Medsafe: Nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa tăng clo máu do thuốc

Bối cảnh

Nhiễm toan chuyển hóa xảy ra khi lượng acid tăng lên hoặc lượng bicarbonat mất đi vượt quá khả năng cân bằng acid-base của cơ thể hoặc khi cơ chế thải trừ acid của thận bị ảnh hưởng. 

Nhiễm toan chuyển hóa được phân loại thành hai nhóm dựa vào khoảng trống anion (anion gap - AG):

 

- Nhiễm toan chuyển hóa có khoảng trống anion (AG) tăng liên quan đến sự tích tụ acid do tăng sản xuất. Một số nguyên nhân bao gồm nhiễm toan lactic, nhiễm toan ceton,suy thận.

 

- Nhiễm toan chuyển hóa có khoảng trống anion (AG) bình thường (còn gọi là nhiễm toan tăng clo máu) liên quan đến tình trạng mất bicarbonat từ ống tiêu hóa hoặc suy giảm bài tiết ion hydro hoặc tái hấp thu bicarbonat từ thận (nhiễm toan ống thận). Nguyên nhân bao gồm tiêu chảy và suy tuyến thượng thận.

 

Ngoài ảnh hưởng trên quá trình sinh lý, thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến cân bằng acid-base trong cơ thể và gây ra tình trạng nhiễm toan chuyển hóa theo các cơ chế khác nhau.


Topiramat làm giảm nồng độ bicarbonat huyết thanh

Topiramat ức chế carbonic anhydrase ở ống thận, ảnh hưởng đến quá trình tái hấp thu bicarbonat gây ra tình trạng nhiễm toan ống thận, tăng clo máu ở một số bệnh nhân.

 

Giảm nồng độ bicarbonat huyết thanh thường xuất hiện sớm nhưng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong quá trình điều trị. Nồng độ bicarbonat thường giảm ở mức nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, giảm nồng độ bicarbonat huyết thanh xuống mức dưới 10 mmol/L đã được báo cáo (ngưỡng tham chiếu của người lớn là 22–29 mmol/L).

 

Theo dõi nồng độ bicarbonat huyết thanh trong quá trình điều trị bằng topiramat. Nếu có biểu hiện của nhiễm toan chuyển hóa (ví dụ: tiêu chảy, suy thận) cần cân nhắc theo dõi thường xuyên hơn. Nếu nhiễm toan chuyển hóa vẫn tiếp diễn và kéo dài, cân nhắc giảm liều hoặc ngừng sử dụng topiramat.

 

Nhiễm toan chuyển hóa mạn tính, nếu không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận hoặc lắng đọng canxi trong thận và làm chậm sự phát triển của trẻ em.


Các thuốc khác

Một số thuốc khác được báo cáo có thể gây nhiễm toan tăng clo máu do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình tái hấp thu bicarbonat hoặc bài tiết H+ ở thận như:

+) Thuốc ức chế anhydrase carbonic: acetazolamid và zonisamid

+) Thuốc ức chế hệ renin-angiotensin-aldosteron: thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể aldosteron.

 

Nguồn: medsafe.govt.nz/profs/PUArticles/September2024/Acid-base-imbalances-with-medicines-hyperchloremic-acidosis.html

Điểm tin: SV. Nguyễn Hải Đăng

 

Hiệu đính: DS. Nguyễn Hà Nhi, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến; Phụ trách: ThS. Nguyễn Mai Hoa