Hạ phosphat máu là một phản ứng có hại đã biết khi sử dụng sắt đường tĩnh mạch, đặc biệt là sắt carboxymaltose. Hạ phosphat máu có thể diễn biến nghiêm trọng, kéo dài và có thể gây ra các biến chứng như loãng xương và gãy xương. Cần đánh giá nguy cơ hạ phosphat máu ở bệnh nhân trước khi chỉ định sắt đường tĩnh mạch.
Sắt đường tĩnh mạch được chỉ định trong điều trị và/hoặc dự phòng thiếu sắt khi các chế phẩm sắt đường uống không phù hợp hoặc không hiệu quả. Các chế phẩm sắt đường đường tĩnh mạch đang được cấp phép lưu hành tại New Zealand bao gồm sắt carboxymaltose và sắt polymaltose.
Hiện nay, việc sử dụng sắt đường tĩnh mạch, đặc biệt là sắt carboxymaltose đang ngày càng gia tăng ở New Zealand. Do đó, Cơ quan An toàn Thuốc và Thiết bị Y tế New Zealand (Medsafe) đã đưa cảnh báo về nguy cơ hạ phosphat máu sau khi sử dụng sắt đường tĩnh mạch.
Hạ phosphat máu là một tác dụng không mong muốn đã được ghi nhận của sắt carboxymaltose và sắt polymaltose. Trong đó, nguy cơ này cao hơn ở bệnh nhân sử dụng chế phẩm chứa sắt carboxymaltose.
Cơ chế của hạ phosphat máu khi sử dụng sắt đường tĩnh mạch do sự gia tăng yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF23), dẫn đến thận bài tiết phosphat quá mức và làm giảm nồng độ phosphat máu.
Tình trạng hạ phosphat máu do sử dụng sắt đường tĩnh mạch thường thoáng qua và không có triệu chứng. Tuy nhiên, hạ phosphat máu nghiêm trọng, kéo dài, đồng thời xuất hiện các biến chứng như loãng xương và gãy xương cũng có thể xảy ra, đặc biệt là ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ.
Các yếu tố nguy cơ gây hạ phosphat máu liên quan đến chế phẩm chứa sắt đường tĩnh mạch được trình bày ở Bảng 1. Bệnh nhân cần sử dụng sắt đường tĩnh mạch dài hạn có nguy cơ cao hạ phosphat máu và gặp các biến chứng của hạ phosphat máu.
Bảng 1: Các yếu tố nguy cơ gây hạ phosphat máu khi sử dụng sắt đường tĩnh mạch
Có 45 báo cáo ca hạ phosphat máu sau khi sử dụng sắt đường tĩnh mạch từ ngày 1 tháng 1 năm 2016 đến ngày 30 tháng 9 năm 2024. Trong đó, có 39 báo cáo ghi nhận ở nữ giới, 44 báo cáo liên quan đến sắt carboxymaltose, 40 báo cáo có hạ phosphat máu nghiêm trọng, không có báo cáo nào về tình trạng loãng xương hoặc gãy xương.
Khi kê đơn sắt đường tĩnh mạch cần:
- Lưu ý về thông tin về tác dụng không mong muốn của các chế phẩm khác nhau và các yếu tố nguy cơ hạ phosphat máu trên bệnh nhân.
- Thông báo cho bệnh nhân về nguy cơ hạ phosphat máu và các biểu hiện thường gặp như đau xương, đau khớp, mệt mỏi.
- Theo dõi nồng độ phosphat ở những bệnh nhân có nguy cơ cao gặp tình trạng hạ phosphat máu hoặc biến chứng liên quan.
- Đánh giá lại việc điều trị bằng sắt đường tĩnh mạch khi xuất hiện biến cố hạ phosphat máu.
Nguy cơ hạ phosphat máu
Cơ chế hạ phosphat máu
Mức độ nghiêm trọng
Yếu tố nguy cơ gây hạ phosphat máu
Báo cáo ca ở New Zealand
Cân nhắc khi kê đơn