So sánh hiệu quả và an toàn của việc sử dụng thuốc chống đông sớm và muộn trên bệnh nhân đột quỵ có rung nhĩ – kết quả từ một thử nghiệm lâm sàng nhãn mở, đa trung tâm


Bối cảnh

Hiệu quả của việc sử dụng sớm thuốc chống đông đường uống tác dụng trực tiếp (DOAC) chưa có khác biệt rõ ràng so với việc khởi trị muộn trên bệnh nhân rung nhĩ có đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính.


Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu thực hiện một thử nghiệm lâm sàng nhãn mở, đa trung tâm tại 103 địa điểm trên 15 quốc gia. Người tham gia thử nghiệm được chỉ định ngẫu nhiên vào hai nhóm theo tỉ lệ 1:1. Nhóm thứ nhất dùng thuốc chống đông sớm, trong vòng 48 giờ sau đột quỵ nhẹ và vừa, hoặc 6 đến 7 ngày sau đột quỵ nặng. Nhóm thứ hai bắt đầu sử dụng thuốc chống đông muộn hơn, từ ngày 3 hoặc 4 sau đột quỵ nhẹ, ngày 6 hoặc 7 sau đột quỵ vừa, hoặc ngày 12, 13 hoặc 14 sau đột quỵ nặng. Đánh giá viên không biết nhóm thử nghiệm được dùng DOAC sớm hay muộn. Tiêu chí lâm sàng chính là tiêu chí gộp  bao gồm đột quỵ thiếu máu cục bộ tái phát, thuyên tắc hệ thống, chảy máu ngoài sọ, xuất huyết nội sọ có triệu chứng hoặc tử vong do tim mạch trong vòng 30 ngày kể từ khi bắt đầu thử nghiệm ngẫu nhiên. Tiêu chí lâm sàng phụ là các kết quả riêng lẻ của chỉ tiêu chính ở mốc 30 và 90 ngày.


Kết quả nghiên cứu

Trong tổng số 2013 người tham gia thử nghiệm (37% đột quỵ nhẹ, 40% đột quỵ vừa và 23% đột quỵ nặng), 1006 người được chỉ định chống đông sớm và 1007 người bắt đầu dùng chống đông muộn hơn. Biến cố lâm sàng chính xảy ra trên 29 người (2,9%) ở nhóm điều trị sớm và 41 người (4,1%) ở nhóm khởi trị muộn (hiệu số nguy cơ: -1,18, 95% CI [-2,84 – 0,47]) trong 30 ngày. Đột quỵ thiếu máu cục bộ tái phát xảy ra trên 14 người (1,4%) ở nhóm điều trị sớm và 25 người (2,5%) ở nhóm điều trị muộn (tỷ suất chênh (OR): 0,57, 95% CI [0,29 – 1,07]) trong 30 ngày; trong 90 ngày có kết quả tương ứng là 18 người (1,9%) và 30 người (3,1%) với OR: 0,6, 95% CI [0,33 – 1,06]. Xuất huyết nội sọ có triệu chứng xảy ra trên 2 người (0,2%) ở cả 2 nhóm trong 30 ngày.


Kết luận

Kết quả của thử nghiệm lâm sàng cho thấy bệnh nhân đột quỵ có rung nhĩ sử dụng DOAC sớm có tỷ lệ đột quỵ thiếu máu cục bộ tái phát, thuyên tắc hệ thống, chảy máu ngoài sọ, xuất huyết nội sọ có triệu chứng hoặc tử vong do tim mạch trong vòng 30 ngày ước tính thấp hơn từ 2,8% đến cao hơn 0,5% (theo khoảng tin cậy 95% CI) so với bệnh nhân dùng DOAC muộn.

 

 

Nguồn: Early versus Later Anticoagulation for Stroke with Atrial Fibrillation | NEJM


Điểm tin: SV. Nguyễn Ngọc Quỳnh Trang

Hiệu đính: DS. Nguyễn Hà Nhi; Phụ trách: ThS.DS. Nguyễn Mai Hoa