Giới hạn sử dụng các thuốc chứa Cilostazol

Ngày 22/03/2013, Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã ra khuyến cáo hạn chế sử dụng các thuốc có chứa cilostazol. Hiện tại, cilostazol được sử dụng để điều trị đau chân cách hồi – tình trạng thiếu cung cấp máu tới cơ chân gây ra đau đớn và ảnh hưởng tới khả năng đi lại

Ngày 22/03/2013, Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã ra khuyến cáo hạn chế sử dụng các thuốc có chứa cilostazol. Hiện tại, cilostazol được sử dụng để điều trị đau chân cách hồi – tình trạng thiếu cung cấp máu tới cơ chân gây ra đau đớn và ảnh hưởng tới khả năng đi lại. Theo Ủy ban thuốc sử dụng cho người (CHMP) trực thuộc EMA, các thuốc này nên giới hạn trên một nhóm đối tượng bệnh nhân mục tiêu để đạt được hiệu quả lâm sàng đồng thời giảm thiểu những nguy cơ nghiêm trọng. CHMP khuyến cáo rằng cilostazol chỉ nên sử dụng ở những bệnh nhân đã thực hiện biện pháp thay đổi lối sống (luyện tập, ăn uống điều độ và ngừng hút thuốc) nhưng vẫn không cải thiện bệnh. Thêm vào đó, các thuốc chứa cilostazol không nên sử dụng cho những bệnh nhân rối loạn nhịp tim nghiêm trọng (nhịp tim nhanh, nhịp tim bất thường), đau thắt ngực không ổn định, đau tim, bệnh nhân đã phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc bệnh nhân đang sử dụng từ hai thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu trở lên như aspirin và clopidogrel.

            

Ảnh minh họa từ internet

Xuất phát từ một số báo cáo phản ứng bất lợi nghiêm trọng (đặc biệt ảnh hưởng đến tim mạch và gây chảy máu nghiêm trọng) của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Tây Ban Nha (AEMPS), CHMP đã tiến hành đánh giá lại các tài liệu liên quan đến cân bằng lợi ích/nguy cơ của thuốc chứa cilostazol. Các nghiên cứu được xem xét lại bao gồm:

·        Một phân tích meta gồm chín thử nghiệm lâm sàng với 3.122 bệnh nhân đã cho thấy sử dụng cilostazol có thể làm tăng khoảng cách đi bộ hơn so với sử dụng placebo. Phần trăm trung bình tăng so với đường chuẩn của cilostazol là 59,4%, trong khi placebo là 24,3%. Tương ứng với tỷ lệ tuyệt đối của quãng đường đi bộ tăng thêm lần lượt là 87,4m và 43,7m (đường chuẩn là 133m). Từ nghiên cứu này, CHMP kết luận rằng cilostazol có hiệu quả lâm sàng quan trọng đối với một nhóm nhỏ bệnh nhân và có thể đánh giá được sau ba tháng điều trị.

·        Dữ liệu từ 14.000 báo cáo phản ứng bất lợi và 4.000 sự kiện bất lợi từ một nghiên cứu không can thiệp đã chỉ ra nguy cơ của cilostazol từ các thử nghiệm lâm sàng. Các trường hợp xuất huyết chiếm khoảng 8% số báo cáo tự nguyện. Các sự kiện bất lợi phổ biến nhất được báo cáo là đánh trống ngực và nhịp tim nhanh (mỗi biểu hiện chiếm khoảng 5% số báo cáo tự nguyện).

