ANSM (Pháp): Thuốc tránh thai đường uống và nguy cơ huyết khối tĩnh mạch

Nằm trong kế hoạch hành động đối với các thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp (COC) từ năm 2012, ANSM định kỳ công bố các thông tin về tình hình sử dụng các thuốc này tại Pháp. Các COC thế hệ 1 và 2 có sự gia tăng về tiêu thụ giai đoạn 2012-2015 so với các thuốc thế hệ 3 và 4. Kế hoạch này được thực hiện do nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch của các thuốc thế hệ 3 và 4 cao hơn các thuốc thế hệ 1 và 2. Để làm giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch (viêm tĩnh mạch do huyết khối, thuyên tắc phổi) và động mạch (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim), các thuốc được khuyến cáo sử dụng nhiều hơn là các COC có chứa levonorgestrel phối hợp với estrogen liều thấp (20 microgam).

 
Nằm trong kế hoạch hành động đối với các thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp (COC) từ năm 2012, ANSM tiến hành định kỳ công bố các thông tin về tình hình sử dụng các thuốc này tại Pháp. Dữ liệu trong giai đoạn 2012-2015 cho thấy các COC thế hệ 1 và 2 có sự gia tăng về số lượng tiêu thụ so với các thuốc thế hệ 3 và 4. Kế hoạch này được thực hiện do nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch của các thuốc thế hệ 3 và 4 cao hơn các thuốc thế hệ 1 và 2. Để làm giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch (viêm tĩnh mạch do huyết khối, thuyên tắc phổi) và động mạch (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim), các thuốc được khuyến cáo sử dụng nhiều hơn là các COC có chứa levonorgestrel phối hợp với estrogen liều thấp (20 microgam).
 
Các thuốc tránh thai đường uống chứa đồng thời một estrogen và một progestin được gọi là các thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp (COC). Estrogen thường được dùng là ethinylestradiol. Các loại progestin khác nhau trong thành phần giúp phân biệt các thế hệ khác nhau của các thuốc tránh thai, cụ thể:
- Các COC thế hệ 1: norethisteron. 
- Các COC thế hệ 2: levonorgestrel hoặc norgestrel
- Các COC thế hệ 3: desogestrel, gestoden hoặc norgestimat
- Các COC thế hệ 4: drospirenon, chlormadinon, dienogest hoặc nomegestrol
 
Ảnh minh họa: Internet.
 
Năm 2015, thị phần của các COC thế hệ 1 và 2 là 79%, với thế hệ 3 và 4 còn 21%. (so với năm 2012, thị phần của các thuốc này lần lượt là 52% và 48%). Tổng luợng bán của các COC giảm 5,3% giai đoạn 2013-2014 và 4,8% giai đoạn 2014-2015.
Tỷ lệ sử dụng các COC thế hệ 1 và 2 có chứa estrogen liều thấp (20 microgam) tăng đáng kể từ năm 2012 đến 2015, từ 24,7% lên đến 41,5% (tăng 1,7 lần).
Một nghiên cứu phối hợp cùng quỹ BHYT cho người đi làm (Cnamts) của ANSM công bố trên tạp chí BMJ (British Medical Journal) năm 2016 đã khẳng định nguy cơ huyết khối tĩnh mạch với các thuốc tránh thai thế hệ 2 chứa estrogen liều thấp (20 microgam) thấp hơn 2 lần so với các thuốc thế hệ 3 (chứa gestoden hoặc desogestrel). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các thuốc tránh thai thế hệ 2 chứa levonorgestrel và estrogen liều thấp đi kèm với một nguy cơ thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não thấp hơn các thuốc có chứa 30-40 microgam estrogen.
Một nghiên cứu khác tiến hành vào năm 2014 bởi ANSM trên cơ sở dữ liệu của BHYT đánh giá ảnh hưởng của việc thay đổi tiêu thụ đối với thuyên tắc phổi ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cho thấy các thay đổi tiêu thụ đã có hiệu quả ngay lập tức, 341 trường hợp nhập viện do thuyên tắc phổi đã được phòng tránh trong năm 2013.
Điểm lưu ý mới này khẳng định phụ nữ và người kê đơn cần ưu tiên các COC có nguy cơ gây huyết khối tắc mạch thấp hơn (các thuốc tránh thai đường uống thế hệ 1 và 2 có chứa estrogen liều thấp) và luôn tuân thủ các khuyến cáo của ANSM.

Khuyến cáo của ANSM cho cán bộ kê đơn để làm giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch và động mạch:
- Ưu tiên lựa chọn đầu tay là các thuốc tránh thai đường uống có chứa levonorgestrel phối hợp với estrogen liều thấp
- Khi kê đơn các thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp, cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân, đặc biệt các yếu tố liên quan đến huyết khối tĩnh mạch (ví dụ phụ nữ trên 35 tuổi).
ANSM tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc sử dụng các COC cũng như tác động của các biện pháp đảm bảo an toàn sử dụng thuốc.