Sau cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19, liệu ý tưởng về một "lựa chọn cộng đồng" đối với nghiên cứu và sản xuất thuốc có còn là một điều phi thực tế?

Trong bối cảnh đặc biệt của cuộc khủng hoảng Covid-19, thế giới đang đối mặt với vấn đề tích trữ và đầu cơ các trang thiết bị y tế. Vì thế mà khẩu trang, máy thở là những vấn đề đang được bàn luận nhiều trên các phương tiện truyền thông hàng ngày. Tuy nhiên, khi xét đến bối cảnh chung của ngành y tế thì những câu hỏi mang tính chiến lược cho việc cung ứng các mặt hàng dược phẩm và trang thiết bị y tế hiện vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể.

 

Cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 hiện đang đặt một gánh nặng lớn lên khả năng sản xuất, đóng gói và cung ứng các thuốc thiết yếu cho hoạt động chuyên môn gây mê hồi sức. Tình trạng này hoàn toàn có thể lặp lại, nhưng là với các loại thuốc khác. Trên thực tế, nếu các nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm ra các thuốc có hiệu quả trong điều trị các biến chứng gây ra bởi Covid-19 thì gần như chắc chắn hoạt động sản xuất, đóng gói và cung ứng các loại thuốc này sẽ rơi vào tình trạng quá tải sau khi thuốc được chứng minh tác dụng. Sau đó, đến lượt các thuốc có tác dụng phòng ngừa virus (đặc biệt là các vaccin) rơi vào tình cảnh tương tự.

Trong những tình huống mà thiếu hụt một số thuốc thiết yếu trở nên trầm trọng; vấn đề đặt ra là liệu một số chính phủ có thể quốc hữu hóa dây chuyền sản xuất dược phẩm nhằm đưa ra biện pháp đối phó kịp thời với các nhu cầu y tế cấp thiết.

Câu hỏi về vấn đề quốc hữu hóa hoạt động phát triển và sản xuất dược phẩm lại một lần nữa được đặt ra trong bối cảnh các nước Châu Âu phải đối diện với một cuộc khủng hoảng y tế (BMJ 2020; 368:m769 doi:10.1136/bmj.m769; đăng ngày 4/3/2020). Bài báo là cuộc tranh luận giữa các chuyên gia, hai nhà kinh tế, nhà nghiên cứu Marianna Mazzucato và Henry Lishi Li (Viện Sáng kiến và Mục đích cộng đồng, Đại học Luân đôn) với giáo sư phẫu thuật Ara Darzi (đồng giám đốc Viện Sáng kiến Y tế toàn cầu, Đại học Hoàng gia Luân đôn) về vấn đề trên. Cuộc tranh luận nhấn mạnh tính thiết yếu của ngành Công nghiệp dược phẩm trong quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng hiện đang tồn tại mâu thuẫn giữa một bên là các lợi ích sức khỏe cộng đồng và một bên là các lợi nhuận kinh tế khổng lồ cũng như nhu cầu thu hồi vốn của các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, bài báo cũng đưa ra một số vấn đề: các hãng dược phẩm đầu tư phần lớn cho nghiên cứu các loại thuốc mang tính đột phá cao (hay những thuốc "bom tấn") mà ít chú tâm tới các thuốc đem lại ít lợi nhuận khác, với mục tiêu là độc quyền về giá thuốc cũng như đẩy mạnh việc sản xuất thuốc ở nước ngoài nhằm cắt giảm chi phí. Các chuyên gia cho rằng điều này phản ánh tầm nhìn ngắn hạn của ngành công nghiệp Dược phẩm và do đó, chính phủ cần đóng một vai trò quan trọng hơn trong điều phối và quản lý hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực Dược. Có một số gợi ý như là chính phủ có thể can thiệp thông qua định hướng phát triển thuốc mới, bình ổn giá thuốc, đảm bảo quyền lợi về bản quyền, đặt ra các điều kiện để tái đầu tư và duy trì nguồn cung ứng thuốc ổn định. Các nhà phân tích cũng đề cập tới những khoản đầu tư không hoàn lại của lĩnh vực công đối với các nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh, các con đường mới trong cơ chế tác dụng của thuốc và đôi khi cả các nghiên cứu ban đầu trong phát triển thuốc mới với Covid-19 như hiện nay. Các chuyên gia đưa ra ý tưởng về một "lựa chọn cộng đồng" (gần tương tự khi người dân lựa chọn giữa bảo hiểm y tế công và bảo hiểm sức khỏe cung cấp bởi các công ty tư nhân ở các nước phương Tây, một số loại thuốc nhất định sẽ được cung ứng bởi chính phủ, dễ tiếp cận với mọi đối tượng, với một mức giá phải chăng) song song với các lựa chọn được đưa ra bởi các hãng dược phẩm tư nhân. Một ý tưởng khác về việc chuyển giao sản xuất một số loại thuốc cũ cho các tổ chức công cũng đã được bàn đến, tuy nhiên vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của ý tưởng này ở quy mô lớn hơn. Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng chắc chắn câu hỏi này sẽ vẫn là tâm điểm cho các phân tích và tranh luận cho đến giai đoạn hậu khủng hoảng.

 

Nguồn: Bulletin d’Informations de Pharmacologie Clinique de la région Occitanie (Đặc san COVID 19 - tháng 4/2020)

Tác giả: Tiến sĩ Cecile Conte và Fabien Despas – Toulouse

Người dịch: SVD5. Nguyễn Thanh Bình, Ds. Dương Khánh Linh

Các tin liên quan