ASCO / IDSA (2018): Hướng dẫn mới về dự phòng nhiễm trùng ở bệnh nhân người lớn suy giảm miễn dịch liên quan đến ung thư

Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) và Hiệp hội Bệnh nhiễm trùng Hoa Kỳ (IDSA) vừa cập nhật hướng dẫn về dự phòng nhiễm trùng ở bệnh nhân người lớn suy giảm miễn dịch liên quan đến ung thư. Theo đó, các khuyến cáo về dự phòng nhiễm khuẩn và nhiễm nấm không thay đổi nhiều so với hướng dẫn của ASCO (2013). Với dự phòng nhiễm virus, tenofovir hoặc entecavir được khuyến cáo nhiều hơn so với lamivudin trong dự phòng tái phát viêm gan B. Vắc xin cúm liều cao được khuyến cáo sử dụng cho các bệnh nhân trên 65 tuổi.

 

Để cập nhật Hướng dẫn mới này, ASCO và IDSA đã tiến hành tổng quan hệ thống các nghiên cứu có liên quan từ tháng 5/2011 đến tháng 11/2016 và đưa ra các khuyến cáo dựa trên việc rà soát các bằng chứng y văn này của Hội đồng chuyên gia. Tổng số 6 phân tích meta mới công bố hoặc mới cập nhật cùng 6 nghiên cứu ban đầu được đưa vào tổng quan hệ thống của ASCO và IDSA.

 

Một số khuyến cáo chính của Hướng dẫn này bao gồm:

 

ASCO định nghĩa giảm bạch cầu trung tính nặng là trường hợp số lượng tuyệt đối của bạch cầu < 100 tế bào/µL và tình trạng giảm bạch cầu kéo dài ≥ 7 ngày. ASCO và IDSA cập nhật các khuyến cáo tập trung vào bốn vấn đề lâm sàng chính về dự phòng sốt giảm bạch cầu trung tính ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch liên quan đến ung thư:

 

Dự phòng nhiễm khuẩn: Dự phòng bằng kháng sinh fluoroquinolon được khuyến cáo trong suốt thời gian xảy ra giảm bạch cầu trung tính ở bệnh nhân có nguy cơ cao sốt hoặc có khả năng giảm bạch cầu trung tính nặng và kéo dài. Đa số những bệnh nhân này có bệnh máu ác tính như Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (AML) hoặc hội chứng bất sản tủy xương (MDS) và bệnh nhân ghép tế bào gốc (HSCT). Dự phòng bằng kháng sinh fluoroquinolon không được khuyến cáo ở phần lớn bệnh nhân có khối u rắn.

 

Dự phòng nhiễm nấm: Dự phòng bằng thuốc chống nấm nhóm echinocandin hoặc nhóm azol được khuyến cáo cho bệnh nhân có giảm bạch cầu trung tính nặng và kéo dài và các bệnh nhân có viêm niêm mạc (chủ yếu là những bệnh nhân mắc AML hoặc MDS hoặc bệnh nhân HSCT) cho đến khi giải quyết được tình trạng giảm bạch cầu trung tính. Các thuốc chống nấm nhóm azol có tác dụng trên nấm mốc (mold) nên được cân nhắc sử dụng cho các bệnh nhân có nguy cơ cao nhiễm nấm mốc xâm lấn như bệnh nhân được điều trị bệnh ghép chống chủ.

 

(Ảnh minh họa: Interent)

 

Dự phòng nhiễm virus: Bệnh nhân HSCT dị ghép có huyết thanh dương tính với virus Herpes simplex và những bệnh nhân đang điều trị cảm ứng nên sử dụng acyclovir hoặc phương pháp dự phòng khác tương đương. Bệnh nhân có nguy cơ cao tái hoạt viêm gan C nên sử dụng entecavir hoặc tenofovir. Bệnh nhân có nguy cơ cao bao gồm các đối tượng dương tính với kháng nguyên bề mặt đang sử dụng liệu pháp điều trị ung thư và đối tượng có kháng thể nhân dương tính/kháng thể bề mặt âm tính nhưng không điều trị bằng các thuốc gây suy yếu tế bào B (như rituximab hoặc ofatumunab) hoặc bệnh nhân đang ghép tế bào gốc. Vắc xin cúm nên được sử dụng 2 tuần trước khi bắt đầu hóa trị liệu hoặc > 7 ngày sau đợt điều trị cuối. Vắc xin cúm liều cao được khuyến cáo sử dụng cho tất cả bệnh nhân HSCT trên 65 tuổi. Những người có tiếp xúc nhiều với bệnh nhân ung thư cũng nên tiêm phòng vắc xin cúm.

 

 Dự phòng nhiễm trùng từ môi trường: Các biện pháp dự phòng nhiễm trùng như vệ sinh tay hoặc tránh tiếp xúc với các bào tử nấm mốc nên được kiểm soát trong suốt thời gian bệnh nhân có giảm bạch cầu trung tính.

 

Chi tiết hướng dẫn của ASCO/IDSA xin xem tại đây

Người tổng hợp: Nguyễn Mai Hoa

Các tin liên quan