Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) cùng với Cơ quan quản lý dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA) yêu cầu bổ sung thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế hệ renin angiotensin ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và cập nhật nguy cơ loét tiêu hóa đối với thuốc chứa kẽm acetat.
1. Thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế hệ renin-angiotensin (RAS) trên phụ nữ trong độ tuổi sinh sản
Thuốc ức chế hệ renin - angiotensin (RAS inhibitors), bao gồm: thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs), thuốc ức chế thụ thể angiotensin/neprilysin và thuốc ức chế trực tiếp renin là các thuốc được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp và suy tim mạn tính. Chống chỉ định thuốc ức chế hệ thống renin – angiotensin đối với phụ nữ có thai hoặc dự định có thai do các nguy cơ đối với thai nhi bao gồm: thiếu ối, thai lưu hoặc tử vong trẻ sơ sinh, hạ huyết áp sơ sinh, suy thận, tăng kali máu và thiểu sản hộp sọ.
Năm 2014, PMDA đã cảnh báo các nhân viên y tế về nguy cơ khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs) đối với phụ nữ mang thai sau khi nhận được một số báo cáo về việc bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị với các thuốc này ngay cả khi đã phát hiện có thai. Các biến cố bất lợi trên thai nhi được báo cáo có thể liên quan đến việc sử dụng các thuốc này trên người mẹ.
Tuy nhiên, ngay cả khi các cảnh báo được đưa ra, các trường hợp tương tự vẫn tiếp tục được báo cáo, bao gồm cả trường hợp người mẹ không biết mình đã mang thai. MHLW và PMDA đã yêu cầu bổ sung các biện pháp thận trọng sau đây khi sử dụng thuốc ức chế hệ renin-angiotensin ởphụ nữ trong độ tuổi sinh sản:
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản chỉ nên sử dụng các thuốc ức chế hệ renin-angiotensin sau khi cân nhắc lợi ích vượt trội nguy cơ.
- Nếu được sử dụng, cần chắc chắn rằng bệnh nhân không mang thai và tránh mang thai trong suốt thời gian dùng thuốc. Nếu bệnh nhân phát hiện mang thai, ngay lập tức dừng thuốc.
- Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi có ý định mang thai, thông báo ngay cho bác sĩ khi phát hiện mang thai hoặc nghi ngờ mang thai trong quá trình dùng thuốc.
2. Nguy cơ loét tiêu hóa khi sử dụng kẽm acetat
MHLW và PMDA đã nhận được 13 trường hợp báo cáo về loét dạ dày liên quan đến kẽm acetat. Trong đó, 7 trường hợp có nhiều khả năng liên quan đến kẽm acetat. Dựa trên vị trí loét được báo cáo, thuật ngữ “loét tiêu hóa” sẽ phù hợp hơn “loét dạ dày” để mô tả về các biến cố này. Trên cơ sở đó, MHLW và PMDA đề xuất cập nhật nguy cơ loét dạ dày vào mục tác dụng không mong muốn có ý nghĩa trên lâm sàng trong thông tin sản phẩm của các thuốc chứa kẽm acetat.
Nguồn: WHO Pharmaceuticals Newsletters No.4 2023
Điểm tin: SV. Nguyễn Linh Phương, SV. Trần Phương Thảo A.
Hiệu đính: DS. Nguyễn Hà Nhi, Phụ trách: DS. Nguyễn Mai Hoa