thông tin sản phẩm của tất cả các thuốc ức chế VEGF tác dụng toàn thân đã được cập nhật cảnh báo về nguy cơ trên và khuyến nghị xem xét thận trọng về nguy cơ này trước khi khởi đầu điều trị ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp. Bệnh nhân điều trị bằng chất ức chế VEGF toàn thân nên được theo dõi và điều trị tăng huyết áp.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như hút thuốc cũng nên cân nhắc để thực hiện. Tờ thông tin sản phẩm có khuyến cáo bệnh nhân phải thông báo cho bác sĩ hoặc y tá nếu họ có tiền sử bị phình động mạch hoặc bóc tách động mạch.
Bóc tách động mạch và phình động mạch
Cơ chế gây phình động mạch hoặc bóc tách động mạch
Cơ chế gây phình động mạch hoặc bóc tách động mạch của các thuốc VEGF chưa rõ ràng nhưng có thể là do suy giảm tính toàn vẹn của thành mạch cũng như do tăng huyết áp hoặc làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp trước đó.
Triệu chứng của phình động mạch hoặc bóc tách động mạch
Bóc tách động mạch chủ là một biến cố hiếm gặp nhưng gây đe dọa đến tính mạng với tỷ lệ mắc hàng năm ước tính từ 2,9 - 3,5/100.000 người. Biến cố này thường đi kèm với đau bụng, ngực hoặc đau lưng đột ngột, dữ dội. Hầu hết phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng, và do đó rất khó để xác địnhtỷ lệ lưu hành của bệnh, tuy nhiên một chương trình sàng lọc cấp quốc gia ở Anh cho thấy nam giới ở độ tuổi 65 ghi nhận tỷ lệ mắc khoảng 1,3% trong dân số nước. Triệu chứng phổ biến nhất là phình vỡ động mạch chủ là đau đột ngột và dữ dội ở bụng hoặc lưng. Phình vỡ động mạch chủ có liên quan với tỷ lệ tử vong cao.
Các yếu tố nguy cơ trong phình động mạch hoặc bóc tách động mạch
Nguy cơ bóc tách động mạch hoặc phình động mạch chủ tăng lên khi có các yếu tố như tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử gia đình phình mạch, bệnh mạch vành, mạch máu não hoặc bệnh động mạch ngoại biên, hút thuốc lá và tăng lipid máu. Hội chứng Marfan, viêm động mạch Takayasu, viêm động mạch tế bào khổng lồ, bệnh Behcet và sử dụng fluoroquinolones cũng là những yếu tố nguy cơ.
Lời khuyên dành cho các cán bộ y tế:
- Sử dụng các thuốc VEGF đường toàn thân ở cácbệnh nhân có hoặc không có tăng huyết áp có thể thúc đẩy sự hình thành phình động mạch hoặc bóc tách động mạch.
- Phình động mạch hoặc bóc tách động mạch được cho là biến cốkhông thường xuyên ở cácbệnh nhân dùng thuốc VEGF toàn thân, nhưng đã có một số trường hợp tử vong, chủ yếu liên quan đến vỡ phình động mạch chủ và bóc tách động mạch chủ
- Trước khi bắt đầu dùng các thuốc VEGF toàn thân, hãy xem xét cẩn thận nguy cơ phình động mạch và bóc tách động mạch ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiền sử phình mạch, hút thuốc, đái tháo đường, bệnh mạch vành, mạch máu và bệnh mạch máu ngoại biên; Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos mạch máu, viêm động mạch Takayasu, viêm động mạch tế bào khổng lồ, bệnh Behcet, và sử dụng kháng sinh nhóm fluoroquinolon.
- Ở những bệnh nhân sử dụng các thuốcVEGF toàn thân, cần giảm tối đa các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi như hút thuốc và tăng huyết áp
- Theo dõi bệnh nhân và điều trị tăng huyết áp theo các khuyến nghị trong tờ thông tin sản phẩm của các thuốc VEGF toàn thân có liên quan.
Điểm tin CTV. Nguyễn Thị Huyền Trang, Ths.Ds. Nguyễn Thị Tuyến