Metoclopramid được chỉ định điều trị các triệu chứng buồn nôn và nôn. Do nguy cơ gây loạn trương lực cơ, metoclopramid được giới hạn chỉ định ở trẻ em từ 1 đến 19 tuổi, và chỉ nên là lựa chọn hàng hai (second-line) trong một số trường hợp nhất định.
Loạn trương lực cơ có thể xảy ra ngay sau khi sử dụng một liều metoclopramid, với tần suất cao ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 19 và nhất là đối với trẻ nữ. Khuyến cáo không sử dụng metoclopramid cho người dưới 20 tuổi trừ trường hợp thực sự cần thiết, và cần tuân thủ chặt chẽ mức liều theo khuyến cáo để giảm thiểu nguy cơ gây loạn trương lực cơ của thuốc.
Gần đây, Trung tâm Theo dõi Phản ứng có hại của thuốc NewZealand (CARM) đã nhận được một số báo cáo về phản ứng loạn trương lực cơ xảy ra ở trẻ em sau khi sử dụng metoclopramid. Cần lưu ý: do nguy cơ gây loạn trương lực cơ, metoclopramid được giới hạn chỉ định ở trẻ em từ 1 đến 19 tuổi, và chỉ nên là lựa chọn hàng hai (second-line) trong một số trường hợp nhất định.
Metoclopramid
Metoclopramid là thuốc được chỉ định trong điều trị các triệu chứng buồn nôn, nôn và rối loạn tiêu hóa. Metoclopramid là một chất đối kháng thụ thể dopamin, thuốc cũng có tác dụng trên hệ cholinergic do làm tăng dẫn truyền acetylcholin qua thụ thể muscarinic.
Tại New Zealand, metoclopramid được lưu hành với hai dạng bào chế là viên nén hoặc dung dịch tiêm.
Metoclopramid có thể gây loạn trương lực cơ với tỷ lệ khoảng 1%. Phản ứng có thể xảy ra ngay sau khi sử dụng một liều metoclopramid với tần suất cao ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 19 tuổi và nhất là đối với trẻ nữ.
Điều kiện sử dụng
Do nguy cơ gây loạn trương lực cơ, metoclopramid được giới hạn chỉ định ở trẻ em từ 1 đến 19 tuổi và chỉ nên là lựa chọn hàng hai (second-line) trong một số trường hợp nhất định. Lưu ý: dạng viên nén chỉ được sử dụng cho trẻ từ 15 đến 19 tuổi.
Bảng 1: Metoclopramid – điều kiện sử dụng ở trẻ em theo dạng bào chế
Dạng bào chế
Tuổi
Điều kiện sử dụng
Dung dịch tiêm
1 – 19 tuổi
Lựa chọn hàng hai (second-line) đối với các trường hợp:
- Nôn ói nặng không rõ nguyên nhân
- Nôn do xạ trị hoặc không dung nạp với hóa chất gây độc tế bào trong điều trị ung thư
- Hỗ trợ thủ thuật đặt ống thông vào ruột non
Viên nén
15 – 19 tuổi
Lựa chọn hàng hai (second-line) đối với các trường hợp:
- Nôn ói nặng không rõ nguyên nhân
- Nôn do xạ trị và không dung nạp hóa chất gây độc tế bào trong điều trị ung thư.
- Hỗ trợ đặt ống thông dạ dày - ruột
- Sử dụng trong tiền phẫu
Loạn trương lực cơ
Loạn trương lực cơ là những rối loạn vận động, bao gồm sự co thắt cơ không tự chủ của cơ thể, có thể gây ra các cử động lặp đi lặp lại hoặc các tư thế bất thường như vặn xoắn. Các cử động gây ra bởi loạn trương lực cơ thường theo một khuôn mẫu, có thể diễn ra liên tục hoặc gián đoạn. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể hoặc một cơ, một nhóm cơ. Phản ứng loạn trương lực cơ thuộc loại triệu chứng ngoại tháp, là tác dụng không mong muốn phổ biến nhất liên quan đến việc sử dụng metoclopramid. Phản ứng loạn trương lực cơ được ghi nhận xảy ra với tần suất cao hơn ở trẻ từ 1 đến 19 tuổi, đặc biệt tần suất cao đối với nữ và khi sử dụng liều cao. Để giảm thiểu nguy cơ này, cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo về liều trong hướng dẫn sử dụng.
Các báo cáo ca tại New Zealand
Tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2022, Trung tâm theo dõi phản ứng có hại đã ghi nhận 372 báo cáo liên quan đến metoclopramid. Trong số 372 báo cáo này có tới 77% được ghi nhận xảy ra trên đối tượng bệnh nhân nữ. Và 23% (86 báo cáo) là xảy ra trên bệnh nhân từ 19 tuổi trở xuống, trong đó nữ giới chiếm 83%. Loạn trương lực cơ là phản ứng có hại được báo cáo thường xuyên nhất liên quan đến sử dụng metoclopramid.
Bảng 2: 5 phản ứng hàng đầu được báo cáo đối với metoclopramid ở những người bệnh trẻ (≤19 tuổi), tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2022
Phản ứng có hại của thuốc
Số báo cáo
Loạn trương lực cơ
44
Cơn trợn ngược mắt
14
Rối loạn ngoại tháp
8
Lo lắng
5
Cứng hàm
4
Điểm tin: CTV. Kim Thị Khánh Huyền, CTV. Nguyễn Trọng Kiên
Phụ trách: DS. Nguyễn Thị Cúc