Vắc xin COVID-19 và các bệnh nhân tim mạch: Tổng hợp từ Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC)

 

Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) đã ghi nhận nhiều câu hỏi liên quan đến việc tiêm phòng vắc xin COVID-19. ESC đã tổng hợp các khuyến nghị hữu ích từ các cơ quan có thẩm quyền và các Hiệp hội y khoa quốc tế.

Tổng hợp dưới đây cung cấp cho bệnh nhân tim mạch các thông tin cơ bản về vắc xin COVID-19 và không thay thế cho các khuyến nghị, chẩn đoán hoặc điều trị y tế.

 

Tất cả bệnh nhân có bệnh tim mạch đều được khuyến cáo tiêm phòng hay có các trường hợp cần được loại trừ?

 

Tất cả bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch đều cần được tiêm phòng vắc xin COVID-19. Vắc xin không đảm bảo ngăn chặn lây nhiễm COVID-19, nhưng làm giảm khả năng bệnh diễn biến nghiêm trọng dẫn đến nhập viện và tử vong. Những người mắc bệnh tim mạch có khả năng có nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19 do nhiễm bệnh làm tăng gánh nặng cho tim thông qua nhiều cơ chế, bao gồm cả tình trạng viêm trực tiếp ở tim. Vì vậy, tất cả bệnh nhân bị bệnh tim mạch cần chấp thuận việc tiêm chủng khi được đề nghị.

 

Bệnh nhân có bệnh tim mạch bao gồm những người bị rung nhĩ, đau thắt ngực, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, tiểu đường, sa sút trí tuệ, đau tim, suy tim, ghép tim, thuyên tắc phổi (cục máu đông trong phổi), bệnh mạch máu ngoại vi (xơ cứng động mạch), đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (đột quỵ nhỏ).

 

Tác động của vắc-xin đối với những người có bệnh nền tim mạch (trong tình trạng cấp tính hoặc tình trạng đang được kiểm soát bằng thuốc)?

 

Các thử nghiệm vắc xin COVID-19 đã được thực hiện, trong đó bao gồm cả những bệnh nhân bị bệnh tim mạch và không cho thấy bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào từ vắc xin ở những bệnh nhân này. Các phản ứng phổ biến nhất ở tất cả các bệnh nhân bao gồm đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc ớn lạnh. Tình trạng đau và cứng cánh tay có thể kéo dài trong vài ngày. Mệt mỏi và ớn lạnh là các phản ứng thứ phát sau khi hệ thống miễn dịch nhận biết các gai protein của vi rút. Tiêm vắc-xin không gây nhiễm COVID-19. Nhiều khả năng trong lần tiêm vắc xin thứ hai, khi phản ứng miễn dịch với vắc xin có xu hướng mạnh hơn, những bệnh nhân tim nặng và thường khó thở khi nghỉ ngơi có thể cảm thấy không khỏe do sốt nhẹ và xuất hiện các triệu chứng tương tự như cúm. Những phản ứng này thường tồn tại trong thời gian ngắn, kéo dài khoảng 24-48 giờ, đáp ứng tốt với paracetamol và việc bổ sung thêm nước.

 

Một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể khiến tình trạng bệnh trở nên rất nặng ở những bệnh nhân tim mạch. Tuy nhiên, nguy cơ này rất hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến một người trong số 2 triệu người. Lợi ích của việc chủng ngừa lớn hơn nhiều so với nguy cơ mắc các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và do đó, không nên không khuyến khích mọi người tiêm vắc xin vì những rủi ro hiếm gặp đó. 

 

Có tương tác nào của vắc xin với các thuốc tim mạch không?

 

Không có báo cáo về tương tác giữa vắc xin và thuốc tim mạch. Bệnh nhân cần điều trị duy trì bằng thuốc trước hoặc sau khi tiêm vắc xin. Một số bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông có thể bị đau, sưng và bầm tím xung quanh vị trí tiêm.

 

Tôi hiện đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch do ghép tim. Các thuốc ức chế miễn dịch có tương tác với vắc xin COVID-19 không?

 

Các vắc xin hiện được cấp phép sử dụng không chứa vi rút sống, do đó, không có nguy cơ gây nhiễm trùng cho những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, kể cả những bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Các vắc-xin hiện có bao gồm các vật liệu di truyền khi đi vào tế bào sẽ thúc đẩy sự tổng hợp gai protein của vi rút. Các gai protein đơn lẻ là vô hại nhưng đủ để được nhận diện là yếu tố lạ và kích hoạt phản ứng phòng vệ của hệ thống miễn dịch. Trong trường hợp gặp phải vi rút thực sự trong cơ thể, hệ thống miễn dịch ghi nhớ sẽ phản ứng mạnh mẽ với protein gai để tiêu diệt vi rút. 

Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể không đáp ứng mạnh với vắc xin chủng ngừa và sẽ phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung ngay cả khi đã được tiêm chủng.

 

Tôi đang sử dụng thuốc chống đông máu và thường tiêm vắc-xin, như tiêm phòng cúm, chỉ tiêm dưới da, không tiêm vào cơ do có nguy cơ chảy máu. Tôi được biết vắc xin COVID-19 được tiêm bắp. Tôi nên làm gì để giảm nguy cơ chảy máu?

 

Nhiều bệnh nhân có các bệnh tim mạch sử dụng các thuốc chống đông máu như warfarin (thuốc đối kháng vitamin K) hoặc thuốc chống đông máu đường uống (DOACS). Một số bệnh nhân cũng sử dụng các thuốc chống kết tập tiểu cầu khác như aspirin, clopidogrel, ticagrelor hoặc prasugrel. Những bệnh nhân này có nhiều nguy cơ bị chảy máu sau chấn thương, bao gồm cả việc bị kim đâm vào bắp tay khi tiêm chủng COVID-19. Có thể dự đoán rằng nguy cơ bầm tím hoặc sưng tấy xung quanh vị trí tiêm sẽ tăng nhẹ ở những bệnh nhân này. Nên sử dụng loại kim tiêm cỡ nhỏ (cỡ 23 hoặc 25), sau đó ấn vào vị trí tiêm mà không cọ xát trong ít nhất hai phút. Bệnh nhân cần được thông báo về nguy cơ tụ máu do tiêm. Những bệnh nhân đang sử dụng warfarin cần được cập nhật xét nghiệm INR theo lịch trình và INR của họ dưới mức tối đa của khoảng điều trị có thể được tiêm bắp. Không giống như các vắc-xin cúm, vắc-xin COVID-19 chỉ có thể được tiêm dưới dạng tiêm bắp.

 

Bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch có tăng nguy cơ bị chống chỉ định (đặc biệt là sốc phản vệ) không?

 

Hiện tại không có bằng chứng cho thấy bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ chống chỉ định đối với vắc xin. Như với tất cả các trường hợp, bệnh nhân có bệnh tim mạch cần thông báo cho các nhân viên y tế về tiền sử phản ứng phản vệ nghiêm trọng với vắc xin tiêm và họ không nên chủng ngừa. Những người đã có phản ứng nghiêm trọng với các chất khác (không liên quan đến vắc xin), ví dụ: thuốc uống hoặc động vật có vỏ,...vẫn có thể tiêm vắc xin nhưng sẽ cần được theo dõi tại phòng khám trong ít nhất 30 phút sau đó. Các bệnh nhân nên tránh tiêm vắc xin trong khi đang bị sốt hoặc mắc các bệnh lý có sốt.

 

Sau lần tiêm đầu tiên, tôi có thể hoạt động bình thường trở lại không, ví dụ như tôi có thể giao lưu với mọi người không, tôi có cần đeo khẩu trang, tiếp tục vệ sinh tay không, tôi có thể ôm mọi người không?

 

Vắc xin có hiệu quả trong 75-95% các trường hợp, không hoàn toàn ngăn chặn tình trạng nhiễm bệnh, mặc dù vắc xin làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh trong trường hợp bị nhiễm. Hiện vẫn chưa rõ liệu một cá nhân được chủng ngừa có thể truyền vi rút cho người khác hay không. Tuy nhiên, dựa trên những gì đã biết về vắc xin cúm và thông tin thu được từ những người đã bị nhiễm COVID-19, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng vắc xin sẽ ngăn ngừa sự lây truyền.

 

Vì tất cả những lý do này, mọi người cần phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, thực hiện giãn cách xã hội và rửa tay cẩn thận ngay cả khi đã được tiêm phòng.

Cũng cần nhấn mạnh rằng đáp ứng miễn dịch không đủ mạnh để ngăn ngừa nhiễm bệnh lên đến 10 ngày sau khi tiêm chủng.

 

Tôi hiểu rằng tôi cần phải tiêm phòng hai lần. Cần tiêm cùng một loại vắc xin COVID-19, hay có thể tiêm vắc xin mũi thứ 2 khác loại vắc xin mũi thứ nhất?

 

Tốt nhất, liều đầu tiên và liều thứ hai cùng một loại vắc xin. Tuy nhiên, bạn có thể nhận được vắc xin khác loại cho mỗi liều trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ, nếu không còn loại vắc xin mũi 1, hoặc không có hồ sơ về loại vắc xin nào đã được tiêm cho liều đầu tiên. Tất cả các loại vắc xin hiện có đều dựa trên protein gai của vi rút, do đó, có khả năng liều thứ hai sẽ giúp tăng cường đáp ứng của liều đầu tiên, ngay cả khi đó là một loại vắc xin khác.

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không tiêm liều vắc xin thứ hai trong khoảng thời gian khuyến cáo?

 

Mặc dù khả năng miễn dịch đạt được sau 12 ngày kể từ ngày tiêm liều đầu tiên, nhưng vẫn cần phải tiêm hai liều để tăng cường đáp ứng miễn dịch. Dữ liệu thử nghiệm từ vắc xin Pfizer BioNTech cho thấy rằng hiệu quả đạt được là 95% nếu tiêm vắc xin thứ hai sau 21 ngày. Không có dữ liệu nào cho thấy hiệu lực bảo vệ sau 21 ngày được duy trì ở những người không tiêm liều vắc xin thứ hai vào thời điểm khuyến cáo, mặc dù có khả năng sẽ có một số miễn dịch được hình thành trước khi tiêm liều thứ hai. Thông tin được thu thập bởi các nhà nghiên cứu vắc xin Astra Zeneca cho thấy rằng khoảng cách giữa hai liều trong 8-12 tuần có thể làm tăng hiệu quả. Hầu hết các quốc gia đang hướng tới việc tiêm chủng cho càng nhiều người với liều đầu tiên càng nhanh càng tốt và trì hoãn liều thứ hai tối đa, nhưng không quá 12 tuần. Điều này có thể có nghĩa là một số lượng đáng kể các cá thể có thể không được bảo vệ tốt cho đến khi họ được tiêm liều thứ hai và về mặt lý thuyết, điều này có thể thúc đẩy sự phát triển các chủng kháng thuốc.

 

Trẻ em hiện mắc các bệnh lý về tim hoặc hô hấp được điều trị hoặc xem xét như thế nào?

 

Nghiên cứu vắc xin COVID-19 mới chỉ bắt đầu ở trẻ em và do đó các dữ liệu về tính an toàn và đáp ứng miễn dịch ở nhóm này còn rất hạn chế. Các loại vắc-xin COVID-19 được phê duyệt cho đến nay vẫn chưa được thử nghiệm ở trẻ em, nhưng một số công ty hiện đang bắt đầu đăng ký thử nghiệm trên đối tượng này. Hơn nữa, dữ liệu cho thấy trẻ em dưới 18 tuổi chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tất cả các trường hợp COVID-19 được báo cáo (ở một số quốc gia là 1%), với tỷ lệ tử vong tương đối ít so với các nhóm tuổi khác và thường là bệnh nhẹ. Vì vậy, hầu hết trẻ em không được coi là đủ điều kiện để tiêm chủng ở thời điểm hiện tại. 

Những trẻ em có nguy cơ cao bị nhiễm vi rút (suy giảm miễn dịch hoặc bị khuyết tật thần kinh nghiêm trọng) hoặc bị bệnh nặng (mắc bệnh tim và phổi nghiêm trọng) được coi là có nguy cơ cao và sẽ được ưu tiên theo các tiêu chuẩn của từng quốc gia sau khi vắc xin đã được phê duyệt sử dụng cho trẻ em. Trong khi đó, vì ở một số quốc gia, việc tiêm chủng của những người chăm sóc không được trả phí đã được đề xuất nhằm ngăn chặn những quần thể có nguy cơ cao bị lây nhiễm bởi chính những người chăm sóc họ, cơ hội này có thể dành cho cha mẹ của những trẻ dễ bị tổn thương này.

 

Tôi là một bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và có con dưới 18 tuổi. Tôi đã đọc được rằng trẻ em không đủ điều kiện để tiêm phòng. Điều đó có ý nghĩa gì đối với tôi? Ngay cả khi bản thân đã được tiêm chủng, liệu tôi có nguy cơ cao bị lây nhiễm vi rút từ con mình không?

 

Tiêm vắc-xin làm giảm nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong do nhiễm COVID-19 nếu bạn bị nhiễm bệnh. Tình trạng nghiêm trọng và tử vong do COVID-19 rất hiếm gặp ở trẻ em dưới 18 tuổi. Do đó, rất khó để biện minh cho việc tiêm vắc xin cho nhóm tuổi này vào thời điểm nguồn cung vắc xin đang gặp khó khăn để tiêm phòng cho những người ở độ tuổi 70 và 80. Bạn nên tiếp tục kiên trì khuyến khích trẻ duy trì các thói quen an toàn để giảm nguy cơ nhiễm vi-rút. Bạn nên cảm thấy yên tâm hơn rằng vắc-xin sẽ bảo vệ bạn khỏi những hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp nhiễm COVID-19.

 

Nguồn: https://www.escardio.org/Education/COVID-19-and-Cardiology/covid-19-and-vaccinations

Điểm tin: CTV. Hoàng Hải Linh, CTV. Vương Thị Hương, ThS. Nguyễn Thị Tuyến

Các tin liên quan