·        Độ an toàn dài hạn trên tim mạch của cilostazol đã được phân tích trong nghiên cứu CASTLE - nghiên cứu phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi, sử dụng placebo có kiểm soát. Nghiên cứu bao gồm 1.439 bệnh nhân sử dụng cilostazol 100mg hai lần/ngày (giảm liều xuống 50mg hai lần/ngày nếu cần thiết) và bệnh nhân sử dụng placebo. Nghiên cứu đã bị dừng sớm (sau khoảng 3 năm) do tỷ lệ loại bỏ khỏi nghiên cứu cao ở cả hai nhóm (397 trên 721 bệnh nhân sử dụng cilostazol và 391 trên 718 bệnh nhân dùng placebo) và do tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với dự kiến. Trong nhóm sử dụng cilostazol có 49 trường hợp tử vong, trong đó có 12 trường hợp do rối loạn tim mạch, nhóm sử dụng placebo có 52 trường hợp tử vong, 13 trường hợp do tim mạch. Khi so sánh điểm kết thúc của tỷ lệ mắc bệnh tim mạch (bệnh động mạch vành và mạch máu não) và tỷ lệ tử vong, có 135 trường hợp sử dụng cilostazol và 153 sử dụng placebo. Mặc dù nghiên cứu bị dừng sớm nhưng các kết quả nhận được cũng cung cấp một số thông tin về độ an toàn trên tim mạch của cilostazol.

·        Phân tích các dữ liệu hiện có cho thấy nguy cơ xuất huyết tăng cao khi sử dụng cilostazol cho những bệnh nhân dùng cả aspirin và clopidogrel. Tuy nhiên, cilostazol sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với một thuốc chống đông khác không làm tăng nguy cơ chảy máu.

            Cuối cùng, CHMP kết luận rằng hiệu quả của cilostazol tuy khá hạn chế nhưng vẫn có lợi đối với một nhóm nhỏ bệnh nhân, ít nhất là giúp họ bắt đầu chương trình luyện tập. Mặc dù báo cáo về phản ứng có hại đã nêu ra một số quan ngại về độ an toàn của cilostazol tuy nhiên các vấn đề đó chưa được chứng minh trong thử nghiệm lâm sàng (nghiên cứu CASTLE) và trong thực hành lâm sàng vẫn có khả năng loại trừ những bệnh nhân có nguy cơ cao. Do đó, CHMP khuyến cáo hạn chế sử dụng cilostazol cho một nhóm bệnh nhân mục tiêu để đạt được hiệu quả cao nhất và nguy cơ thấp nhất. CHMP đã gửi thông tin đến EMA để đưa ra quyết định quản lý phù hợp đối với thuốc chứa cilostazol trên toàn châu Âu.

            Theo đó, CHMP khuyến cáo cho các cán bộ y tế:

-         Chỉ nên sử dụng cilostazol để điều trị đau chân cách hồi khi biện pháp thay đổi lối sống (bao gồm ngừng hút thuốc và luyện tập) và các biện pháp can thiệp đơn độc khác không có tác dụng đầy đủ.

-         Nên bắt đầu điều trị với cán bộ y tế có kinh nghiệm trong điều trị đau chân cách hồi và phải đánh giá lại sau 3 tháng điều trị. Nếu bệnh nhân không có hiệu quả lâm sàng rõ rệt, cần ngừng điều trị.

-         Không nên sử dụng cilostazol cho những bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định, bệnh nhân có nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật động mạch vành trong vòng 6 tháng gần đây hoặc bệnh nhân có tiền sử nhịp tim nhanh nghiêm trọng.

-         Không nên sử dụng cilostazol cho những bệnh nhân đang dùng phối hợp từ hai thuốc chống đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu trở lên.

-         Do nguy cơ tương tác thuốc, nên giảm liều cilostazol ở những bệnh nhân sử dụng thuốc có khả năng ức chế mạnh CYP3A4 hay CYP2C19.

-         Cán bộ y tế nên tham khảo ý kiến bệnh nhân để kê đơn cho phù hợp.

            Hiện tại, cilostazol đang lưu hành ở Việt Nam với một số biệt dược khác nhau như Stiloz, Dancitaz, Pletaal... Cilostazol cũng có trong danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo Thông tư số 31/2011/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 11/07/2011.