WHO: Phản ứng tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời liên quan đến midostaurin

 

Tóm tắt

Midostaurin là chất ức chế protein kinase được chỉ định đơn trị liệu bệnh tăng dưỡng bào hệ thống (aggressive systemic mastocytosis), tăng dưỡng bào hệ thống liên quan đến khối u tế bào máu (systemic mastocytosis with associated hematological neoplasm) và bệnh bạch cầu dưỡng bào (mast cell leukemia) ở người lớn. Cơ sở dữ liệu về cảnh giác dược của Pháp và WHO cho thấy midostaurin có thể gây tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Tất cả các trường hợp báo cáo đều được đánh giá mức độ nghiêm trọng và đa số tiếp tục dùng thuốc với khuyến cáo hạn chế tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Hiện thông tin trên nhãn chưa đề cập đến nguy cơ tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, tuy nhiên trong một nghiên cứu quan sát của Pháp thực hiện trên 28 bệnh nhân điều trị bằng midostaurin chỉ ra 25% số bệnh nhân gặp phản ứng này sau khi dùng thuốc. Kết quả này tăng cường mối liên quan giữa thuốc và phản ứng có hại dựa trên các báo cáo ghi nhận tại Pháp và cơ sở dữ liệu Vigibase. 

 

Bối cảnh

Midostaurin ức chế các receptor tyrosin kinase, kích thích sự chết theo chu trình của tế bào leukemia, ức chế receptor của yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu (PDGFR) và receptor của yếu tố tăng trưởng nội mạc (VEGFR2).

Phản ứng có hại này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả 2 nam và nữ với các kiểu da khác nhau. Những người da trắng, ít bị rám nắng thường nhạy cảm với ánh sáng hơn những người da tối màu.

Tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời do thuốc là hậu quả kết hợp giữa tác động thuốc và phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời ở những bệnh nhân nhạy cảm và có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Biểu hiện là xuất hiện một hoặc nhiều nốt ban da và sạm da. Phản ứng này có thể hồi phục bằng cách ngừng thuốc hoặc thay thế thuốc khác. Các báo cáo phản ứng này thường gặp vấn đề về độ chính xác do việc khó phân biệt giữa rám nắng thông thường và tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời mức độ nhẹ. Một số thuốc khác cũng gây ra phản ứng này như thuốc lợi tiểu, kháng sinh và các thuốc NSAIDs.

 

Các báo cáo trong Cơ sở dữ liệu quốc gia Pháp về cảnh giác dược (BNPV) và VigiBase

Các phản ứng có hại về tăng nhạy cảm với ánh sáng lần đầu tiên được lưu ý tại trung tâm Cảnh giác dược Toulouse, sau một trường hợp được báo cáo năm 2019. Bệnh nhân được điều trị bằng midostaurin trong vòng 2 tháng, sau đó đi dạo dưới ánh nắng mặt trời mùa xuân đã gặp phản ứng nhạy cảm với ánh sáng mức độ nghiêm trọng, sau đó được ngừng thuốc tạm thời và bác sĩ đã đưa ra chống chỉ định trên bệnh nhân này.

Thời gian khởi phát phản ứng có thể kéo dài từ 10 ngày đến một năm. Sau khởi phát, một số bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc, trong đó, 2 bệnh nhân tái sử dụng thuốc đã tái phát phản ứng này sau lần phơi nhiễm thứ 2 với ánh sáng mặt trời. Có 1 trường hợp ngừng thuốc. Có 3 trường hợp bệnh nhân được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc tối đa với ánh sáng mặt trời. Một trường được báo cáo bởi bác sĩ da liễu đánh giá tình trạng nổi ban toàn thân của BN có thể liên quan đến midostaurin, mặc dù BN dùng đồng thời thuốc valsartan, một thuốc có khả năng gây tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.

 

Thông tin trong y văn và nhãn thuốc

Hiện nay, trên tờ Thông tin Đặc tính Sản phẩm được cấp phép ở Châu Âu và tờ Thông tin Sản phẩm của Mỹ đều không đề cập đến nguy cơ tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời của midostaurin. Tuy nhiên, nhãn thuốc của các thuốc ức chế protein kinase khác như imanitib, gefitinib đều có cảnh báo về nguy cơ này.

Trong một khảo sát từ năm 2012 đến năm 2015 về các bệnh nhân sử dụng midostaurin tạm thời, có 28 bệnh nhân sử dụng midostaurin ở liều 100mg/ngày, 25% số bệnh nhân xuất hiện phản ứng này sau khi dùng thuốc.

 

Bàn luận và kết luận

Phản ứng tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời làm nặng thêm các rối loạn tự miễn trên da, có thể dẫn đến ung thư da. Phản ứng này có thể phòng tránh được. Hiện nay, phản ứng này chưa được đề cập trên nhãn sản phẩm của midostaurin. Bệnh nhân cần được thông báo về các phản ứng có hại này để tránh phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời khi sử dụng thuốc.

 

Nguồn: Vigilyze

Điểm tin: CTV. Võ Thị Thùy, ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Các tin liên quan