EPI-PHARE (nhóm nghiên cứu dịch tễ dược học ANSM-CNAM tại Pháp) đã công bố một nghiên cứu dịch tễ học quy mô lớn trên Tạp chí Y học Anh (BMJ) về cơ sở của các khuyến cáo sử dụng các progestin và giám sát nguy cơ u màng não nội sọ trên bệnh nhân được điều trị bằng thuốc này.
Nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng nguy cơ u màng não khi sử dụng medroxyprogesteron, một thuốc tránh thai đường tiêm đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, tuy nhiên, không ghi nhận nguy cơ này đối với dụng cụ đặt tử cung có chứa levonorgestrel.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng liều cao và trong thời gian dài và liều cao ba loại progestin: cyproteron acetat (≥ 25 mg/ngày), chlormadinon (2 - 10 mg/ngày) và nomegestrol (3,75 - 5 mg/ngày) làm tăng đáng kể nguy cơ u màng não. Những kết quả này đã là cơ sở đưa ra các khuyến cáo về việc sử dụng và theo dõi bằng chẩn đoán hình ảnh não ở bệnh nhân sử dụng các thuốc này.
Ngoài 3 loại progestin đường uống này, câu hỏi đặt ra là liệu có nguy cơ tương tự với các loại progestin khác hay không, tùy thuộc vào các đường dùng khác nhau. Vì thế, Epi-Phare đã phối hợp với một bệnh viện để thực hiện một nghiên cứu quy mô lớn nhằm đánh giá nguy cơ cần can thiệp phẫu thuật u màng não nội sọ đối với nhiều loại progestin hơn trên phụ nữ. Kết của của nghiên cứu được công bố tại Pháp vào tháng 7/2023 và đã được xuất bản trên tạp chí BMJ.
Nghiên cứu được thực hiện trên 18.061 phụ nữ từ 45 đến 74 tuổi (trung bình 58 tuổi) đã phẫu thuật u màng não từ năm 2009 đến 2018 tại Pháp và 90.305 phụ nữ trong nhóm đối chứng. Kết quả cho thấy:
- Phụ nữ sử dụng medrogeston trong thời gian từ một năm trở lên có nguy cơ mắc u màng não cần phẫu thuật gấp 3,5 lần so với nhóm đối chứng.
- Việc sử dụng kéo dài medroxyprogesteron acetat đường tiêm có nguy cơ u màng não tăng lên gấp 5 đến 6 lần so với nhóm đối chứng. Đối với phụ nữ sử dụng promegeston dài ngày, nguy cơ này tăng lên gấp 2 lần so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, promegeston hiện không còn được lưu hành tại Pháp kể từ năm 2020.
- Nghiên cứu không chỉ ra nguy cơ u màng não đối với phụ nữ sử dụng cyproteron, nomegestrol và chlormadinon dưới một năm và trước đó chưa từng sử dụng ba loại progestin này.
- Việc sử dụng progesteron đường uống/đặt âm đạo/qua da và dydrogesteron không có mối liên quan đáng kể đến sự gia tăng nguy cơ phẫu thuật u màng não nội sọ. Ngoài ra, không ghi nhận nguy cơ này đối với dụng cụ đặt tử cung chứa levonorgestrel.
- Không có kết luận nào được đưa ra đối với dienogest hoặc hydroxyprogesterone do thiếu dữ liệu nghiên cứu.
Các nghiên cứu bổ sung về dienogest sẽ cần được thực hiện ngay khi có đủ dữ liệu (đã được cập nhật kể từ năm 2020 tại Pháp). Bên cạnh đó, một số động thái cũng cần được thực hiện ở các quốc gia có sử dụng rộng rãi các thuốc có nguy cơ kể trên, trong đó có medroxyprogesteron acetat đường tiêm với khoảng 74 triệu người sử dụng, chủ yếu ở các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế xã hội thấp.