HSA khuyến cáo không nên sử dụng glibenclamid trên bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân suy thận do nguy cơ gây hạ đường huyết cao hơn so với các sulfonylurea khác

Sau khi phát hiện thấy có một tỷ lệ cao bất thường các trường hợp nhập viện do hạ đường huyết liên quan đến việc sử dụng glibenclamid, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) đã tiến hành đánh giá lại lợi ích/nguy cơ của các chế phẩm chứa hoạt chất này. Kết quả cho thấy glibenclamid có nguy cơ gây hạ đường huyết trên bệnh nhân suy thận và bệnh nhân cao tuổi cao hơn so với các sulfonylurea khác. Do đó, HSA khuyến cáo cán bộ y tế tránh sử dụng glibenclamid trên các đối tượng bệnh nhân này do nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và lặp lại.

 

Sau khi phát hiện thấy có một tỷ lệ cao bất thường các trường hợp nhập viện do hạ đường huyết liên quan đến việc sử dụng glibenclamid, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) đã tiến hành đánh giá lại lợi ích/nguy cơ của các chế phẩm chứa hoạt chất này. Kết quả cho thấy glibenclamid có nguy cơ gây hạ đường huyết trên bệnh nhân suy thận và bệnh nhân cao tuổi cao hơn so với các sulfonylurea khác. Do đó, HSA khuyến cáo cán bộ y tế tránh sử dụng glibenclamid trên các đối tượng bệnh nhân này do nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và lặp lại.

Dữ liệu từ các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng glibenclamid có nguy cơ gây hạ đường huyết cao hơn so với các sulfonylurea khác do có thời gian bán thải dài hơn và tạo chất chuyển hóa có hoạt tính có thể gây tác dụng tích lũy trên bệnh nhân suy thận. Ngoài ra, glibenclamid có mức độ thâm nhập mô tụy lớn hơn, có ái lực với thụ thể bề mặt của màng tế bào beta ở tụy cao hơn và có độ nhạy cảm insulin cao hơn so với các sulfonylurea khác. Đồng thời, glibenclamid làm suy yếu cơ chế phản-điều hòa (counter-regulatory actions) xảy ra khi đường huyết hạ. Do những nguyên nhân trên, glibenclamid có thể gây giải phóng insulin kéo dài kể cả sau khi đã ngừng thuốc. Bệnh nhân suy thận và bệnh nhân cao tuổi có chức năng thận suy giảm có nguy cơ cao hạ đường huyết nghiêm trọng kéo dài.

Ghi nhận từ cán bộ y tế hoàn toàn thống nhất với các thông tin trên cho thấy tình trạng hạ đường huyết kéo dài và lặp lại thường gặp trên bệnh nhân sử dụng glibenclamid.  Tác dụng kéo dài của glibenclamid đã quan sát thấy trên bệnh nhân suy thận xảy ra hạ đường huyết khi đang truyền glucose do sử dụng glibenclamid trước đó.

 

Ảnh minh họa: internet.

 

Khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số hướng dẫn điều trị


Năm 2012, WHO tiến hành đánh giá lại độ an toàn và hiệu quả của glibenclamid trên bệnh nhân cao tuổi. Kết quả cho thấy thuốc làm tăng nguy cơ tương đối hạ đường huyết so với các sulfonylurea thế hệ 2 như gliclazid và glipizid. Theo đánh giá của WHO, những bằng chứng này cho thấy rõ ràng nguy cơ của glibenclamid và Tổ chức này khuyến cáo không sử dụng glibenclamid trên bệnh nhân cao tuổi (trên 60 tuổi).

Năm 2013, hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Singapore về Kiểm soát đái tháo đường typ 2 (The Canadian Diabetes Association’s guidelines on Pharmacologic Management of Type 2 Diabetes) khuyến cáo không nên sử dụng sulfonylurea là thuốc đầu tay điều trị trên bệnh nhân suy thận. Trong trường hợp phải sử dụng một sulfonylurea trên đối tượng bệnh nhân này, nên sử dụng gliclazid và glimepirid do ít gây hạ đường huyết hơn glibenclamid.

Hướng dẫn điều trị Đái tháo đường năm 2012 của  Hội đồng Lượng giá về Hiệu quả điều trị bệnh thận (Kidney Disease Outcome Quality Initiatives - KDOQI) của Hoa Kỳ cũng khuyến cáo tránh dùng glibenclamid trên bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn 3, 4 và 5 (mức lọc cầu thận < 60ml/phút/m2). Trong các sulfonylurea thế hệ 2, ưu tiên dùng glipizid do thuốc này không tạo chất chuyển hóa có hoạt tính và không làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.


Khuyến cáo của HSA


HSA khuyến cáo tránh dùng glibenclamid trong các trường hợp sau:

-         Bệnh nhân trên 60 tuổi hoặc

-         Bệnh nhân có mức lọc cầu thận < 60ml/phút/m2 hoặc

-         Bệnh nhân có creatinin huyết thanh vượt quá giới hạn cho phép trên.

HSA cũng thông báo các công ty dược phẩm có chế phẩm chứa glibenclamid đang lưu hành tại Singapore sẽ được yêu cầu cập nhật những thông tin trên vào nhãn của các chế phẩm này. Các cán bộ y tế cần thận trọng cân nhắc khi kê đơn glibenclamid cho bệnh nhân suy thận và bệnh nhân cao tuổi; đồng thời, báo cáo tất cả những phản ứng bất lợi liên quan đến việc sử dụng glibenclamid và các sulfonylurea khác.

 

Nguồn: HSA

Các tin liên quan