Lưu ý về phản ứng hạ natri máu do thuốc

Hạ natri máu là một hiện tượng rối loạn điện giải thường gặp, được định nghĩa là khi nồng độ natri máu nhỏ hơn 135 mmol/L. Triệu chứng khi xuất hiện hạ natri máu gồm có buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức và ở những bệnh nhân hạ natri máu nặng (dưới 125 mmol/L) có thể xuất hiện nguy cơ phù não đe dọa tính mạng. Có hai cơ chế chính có thể giải thích triệu chứng hạ natri do thuốc. Một số thuốc ảnh hưởng đến cân bằng nội môi (cân bằng nước - muối) trong khi các thuốc khác chỉ ảnh hưởng đến cân bằng dịch thông qua việc bài tiết ADH (hormon chống bài niệu).

 

Với cơ chế đầu tiên, các thuốc lợi tiểu thiazid hoặc giống thiazid (indapamid) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hạ natri máu thông qua thải trừ natri ở thận. Các thuốc khác như cotrimoxazol, theophylin cũng là nguyên nhân gây hạ natri máu thông qua tác dụng lợi tiểu.

 

Sự xuất hiện của hội chứng tăng tiết ADH bất thường (SiADH) thường được quan sát với các thuốc hướng thần (phenothiazin, droperidol, haloperidol) và các thuốc chống trầm cảm (chống trầm cảm ba vòng, ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin, ức chế enzym monoamin oxydase), thuốc điều trị động kinh (acid valproic), các thuốc điều trị ung thư (vinblastin, vincristin, cisplatin, methotrexat), các interferon, interleukin 2, các kháng thể đơn dòng, thuốc giảm đau opioid (morphin), amiodaron và các amphetamin.Tác dụng ADH nội sinh tiềm tàng được quan sát với một số thuốc chống động kinh(lamotrigin), desmopressin, paracetamol và và các thuốc nhóm NSAID (thuốc chống viêm không steroid).Các thuốc có đồng thời 2 cơ chế gây hạ natri liên quan tới ADH nói trên bao gồm một số thuốc chống động kinh (chủ yếu là carbamazepin, oxcarbazepin), các thuốc ức chế enzym chuyển, các thuốc ức chế bơm proton, cyclophosphamid và chất ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin.

 

Hội chứng hạ natri do thuốc là một tác dụng bất lợi dễ xử trí nhưng có thể tiến triển thành nghiêm trọng và cần được đặc biệt theo dõi ở người cao tuổi.

 

Nguồn: http://www.bip31.fr/bip/BIP%20Occitanie%202018,%2025(4)%2068%20-%2089.pdf

 

Người dịch: Vũ Đức Hoàn, Dương Khánh Linh