Medsafe: Bệnh lý về mắt liên quan đến prostaglandin

 

Tại cuộc họp lần thứ 190 vào tháng 6/2022, Ủy ban đánh giá Phản ứng có hại của thuốc tại New Zealand (MARC) đã đánh giá nguy cơ mắc bệnh lý về mắt liên quan đến prostaglandin (prostaglandin-associated periorbitopathy - PAP). MARC đã xem xét bằng chứng chỉ ra một nhóm thuốc có khả năng gây PAP và đã yêu cầu các nhà sản xuất cập nhật thông tin về phản ứng có hại này vào chuyên luận của thuốc. 

 

Thông tin chính 

- Bệnh lý về mắt liên quan đến prostaglandin (Prostaglandin-associated periorbitopathy - PAP) có liên quan đến việc sử dụng các thuốc tương tự prostaglandin dùng cho mắt. 

- Trước khi điều trị, cần thông báo cho bệnh nhân biết những biến đổi có thể xuất hiện ở mắt trong quá trình điều trị, bao gồm triệu chứng như sụp mí, lõm mắt, teo mỡ hốc mắt, lộ màng cứng, quầng thâm trên vùng da quanh mắt... 

- Các thuốc tương tự prostaglandin thường sử dụng để điều trị bệnh glaucoma như bimatoprost, travoprost và latanoprost. 

 

Các thuốc tương tự prostaglandin dùng cho mắt

Các thuốc tương tự prostaglandin là một nhóm các thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh glaucom. Thuốc liên kết với các thụ thể prostaglandin F trong mắt, dẫn đến tăng lượng dịch thoát qua màng bồ đào, do đó có tác dụng làm hạ nhãn áp trong bệnh lý tăng nhãn áp glaucom. 

Một số thuốc tương tự prostaglandin là bimatoprost, travoprost và latanoprost.  

 

Bệnh lý về mắt liên quan đến prostaglandin (PAP)

Bệnh lý về mắt liên quan đến prostaglandin là những biến đổi lâm sàng và thẩm mỹ ở mắt trong quá trình điều trị bằng các thuốc tương tự prostaglandin. Người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau: 

- hằn sâu mí mắt trên 

- xẹp phẳng bọng mắt dưới 

- chứng sa mí mắt trên (sụp mí) 

- teo mỡ hốc mắt 

- lõm mắt  

- lộ màng cứng mắt (quan sát được mặt trong màng cứng ở giữa giác mạc và viền mí mắt dưới 

- hẹp hốc mắt 

- tăng mọc lông mi quá mức 

- tăng sắc tố vùng da quanh mắt quá mức 

- chứng nhẽo mi (da thừa vùng mí mắt) 

 

Nguy cơ gặp phải PAP được cho là cao nhất khi sử dụng bimatoprost và thấp nhất khi sử dụng latanoprost. Trên 10% bệnh nhân điều trị với bimatoprost có báo cáo xuất hiện PAP. Những biến đổi trên lâm sàng và về thẩm mỹ có thể xuất hiện sớm sau 1 tháng điều trị. Triệu chứng có khả năng hồi phục một phần hoặc hoàn toàn khi ngừng thuốc hoặc thay đổi liệu pháp điều trị. 

 

Chưa có đầy đủ thông tin về cơ chế của PAP. Các chất tương tự prostaglandin gây kích thích lên receptor FP có thể ức chế tạo mỡ, từ đó dẫn đến teo mỡ hốc mắt. 

 

Lời khuyên cho nhân viên y tế

Trước khi điều trị, cần thông báo cho bệnh nhân về nguy cơ xuất hiện PAP. Các triệu chứng thường nhẹ, có thể xuất hiện sớm sau 1 tháng điều trị và có khả năng suy giảm thị lực. Bệnh nhân cũng cần lưu ý rằng việc điều trị chỉ một bên mắt có thể dẫn đến sự khác biệt giữa hai mắt. 

 

Nguồn: Prescriber Update Vol 43 No.3 Sep 2022 (medsafe.govt.nz)

Điểm tin: CTV. Nguyễn Ngọc Quỳnh Trang, CTV. Nguyễn Lê Phương Nga, CTV. Nguyễn Hà Nhi

Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến